Phân tầng các trường đại học để tránh lấn sân

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bày tỏ quan điểm về chủ trương cơ cấu lại một số trường ĐH, CĐ, trung cấp gặp khó trong tuyển sinh của Bộ GD&ĐT, GS Lâm Quang Thiệp - nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD&ĐT) khẳng định: Nếu thực hiện đúng phân tầng các trường ĐH thì trường top trên không thể lấn sân sang trường top dưới.

Quan điểm của ông về việc Bộ GD&ĐT sẽ sắp xếp lại các trường ĐH theo hướng phân tầng?Phân tầng các trường đại học để tránh lấn sân - Ảnh 1

- Phân tầng là chủ trương rất quan trọng nếu thực hiện đúng. Tôi thấy Nghị định về phân tầng, xếp hạng các trường ĐH nói không rõ ý nghĩa của hai khái niệm và hơi có sự nhầm lẫn. Tôi cho rằng, Nhà nước phân tầng các trường theo chức năng, sứ mệnh; còn xếp hạng là do các tổ chức dân sự đánh giá chất lượng của từng trường. Như thế, người học sẽ biết trường nào có chất lượng cao, thấp để đăng ký xét tuyển theo nhu cầu và năng lực của mình. Và những nhà tuyển dụng nhân lực cũng biết cơ sở giáo dục nào đào tạo chất lượng tốt để tuyển dụng.

Việc phân tầng và xếp hạng ảnh hưởng thế nào đối với những trường ngoài công lập (NCL)?

- Nếu làm đúng, việc phân tầng, xếp hạng các trường ĐH có tác dụng rất tốt. Ví dụ, Nhà nước phân tầng cao trên cùng gồm những trường chuyên nghiên cứu và đào tạo học thuật bậc sau ĐH là chính, còn tuyển sinh ĐH là phụ với số lượng chỉ tiêu không nhiều. Các trường tầng dưới, đặc biệt là NCL đào tạo những ngành liên quan đến thực hành để phục vụ cho nguồn nhân lực cho đất nước.

Tôi nghĩ, nếu phân tầng và thực hiện đúng thì các trường ĐH tầng trên không lấn sân của các trường tầng dưới. Các trường ĐH tầng thấp sẽ không rơi vào tình trạng không thể tuyển sinh được.
Giờ thực hành của sinh viên trường Trung cấp y tế Hà Nội. 	 Ảnh:  Nguyễn Trung
Giờ thực hành của sinh viên trường Trung cấp y tế Hà Nội. Ảnh: Nguyễn Trung
Hiện nay, nhiều trường ĐH ở tầng trên không cố gắng làm đúng chức năng của mình, không đào tạo có chất lượng mà tuyển sinh lấn sân rất nhiều của trường tầng dưới. Đó là do mình làm phân tầng, xếp hạng không đúng.

Vậy, theo ông, có giải pháp nào đối với những trường nhiều năm liền không tuyển sinh được?

- Tôi nghĩ có hai việc liên quan đến phân tầng, xếp hạng các trường ĐH. Khi thực hiện chủ trương này, những trường ở tầng nào thì phải thực hiện đúng chức năng của mình. Các trường phải đào tạo đảm bảo chất lượng. Bây giờ, có một số trường không đảm bảo chất lượng, khi nhu cầu vào ĐH lớn thì người ta chấp nhận. Nhưng khi số người muốn vào ĐH giảm đi, nhất định họ phải chọn trường có chất lượng hơn. Như vậy, trường đào tạo chất lượng kém sẽ không tuyển sinh được. Đây là chuyện không tránh khỏi.

Tới đây, Bộ sẽ cơ cấu lại các trường ĐH, CĐ khó tuyển sinh được bằng cách sáp nhập với trường khác hoặc giải thể. Là người nhiều năm làm quản lý về giáo dục ĐH, theo ông, có nhất thiết phải làm như thế?

- Việc sáp nhập các trường với nhau là chuyện bình thường, nhưng thông thường theo nguyên tắc tự nguyện thì mới thành công. Chúng ta đã có kinh nghiệm lịch sử khi ép các trường công sáp nhập với nhau, nhưng các trường không thuận lắm nên không thật sự gắn kết. Ý tôi muốn nói đến 3 ĐH vùng. Còn khi có cạnh tranh, nhất định một số trường không đảm bảo chất lượng, không đủ sức hoạt động thì giải thể là chuyện bình thường. Nhưng tôi cho rằng, các trường ở từng tầng thực hiện đúng chức năng thì số giải thể không nhiều.

Vừa rồi, Bộ LĐTB&XH thống kê trên 199.000 sinh viên tốt nghiệp không tìm được việc làm, nhưng có lẽ thực tế nhiều hơn. Theo ông, Bộ GD&ĐT có nên cơ cấu các trường địa phương chỉ đào tạo nhân lực cho khu vực của mình, để tránh tình trạng thất nghiệp?

- Việc này liên quan đến chủ trương thiết kế hệ thống giáo dục phải tạo ra sự phân luồng. Quan trọng nhất, học sinh học xong THCS phải được phân thành hai luồng: Một luồng lên THPT, một luồng đi trung học nghề. Thông thường, kinh nghiệm các nước, số người đi theo luồng THPT ít hơn trung học nghề, với tỷ lệ 30% - 70%. Hai luồng này được phân lên tới ĐH và cao hơn nữa với một bên đào tạo học thuật, một bên ứng dụng thực hành. Nhưng hai luồng này không phải là hai ống thẳng đứng mà có sự liên thông với nhau và có nhiều lối ra. Hiện nay, chúng ta làm phân luồng học nghề chưa tốt, bởi hệ thống này chưa được đầu tư, nhiều ngành nghề đào tạo không hấp dẫn học sinh. Đặc biệt, bây giờ quản lý hệ thống giáo dục cũng phân cấp theo các bộ, sự kết hợp với nhau rất yếu.

Vừa rồi, Luật Giáo dục nghề nghiệp ra đời xem giáo dục nghề nghiệp là một bậc của hệ thống giáo dục. Tôi thấy định nghĩa đó sai lầm. Giáo dục nghề nghiệp là một trong hai luồng, từ dưới lên trên, chứ không phải là một bậc. Khi quản lý cô lập, sẽ không liên thông được với bậc kia, dẫn đến không hấp dẫn người học. Tôi nghĩ, nếu mình thiết kế hai luồng tốt, quản lý và đầu tư cho các trường trung học nghề tốt thì sẽ thu hút được học sinh vào luồng trung học nghề. Và như thế, tình trạng sinh viên ĐH tốt nghiệp ra trường bị thất nghiệp sẽ giảm, mà chất lượng lao động sẽ tăng lên.

Xin cảm ơn ông!