Phân loại rác tại nguồn: Giải pháp hiệu quả xử lý rác thải nhựa

Vân Nhi
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Với mong muốn bảo vệ môi trường sống, biến rác thải thành tài nguyên, trong những năm qua, hàng loạt biện pháp, công nghệ xử lý rác thải tiên tiến đã được áp dụng. Song, những biện pháp dù được đánh giá là cần thiết, cần sớm triển khai rộng khắp… lại đang đứng trước nhiều thách thức đến từ việc tổ chức phân loại rác thải tại nguồn.

Đây cũng là nội dung được thảo luận sôi nổi tại hội thảo trực tuyến “Thực trạng và giải pháp xử lý rác thải nhựa tại Việt Nam” do Hiệp hội Môi trường đô thị và Khu Công nghiệp Việt Nam, Tạp chí Môi trường đô thị Việt Nam phối hợp với Công ty Informa Markets Vietnam tổ chức ngày 9/6.
Những con số báo động

Theo các chuyên gia trong lĩnh vực môi trường, trong khoảng thời gian từ năm 1990 - 2015, số lượng tiêu thụ nhựa ở Việt Nam đã tăng lên nhanh chóng, từ 3,8kg/người/năm lên đến 41kg/người/năm và chiếm từ 8 - 12% lượng chất thải sinh hoạt phát sinh hàng ngày. Điều đáng nói, trong lượng rác thải nhựa, túi ni lông phát sinh hàng ngày, chỉ có từ 11 - 12% được xử lý, tái chế theo đúng quy định, số còn lại chủ yếu là chôn lấp, đốt và thải ra ngoài môi trường. Nhìn ra thế giới, theo thống kê của các nhà khoa học, hiện đã có 8.300 triệu tấn rác thải nhựa được sản sinh. Trong đó, chỉ 9% được tái sử dụng, 12% được xử lý theo phương pháp đốt và 79% trong bãi rác và trôi nổi trong môi trường.
 Thu gom rác thải trên phố Tràng Thi, quận Hoàn Kiếm. Ảnh: Công Hùng
Đề cập đến những tác hại của rác thải nhựa đối với môi trường, PGS.TS Đỗ Văn Mạnh - Phó Viện trưởng Viện Công nghệ môi trường - Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam cho biết, theo quy trình xử lý rác thải hiện nay ở Việt Nam, sau khi người dân loại bỏ rác thải sẽ được các đơn vị chức năng thu gom, phân loại, xử lý, tái chế rồi mới tiến hành chôn lấp. Tuy nhiên, quy trình này lại đang bỏ mất hai khâu quan trọng là phân loại và xử lý, tái chế mà trực tiếp đưa đi chôn lấp, điều này đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sống. “Nghiên cứu của các nhà khoa học cho thấy, một chai nhựa sẽ cần từ 450 - 1.000 năm, một bao nhựa là 10 - 100 năm và chai chất tẩy rửa là 500 - 1.000 năm để phân hủy hết trong môi trường biển… Trong khoảng thời gian này, nhựa nano và hạt vi nhựa đã không ngừng tấn công hệ sinh thái gây ảnh hưởng đến môi trường sống” - PGS.TS Đỗ Văn Mạnh chia sẻ.

Để rác là tài nguyên

Để giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường do rác thải nhựa gây ra, theo GS.TS Nguyễn Hữu Dũng – Viên trưởng Viện Môi trường đô thị và Công nghiệp Việt Nam, chúng ta cần giảm thiểu sử dụng sản phẩm nhựa một lần, phân loại rác thải tại nguồn, tăng khả năng tái sử dụng, tái chế rác thải nhựa; tập trung phát triển các công nghệ tái chế túi ni lông, rác thải nhựa…
Bên cạnh đó, nghiên cứu, chế tạo các chất phụ gia phối trộn vào nguyên liệu dùng để sản xuất các loại túi nhựa nhằm giảm thời gian phân hủy của rác thải nhựa. Đây là phương pháp mang tính bền vững, rút ngắn thời gian phân hủy rác thải nhựa từ hàng trăm năm xuống còn vài chục tháng. Bày tỏ tán đồng quan điểm này, ông Trần Việt Anh - Chủ tịch Hiệp hội Nhựa TP Hồ Chí Minh (VSPA) cũng cho biết thêm, nhiều nước trên thế giới đã biến rác thành một nguồn tài nguyên thông qua việc đốt rác phát điện, biến rác thải nhựa nguyên liệu cho các lĩnh vực sản xuất khác…

Nhìn chung, các chuyên gia tham gia thảo luận trực tuyến tại hội thảo cho rằng, ở bất cứ giai đoạn nào đều có những phương pháp xử lý rác thải phù hợp. Song, để biến rác thành tài nguyên, không phát sinh thêm những hệ lụy đối với môi trường thì việc đầu tiên và quan trọng nhất là phải phân loại được rác thải tại nguồn, loại bỏ những tạp chất tồn đọng có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân, môi trường sống, nâng cao hiệu quả của các biện pháp xử lý.
“Nếu đốt rác phát điện, làm nguyên liệu cho các loại sản xuất khác… được ví như một đứa trẻ đã biết chạy, thì việc phân loại rác tại nguồn chính là việc tập bò của đứa trẻ đó” - một chuyên gia nêu ví dụ.

Theo thống kê, các quốc gia gây ô nhiễm môi trường biển nhiều nhất (số tấn rác thải nhựa không được xử lý đổ ra môi trường nước mỗi năm), đứng đầu là Trung Quốc 8,8 triệu tấn; thứ 2 là Indonesia (3,2 triệu tấn), thứ 3 là Philippines (1,9 triệu tấn) và thứ 4 là Việt Nam (1,8 triệu tấn). Lần lượt xếp sau Việt Nam trong top 10 là Srilanka (1,6 triệu tấn), Ai Cập và Thái Lan (1 triệu tấn), Malaysia và Nigeria (0,9 triệu tấn), Bangladesh (0,8 triệu tấn), Brazil (0,5 triệu tấn) và Mỹ là 0,3 triệu tấn.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần