Phát biểu bên lề Diễn đàn Kinh tế Phương Đông ngày 2/9, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết, dự định viện trợ quân sự của Washington cho Kiev có thể dẫn đến những hành động khó lường của Ukraine, như nỗ lực giải quyết cuộc khủng hoảng ở miền Đông Nam nước này bằng vũ lực.
"Chúng tôi đang lưu ý đến các kế hoạch hỗ trợ quân sự của Mỹ cho Ukraine. Chúng tôi cho rằng cam kết hỗ trợ này của Washington có thể dẫn đến những hành động khó lường của Ukraine như dùng vũ lực để xử lý cuộc xung đột tại miền Đông Nam nước này. Thật quá nguy hiểm!” - ông Peskov nhấn mạnh.
Người phát ngôn Điện Kremlin cũng bày tỏ quan ngại rằng Mỹ đã không đề cập đến Thỏa thuận Minsk trong cuộc hội đàm giữa Tổng thống Joe Biden và người đồng cấp Ukraine Volodmyr Zelenskiy hôm 1/9.
"Chúng tôi chưa thấy hoặc nghe thấy bất kỳ khuyến nghị nào của Washington với ông Zelenskiy về việc thực hiện các Thỏa thuận Minsk. Không một lời nào về vấn đề này", ông Peskov cho hay.
Đánh giá về chuyến thăm Washington kéo dài từ ngày 30/8-1/9 của Tổng thống Zelenskiy, ông Peskov nói rằng Mỹ và Ukraine đã đặt vấn đề chống lại Nga lên mức cao trong chương trình nghị sự. Theo người phát ngôn Peskov, Nga cảm thấy “vô cùng đáng tiếc” khi Washington và Kiev xây dựng quan hệ hữu nghị không phải vì mục đích cải thiện quan hệ song phương mà nhằm chống lại Nga.
Tuyên bố trên được người phát ngôn Điện Kremlin đưa ra sau khi Tổng thống Jone Biden thông báo về khoản tiền viện trợ an ninh trị giá 60 triệu USD cho Ukraine trước các hành động khiêu khích của Nga.
Trước đó, hôm 1/9, tại Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ Joe Biden và người đồng cấp Ukraine Volodymyr Zelenskiy đã gặp nhau lần đầu tiên kể từ khi ông Biden nhậm chức. Hai nhà lãnh đạo có cuộc thảo luận về nhiều vấn đề nóng liên quan Kiev cũng như quan hệ song phương.
Người đứng đầu Nhà Trắng thông báo sẽ hồi sinh Ủy ban Đối tác chiến lược song phương Mỹ - Ukraine, đồng thời tuyên bố: “Chúng tôi đang phục hồi mối quan hệ đối tác chiến lược giữa các quốc gia, tạo ra một khuôn khổ quốc phòng chiến lược mới và một gói hỗ trợ an ninh mới trị giá 60 triệu USD".
Trong cuộc gặp tại Nhà Trắng, Tổng thống Biden khẳng định cam kết của Mỹ đối với chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine.
Mỹ một lần nữa nhắc lại quan điểm rằng, họ sẽ không công nhận việc bán đảo Crimea sáp nhập Nga và bày tỏ sự ủng hộ đối với Diễn đàn Nền tảng Crimea do Kiev vừa tổ chức nhằm hiện thực hóa các tuyên bố chủ quyền của mình đối với bán đảo này.
Theo tuyên bố chung về quan hệ đối tác chiến lược Mỹ - Ukraine, Washington bày tỏ hoàn toàn ủng hộ Định dạng Normandy và giải quyết xung đột ở Donbass trên cơ sở của luật pháp quốc tế.
Bên cạnh đó, tuyên bố chung cho rằng, Nga "phải chịu trách nhiệm về việc các xung đột tiếp diễn ở Donbass", đồng thời "kêu gọi Nga ngừng bắn ở miền đông Ukraine và thực sự tham gia vào các nỗ lực giải quyết xung đột để chấm dứt chiến tranh".
Quan hệ Nga - Ukraine leo thang căng thẳng từ năm 2014 sau khi miền Đông Ukraine nổ ra xung đột, bán đảo Crimea ly khai và sáp nhập vào Nga. Từ đó đến nay, tình hình bất ổn tại miền Đông Ukraine vẫn dai dẳng và hai bên liên tiếp cáo buộc nhau vi phạm Thỏa thuận Minsk - giải pháp chính trị giải quyết khủng hoảng đã được các lãnh đạo các nước Pháp, Đức, Nga, Ukraine (còn được gọi Bộ tứ Normandy) đưa ra từ tháng 2/2015./.