KTĐT - Bên cạnh những khó khăn về đất sản xuất, thiếu thông tin và nguồn nhân lực, vốn vẫn là bài toán nan giải, là khó khăn mang tính truyền thống với doanh nghiệp nhỏ tại Việt Nam nói riêng và ASEAN nói chung.
Được coi là xương sống, là động lực tăng trưởng kinh tế khu vực nhưng phần lớn các doanh nghiệp vừa và nhỏ của ASEAN đang phải đối mặt với nhiều khó khăn chung và cần sớm được giải quyết một cách toàn diện.
“Động cơ tăng trưởng của ASEAN: doanh nghiệp vừa và nhỏ và khu vực kinh doanh nhỏ lẻ” là chủ đề nổi bật trong phiên thảo luận chiều 27/10 của Hội nghị thượng đỉnh về thương mại và đầu tư ASEAN (ASEAN-BIS) 2010.
Theo số liệu được các chuyên gia công bố tại hội thảo, các công ty với quy mô vừa và nhỏ (SME) hiện chiếm khoảng 96% tổng số doanh nghiệp đăng ký và đang hoạt động trong khối ASEAN. Góp phần tạo ra 80% việc làm, đóng góp 57% vào GDP và 35% giá trị xuất khẩu của khu vực, SME hiện đóng một vai trò hết sức quan trọng đối với đời sống kinh tế của các quốc gia ASEAN.
Ông Antonio Sayo. Ảnh: N.M |
Tuy nhiên, theo quan điểm của diễn giả Phạm Thị Thu Hằng, Giám đốc Trung tâm hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, trực thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), vấn đề nhức nhối nhất hiện nay là làm sao để các doanh nghiệp vừa và nhỏ được hưởng lợi nhiều nhất từ quá trình liên kết ASEAN. Vấn đề này đã được đặt ra từ Hội nghị cấp cao ASEAN 14 (2009) nhưng tính tới nay, vẫn chưa có được lời giải thỏa đáng.
Trăn trở này của bà Hằng cũng được ông Antonio Sayo, Chủ tịch Ủy ban An toàn lương thực, Phòng Thương mại và Công nghiệp Phillipines chia sẻ. Theo ông Sayo, 4 lực cản chính đối với sự phát triển của SME tại ASEAN là vấn đề tiếp cận tài chính, tiếp cận thị trường, môi trường thương mại - đầu tư và hiệu quả - năng suất lao động.
Đại diện của Phillipines cho rằng, mặc dù đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc thúc đẩy đầu tư và tạo ra việc làm, nhưng trên thực tế, doanh nghiệp vừa và nhỏ hiện vẫn chưa nhận được nhiều ưu đãi về tín dụng. Dòng vốn này, thậm chí còn có dấu hiệu co hẹp trong những giai đoạn kinh tế khó khăn.
Ông Hồ Sỹ Hùng |
Thực tế này cũng được ông Hồ Sỹ Hùng, Cục trưởng Cục phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ, Bộ Kế hoạch & đầu tư Việt Nam thừa nhận. Theo ông Hùng, bên cạnh những khó khăn về đất sản xuất, thiếu thông tin và nguồn nhân lực, vốn vẫn là bài toán nan giải, là khó khăn mang tính truyền thống với doanh nghiệp nhỏ tại Việt Nam nói riêng và ASEAN nói chung.
Theo ông Hùng, trong trường hợp của Việt Nam, Chính phủ và các cơ quan chức năng đã có nhiều nỗ lực để phát triển cộng đồng với hơn 500.000 doanh nghiệp ngoài quốc doanh, gây dựng các quỹ để hỗ trợ các doanh nghiệp này. Tuy vậy, không phải chương trình nào, quỹ nào cũng hoạt động hiệu quả.
Ví dụ về việc hỗ trợ doanh nghiệp thiếu hiệu quả cũng được tìm thấy tại Malaysia. Theo phản ánh của diễn giả Chua Tiam Wee, Chủ tịch ASEAN-BAC Malaysia, kiêm Chủ tịch Hiệp hội các ngành công nghiệp vừa và nhỏ, Chính phủ nước này, tính đến nay, đã thực hiện 354 chương trình hỗ trợ cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, với tổng vốn tương đương 2 tỷ USD. Tuy nhiên, theo đánh giá của các cơ quan giám sát Malaysia, các doanh nghiệp nước này cho rằng sự hỗ trợ này vẫn là chưa đủ.
Ông Chua Tiam Wee |
Đứng trước thực trạng này, các diễn giả cho rằng Chính phủ các nước ASEAN, hơn lúc nào hết, cần tiếp tục tăng cường hợp tác, đưa ra các chính sách phát triển doanh nghiệp mang tầm khu vực. Riêng về vấn đề vốn, kênh ngân hàng vẫn nên được coi trọng và cần được hỗ trợ bởi đây là nguồn lực tài chính chủ yếu cho nền kinh tế .
Theo ông Hồ Sỹ Hùng, nhằm mục đích thúc đẩy doanh nghiệp vừa và nhỏ phát triển, khu vực công và chất lượng cơ sở hạ tầng cũng cần được cải thiện. Ông Hùng cho rằng quy chế hợp tác công tư (PPP) là cơ hội rất tốt để khối doanh nghiệp tư nhân có thể phát triển nhờ quan hệ hợp tác với chính quyền và khu vực quốc doanh.