Phần thưởng lớn nhất là được bê ghế cho khán giả

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đạo diễn thế hệ 8X Đặng Thái Huyền gây bất ngờ với phim điện ảnh đầu tay “Người...

Kinhtedothi - Đạo diễn thế hệ 8X Đặng Thái Huyền gây bất ngờ với phim điện ảnh đầu tay “Người trở về” dù chọn đề tài chiến tranh đã cũ mòn. Sau khi được đông đảo công chúng đón nhận, phim có tên trong danh sách tranh giải tại Liên hoan Phim (LHP) Việt Nam lần thứ 19 sắp khai mạc. Tuy nhiên, đạo diễn vẫn rất khiêm tốn khi chia sẻ về đứa con tinh thần của mình.

“Người trở về” được khán giả cả nước đón nhận, đồng nghiệp đánh giá cao. Phim tham gia tranh giải tại LHP Việt Nam sắp tới, chị có kỳ vọng gì với đứa con tinh thần của mình?Phần thưởng lớn nhất là được bê ghế cho khán giả - Ảnh 1

- Nói thật là không. Kể cả phim đoạt giải cao nhất như “Mười ba bến nước” (phim truyện video) thì tôi chỉ nghĩ: Tất cả phim tham gia được giải, chính là sự động viên, khích lệ tinh thần đối với người làm nghề. Nếu làm phim mà chỉ chăm chăm giải thưởng có nghĩa mình thua ngay từ lúc đầu rồi. Phần thưởng lớn nhất đối với tôi chính là hôm chiếu phim “Người trở về” tại rạp Kim Đồng, mọi người đến thật đông, tôi và diễn viên chính Lã Thanh Huyền đi bê ghế phục vụ khán giả. Tôi nghĩ đó là phần thưởng không một Bông sen, một giải thưởng nào có thể sánh bằng.

Phim được đón nhận như thế nhưng không được bán vé có phải là điều thiệt thòi cho một bộ phim chất lượng? Liệu Điện ảnh Quân đội có thể tính tới việc đưa phim đến đông đảo công chúng nhất?

- Tôi cho rằng, nên tính đến chuyện làm phim và bán vé, vì đứng trước ngưỡng cửa bán vé sẽ đo được sức nóng của phim. Cấp trên giải thích, phim đang sử dụng ngân sách quân đội, Nhân dân đóng góp để làm phim cho họ nên không có lý do gì để bán vé cả. Hơn nữa, từ trước đến nay, dòng phim lịch sử, chiến tranh có khán giả xem đã quý rồi. Tôi nghĩ rằng, cái gì cũng cần lộ trình. “Người trở về” là bước đệm để những phim sau: Phim ra mắt được khán giả đón nhận, yêu cầu đi xem và được trả tiền đàng hoàng chứ không phải nhận vé mời để chen nhau. Phim bán vé nhiều người đến, vì họ không muốn đến và chen lấn như thời bao cấp. Sau này, các cấp lãnh đạo sẽ cân nhắc, thấy cần lộ trình để phim đến được rộng rãi với công chúng hơn sau khi chiếu trong toàn quân.

Có thể nói, chị khéo léo chọn một câu chuyện hậu chiến gần gũi, chân thực để đề cập mất mát đau thương của chiến tranh. Dòng phim chiến tranh cách mạng vốn bị coi là khô cứng, ít thu hút khán giả, theo chị có cách giải mã nào để khán giả trẻ quan tâm hơn đến thể loại này?

- Phim lịch sử hạn chế lượng khán giả quan tâm. Giới trẻ và ngay cả thế hệ mình thì suy nghĩ đều bị ảnh hưởng của xu thế phim Hàn Quốc, Trung Quốc. Đừng trách họ, mình phải tìm được ra con đường đi kết nối được phim lịch sử đến với giới trẻ. Đó là cách mà tôi xây dựng nhân vật Quang. Hầu như trước nay, nhân vật anh hùng cách mạng phải đẹp ngời ngời, ăn sóng nói gió, đao to búa lớn. Còn Quang trong “Người trở về” đơn giản khi trở về từ chiến tranh, là người đàn ông yêu hết mình, nhân vật mang hơi hướng hiện đại và phù hợp giới trẻ. Không cần biết thông điệp phim là gì, nhưng trước hết phải chọn được cách kể, cách xây dựng nhân vật được giới trẻ đón nhận.

Nữ đạo diễn trẻ làm phim, nhất là phim chiến tranh hẳn có nhiều áp lực?

- Nhiều đồng nghiệp phía Nam nói: Tại sao lôi lý do là nữ ra, nếu bạn thấy khó quá thì bỏ đi đừng làm nữa. Nhưng tôi nghĩ cần đề cập nữ đạo diễn làm phim chiến tranh. Đề tài này ngay cả nam giới cũng ngại chạm tới, vì kỹ thuật, vật liệu cháy nổ và khâu chuẩn bị của ta thua kém nước ngoài rất nhiều. Phim chiến tranh của mình không ít thì nhiều đều tai nạn, trong khi nước ngoài thì không bao giờ. Quả nổ của họ gài rất xa, quả nổ gần đều là kỹ xảo, các thiết bị bảo hiểm cho diễn viên của họ rất cao. Chúng ta chưa có điều đó, cho nên phim chiến tranh gây rất nhiều áp lực cho những người làm phim, cả diễn viên nữa.

Nghe nói có vài nơi định mời chị ký hợp đồng làm phim độc quyền, giống như Victor Vũ hiện nay?

- Tôi không bao giờ nhận lời, vì như thế có nghĩa phải làm theo kịch bản, định hướng chiến lược họ đưa ra. Tôi không muốn thỏa hiệp. Đời người làm nghề chỉ có vài tác phẩm để thích. Nếu trượt đi vài năm vì ký hợp đồng độc quyền, sau khi bị vắt chanh hết sức, có khi qua mất thời điểm mình có thể làm những gì mình thích.

Xin cảm ơn chị!
LHP Việt Nam lần thứ 19 diễn ra từ 1 - 5/12. Dịp này, Ban tổ chức chiếu phim miễn phí cho khán giả từ 18 - 24/11 tại Hà Nội và Đà Nẵng. 20 phim trong danh sách dự thi tại LHP, mỗi phim được chiếu một lần vào khung giờ vàng 18 giờ hoặc 20 giờ. Giấy mời được phát tại địa điểm chiếu phim ít nhất một ngày trước khi chiếu. Hai phim mới nhất được chọn chiếu khai mạc là “Cuộc đời của Yến” tại Trung tâm chiếu phim quốc gia (87 Láng Hạ, Hà Nội) và “Người trở về” khai mạc tuần phim tại Đà Nẵng.