Phân loại rác tại nguồn: Vẫn chờ... hướng dẫn

Nguyễn Quý
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cuối năm nay, quy định bắt buộc về phân loại rác tại nguồn của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 sẽ chính thức có hiệu lực. Tuy nhiên đến nay, công tác chuẩn bị cho việc phân loại rác tại nguồn vẫn còn rất nhiều việc phải làm.

Phân loại rác tại nguồn sẽ mang đến những lợi ích to lớn và lâu dài. Ảnh: Nguyễn Quý
Phân loại rác tại nguồn sẽ mang đến những lợi ích to lớn và lâu dài. Ảnh: Nguyễn Quý

Lợi ích lâu dài

Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 có hiệu lực từ ngày 1/1/2022, tuy nhiên, việc thực hiện phân loại rác sinh hoạt tại nguồn và thu giá dịch vụ thu gom rác sinh hoạt được kéo dài đến cuối năm 2024.

Theo Điều 79 của Luật, việc phân loại rác tại nguồn phải được hoàn thành chậm nhất là vào ngày 31/12/2024. Theo đánh giá, phân loại rác tại nguồn sẽ mang tới hàng loại những tính năng ưu việt như tiết kiệm chi phí xử lý rác thải, tiết kiệm diện tích đất chôn lấp, hạn chế ô nhiễm đất, nguồn nước ngầm, không khí… đồng thời cũng tạo ra nguồn nguyên liệu thay thế tài nguyên gốc - tài nguyên thiên nhiên và tạo nguồn điện năng.

Quy định về phân loại rác tại nguồn khuyến khích các hộ gia đình, cá nhân tận dụng tối đa khả năng tái sử dụng của tất cả các loại rác thải. Như rác thải sinh hoạt có thể tận dụng làm phân bón, thức ăn gia súc hay rác thải rắn, chất thải nhựa có thể tái sử dụng, tái chế hoặc giao cho các đơn vị thu gom.

Đặc biệt, những trường hợp không phân loại rác hoặc phân loại không đúng quy cách, quy định sẽ bị từ chối thu gom. Các chuyên gia cho rằng, những quy định cụ thể như trên sẽ là tiền đề quan trọng để hiện thực hóa mục tiêu phân loại rác tại nguồn, thúc đẩy hiệu quả hoạt động tái chế, tái sử dụng, xử lý chất thải rắn sinh hoạt.

Trao đổi với Kinh tế & Đô thị, PGS.TS Bùi Thị An - Viện trưởng Viện Tài nguyên, Môi trường và Phát triển cộng đồng nhận định, phân loại rác tại nguồn là một chủ trương rất đúng đắn, cần thiết.

“Việc phân loại rác tại nguồn sẽ giúp cho công tác thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải được thực hiện nhanh chóng, dễ dàng. Bằng cách này, rác thải sẽ trở thành những nguyên liệu tái chế để làm ra những vật dụng có ích, phục vụ cho cuộc sống con người. Không chỉ gia tăng lượng rác tái chế, việc phân loại rác còn góp phần nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo vệ môi trường và sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên” – PGS.TS Bùi Thị An nói.

Đồng quan điểm trên, TS Hoàng Dương Tùng - nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ TN&MT) cũng đánh giá cao chủ trương phân loại rác tại nguồn. Ông cho rằng, nếu làm tốt điều này mang đến rất nhiều lợi ích, không chỉ về kinh tế, môi trường mà còn góp phần thúc đẩy sự phát triển của đời sống xã hội.

“Nhiều nước trên thế giới đã thực hiện việc phân loại rác tại nguồn từ lâu. Với nước ta, tôi đánh giá đây là một chính sách rất tốt, thể hiện quyết tâm trong việc quản lý rác, coi rác là tài nguyên kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh" – TS Hoàng Dương Tùng nói.

Khâu chuẩn bị loay hoay

Từ nay đến khi quy định phân loại rác tại nguồn buộc phải triển khai còn chưa đầy 8 tháng trong khi đó vẫn còn rất nhiều việc phải làm. Nhiều quận, huyện tại Hà Nội hiện vẫn còn rất băn khoăn, khi công tác chuẩn bị đến thời điểm này gần như bằng không.

Trao đổi với Kinh tế & Đô thị, Chủ tịch UBND xã Lại Yên (huyện Hoài Đức) Nguyễn Ngọc Đức cho biết, tính đến thời điểm này, công tác chuẩn bị cho việc thực hiện phân loại rác tại nguồn của địa phương gần như mới chỉ dừng lại ở việc tuyên truyền, vận động để người dân nắm rõ về chủ trương.

Theo ông Đức, vấn đề quan trọng nhất trong việc thực hiện phân loại rác tại nguồn là ý thức của người dân. “Khi tuyên truyền cho người dân, có người hiểu nhưng có người không hiểu. Có khi chúng tôi đưa cho họ thùng để phân loại rác nhưng họ lại vứt nguyên cả túi đựng rác vào đó. Hiện xã mới chỉ tuyên truyền qua hệ thống truyền thanh và một số kênh nội bộ nên hiệu quả chưa cao. Nếu các cơ quan cấp trên có thể về địa phương, tổ chức những buổi tập huấn, tuyên truyền trực tiếp thì hiệu quả sẽ cao hơn” – ông Đức đề nghị.

Trong khi đó, Trưởng phòng TN&MT huyện Phúc Thọ Đoàn Văn Quyền cho biết, hiện địa phương vẫn đang đợi văn bản hướng dẫn của TP về việc phân loại rác tại nguồn.

Theo ông Quyền, để thực hiện phân loại rác tại nguồn, việc quan trọng nhất chính là công tác thu gom, vận chuyển rác. “Rác đã phân loại thì cũng phải có đơn vị thu gom, vận chuyển riêng, có chỗ xử lý riêng. Việc tuyên truyền, vận động người dân phân loại rác thực hiện được nhưng quan trọng là phân loại xong thì thu thế nào? Phân loại xong rồi mà khi thu gom vẫn gộp chung thì hiệu quả không cao” – ông Quyền phân tích.

PGS.TS Bùi Thị An cũng bày tỏ lo lắng và cho rằng, để chủ trương phân loại rác tại nguồn có thể đi vào thực tiễn đòi hỏi Bộ TN&MT, các cơ quan chức năng liên quan cần sớm có những giải pháp căn cơ. Đặc biệt là có hướng dẫn cụ thể về những việc cần chuẩn bị, để các địa phương triển khai tới từng xã, phường, thôn, xóm.

“Từ giờ đến khi Luật có hiệu lực không nhiều thời gian trong khi vẫn còn rất nhiều việc phải làm. Quan trọng nhất vẫn là cần có sự chuẩn bị tốt về con người, vật chất và công nghệ” – PGS.TS Bùi Thị An nhận định.

 

Không chỉ đơn giản là phân loại rác tại nguồn mà còn kéo theo một loạt các vấn đề khác như thu gom thế nào, vận chuyển ra sao, xử lý thế nào rồi liên quan không chỉ người dân mà còn đến đơn vị quản lý, đơn vị thực hiện công ích, lò đốt, công nghệ... Đó là những vấn đề mà chúng ta cần phải quan tâm.
Nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, TS Hoàng Dương Tùng