Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Phân khúc BĐS cho thuê mặt bằng bán lẻ: Tăng trưởng thị phần có thể kéo dài

Mai Vân thực hiện
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0, việc mua sắm trực tuyến với ưu thế tiện lợi, đơn giản sẽ lên ngôi. Nhưng thực tế, những cửa hàng - siêu thị vẫn chiếm phần lớn doanh số của thị trường bán lẻ, giúp cho phân khúc BĐS cho thuê mặt bằng bán lẻ tăng trưởng mạnh trong thời gian gần đây.

Ông Vũ Quang Vinh - chuyên gia nghiên cứu về thị trường (Hiệp hội BĐS Việt Nam)
Phóng viên Kinh tế & Đô thị đã có cuộc trao đổi với ông Vũ Quang Vinh - chuyên gia nghiên cứu về thị trường (Hiệp hội BĐS Việt Nam) để hiểu rõ hơn về vấn đề này.
Ông đánh giá thế nào về thị trường bán lẻ tại Hà Nội hiện nay?
- Hà Nội và TP Hồ Chí Minh là một trong hai TP có tốc độ đô thị hóa mạnh nhất ở Việt Nam hiện nay, hệ thống hạ tầng đồng bộ và dân số tập trung cũng đông nhất. Từ đó kéo theo những nhu cầu về các loại hình dịch vụ đi kèm, ngoài chỗ ở, phương tiện đi lại, thì nhu cầu thiết yếu hàng ngày như ăn, mặc, vui chơi, giải trí... thu hút một nguồn tài chính khổng lồ đổ vào những hoạt động này.
Số liệu thống kê của Cục Thống kê Hà Nội cho thấy, năm 2018 tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn Thủ đô đạt con số kỷ lục từ trước đến nay, xấp xỉ 509.000 tỷ đồng, bao gồm doanh thu từ các hoạt động: Thương mại, khách sạn - nhà hàng, du lịch - lữ hành và các dịch vụ khác.
Điều đáng nói, thị trường bán lẻ tại Việt Nam không chỉ ghi nhận những thương hiệu nổi tiếng trong nước như Vincom, Nguyễn Kim, FPT... mà còn thu hút những thương hiệu nổi tiếng về lĩnh vực bán lẻ của thế giới như Aoen, Lotte, Circle K, Co.op Mart... Chưa kể, những thương hiệu bán lẻ trực tuyến có thị phần toàn cầu cũng đã có mặt và đang tích cực chiếm lĩnh thị trường. Như vậy có thể thấy, Hà Nội đang hình thành ngành công nghiệp bán lẻ và còn nhiều tiềm năng để phát triển.
Những tín hiệu tích cực của thị trường bán lẻ có tác động như thế nào đến phân khúc BĐS cho thuê mặt bằng bán lẻ?
- Thời gian gần đây chứng kiến sự lên ngôi mạnh mẽ của thương mại điện tử (bán hàng online), với tốc độ tăng trưởng như vũ bão. Nhưng thực tế, người dân vẫn thích mua sắm ở các cửa hàng thực thể (siêu thị, cửa hàng tiện lợi - PV) hơn là mua sắm online, vì ở đó người ta có thể được cầm, nắm, nhìn thực tế trước khi quyết định mua; thay vì chỉ được nhìn qua hình ảnh, thậm chí là phải chuyển trước tiền mới có thể mua online, mức độ rủi ro cao hơn. Bởi thế, doanh thu bán lẻ từ các cửa hàng thực thể vẫn chiếm 80 - 90% doanh số của thị trường.
Từ thực tế đó, gần đây, những nhà cung cấp dịch vụ bán lẻ bằng thương mại điện tử cũng đang có xu hướng mở thêm các cửa hàng thực thể. Điều này có thể giúp khách hàng vừa lựa chọn sản phẩm trực tuyến và vừa có thể cảm nhận trực tiếp sản phẩm khi mua, công nghệ vẫn được áp dụng để tăng thêm tính tiện lợi.
Tất cả các biện pháp bán hàng đều đang hướng đến việc xây dựng một địa điểm cụ thể, phân khúc BĐS cho thuê mặt bằng bán lẻ như “cá gặp nước”, khi thị trường có nhu cầu thì nguồn cung sẽ tăng. Khối đế của các dự án chung cư đều được các chủ đầu tư thiết kế riêng để phục vụ cho đối tượng khách hàng này. Có thể khẳng định thị trường bán lẻ đang là đòn bẩy cho phân khúc cho thuê mặt bằng phát triển như hiện nay.
Ông dự báo gì về phân khúc BĐS cho thuê mặt bằng bán lẻ trong thời gian tới?
- Thị phần của phân khúc cho thuê mặt bằng bán lẻ không chỉ tăng trưởng trong giai đoạn ngắn 3 - 5 năm, mà có thể kéo dài hàng chục năm hoặc nhiều hơn nữa. Vì thị trường bán lẻ tập trung vào những nhu cầu thiết yếu hàng ngày của con người, nhưng trong một chu kỳ ngắn từ 3 - 5 năm, thị trường sẽ phát triển mạnh mẽ.
Hiện nay, các trung tâm mua sắm quy mô lớn ngày càng linh hoạt trong việc đa dạng hóa khách thuê, tập trung vào những xu hướng tiêu dùng mới như thời trang, ẩm thực và giải trí... trong khi đó, vẫn đáp ứng tốt nhu cầu xa xỉ phẩm, đặc biệt là các thương hiệu quốc tế. Sau khi tạo ra được những nhận diện, phân chia phân khúc rõ ràng thì thị trường sẽ dần đi vào ổn định.
Xin cảm ơn ông!