Sau khi nghe Tờ trình, các ý kiến tán thành với sự cần thiết sửa đổi, bổ sung 2 Nghị quyết để kịp thời thể chế hóa chủ trương, chỉ đạo mới trong Nghị quyết Trung ương về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh các vùng kinh tế - xã hội, các Nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển đô thị, sắp xếp, tổ chức hợp lý các đơn vị hành chính.
Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, đa số thành viên trong cơ quan thẩm tra tán thành với quy định về việc áp dụng tiêu chí phân loại đô thị theo vùng miền tương ứng với 6 vùng kinh tế - xã hội (Vùng trung du và miền núi phía bắc, Vùng Đồng bằng sông Hồng, Vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung, Vùng Tây Nguyên, Vùng Đông Nam Bộ và Vùng Đồng bằng sông Cửu Long).
Về áp dụng phân loại đô thị theo yếu tố đặc thù, Ủy ban Pháp luật đề nghị chưa đưa các đô thị loại IV, loại V chịu tác động từ biến đổi khí hậu, rủi ro thiên tai vào diện đô thị có yếu tố đặc thù cần được giảm tiêu chí phân loại đô thị bởi chưa có căn cứ, cơ sở để tính toán, xác định cụ thể địa bàn, số lượng đô thị sẽ được áp dụng.
Đối với khu vực dự kiến hình thành đô thị để bảo tồn, phát huy giá trị đặc sắc cố đô và di sản văn hóa vật thể đã được UNESCO công nhận, để bảo đảm thực hiện yêu cầu tại Nghị quyết số 54-NQ/TW của Bộ Chính trị, Ủy ban Pháp luật đề nghị chỉnh lý quy định này theo hướng không xem xét tiêu chí mật độ dân số, bởi tính chất đặc thù của đô thị loại này là thường có diện tích di sản cần bảo tồn rất lớn, cần hạn chế việc tập trung dân cư sinh sống ở phần nội đô, có nhiều di sản.
Mặt khác, tuy dân số thường trú tại đô thị không cao song số lượng người đến tham quan, du lịch, học tập, công tác, lao động thường xuyên lại rất lớn nên yêu cầu đối với hạ tầng đô thị và các dịch vụ của đô thị cũng rất cao, cần được nâng cấp, ưu tiên đầu tư phát triển để đáp ứng nhu cầu của người dân và tạo động lực phát triển cho vùng.
Đối với một số loại đô thị đặc thù như đô thị thông minh, sáng tạo, khoa học - công nghệ hiện vẫn chưa có tiêu chí cụ thể để xác định thế nào là đô thị thông minh, sáng tạo, khoa học - công nghệ và cũng chưa làm rõ được cơ sở khoa học, lý luận và thực tiễn để lý giải tại sao các loại đô thị này lại cần được giảm mức tiêu chí về quy mô và mật độ dân số nên cơ quan thẩm tra tán thành với đề nghị của Chính phủ về việc chưa bổ sung quy định về loại đô thị đặc thù này mà sẽ tiếp tục nghiên cứu để bổ sung quy định vào thời điểm thích hợp.
Bên cạnh đó, một số thành viên Ủy ban Pháp luật đề nghị Chính phủ cần nghiên cứu, đánh giá thêm về một số loại hình đô thị có tính chất đặc thù khác đã được đề cập trong các văn kiện, nghị quyết của Trung ương, Bộ Chính trị như đô thị xanh, đô thị sinh thái, đô thị du lịch, đô thị logistic... để thể chế hóa khi có đủ cơ sở.
Cho ý kiến, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, việc xem xét sửa đổi 2 nghị quyết này sau khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành giám sát về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã là phù hợp và cơ bản nhận được sự đồng thuận.
Việc sửa đổi cũng chỉ một số điểm nhằm đáp ứng yêu cầu hiện nay, vì đất nước đang trong giai đoạn phát triển; tiêu chuẩn, tiêu chí có sự biến động.
Sau khi thảo luận, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã biểu quyết thông qua với 100% thành viên có mặt tán thành; yêu cầu cơ quan soạn thảo phối hợp với các cơ quan liên quan hoàn thiện dự thảo, báo cáo lại UBTVQH dự thảo mới kèm theo báo cáo tiếp thu, giải trình các ý kiến đặt ra hôm nay để trình Chủ tịch Quốc hội ký ban hành trước ngày 30/9.