Phản ứng của Mỹ khi Iran từ chối đàm phán về thỏa thuận hạt nhân đa phương

Nguyễn Phương (Theo Sputnik)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhà Trắng hôm 28/2 cho biết, Washington rất thất vọng về việc Tehran từ chối tham dự các cuộc đàm phán trực tiếp về Thỏa thuận hạt nhân Iran với Mỹ và các cường quốc châu Âu.

Iran hôm 28/2 tuyên bố sẽ không tham gia vào cuộc họp không chính thức cùng với châu Âu và Mỹ nhằm tìm cách khôi phục thỏa thuận hạt nhân.
Hãng tin Reuters dẫn lời các quan chức chính quyền Mỹ nói rằng, mặc dù bày tỏ sự thất vọng, song Washington khẳng định vẫn “sẵn sàng hợp tác ngoại giao với Iran” nhằm mục đích để nước Cộng hòa Hồi giáo đảo ngược các vi phạm trong cam kết của Thỏa thuận hạt nhân Iran, còn được gọi là Kế hoạch hành động toàn diện chung (JCPOA).
"Chúng tôi sẽ tham khảo ý kiến ​​của các đối tác nhóm P5+1 về giải pháp tốt nhất để cứu JCPOA trong tương lai" - người phát ngôn Nhà Trắng cho hay, lưu ý đến các cường quốc đã tham gia ký thỏa thuận hạt nhân đa phương, gồm: Trung Quốc, Pháp, Nga, Vương quốc Anh, Liên minh châu Âu và Đức.
Trước đó cùng ngày, Iran khẳng định sẽ không tham gia vào cuộc họp không chính thức cùng với châu Âu và Mỹ nhằm tìm cách khôi phục thỏa thuận hạt nhân.
Bộ Ngoại giao Iran cũng dẫn ra các hành động của Washington trong thời gian gần đây. Phía Tehran cho rằng các lệnh trừng phạt phải được dỡ bỏ trước khi bất kỳ cuộc trao đổi nào bắt đầu.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Saeed Khatibzadeh tuyên bố rằng Iran không coi thời điểm là "thích hợp" cho một cuộc họp không chính thức bàn về thỏa thuận hạt nhân ký năm 2015. "Cân nhắc đến những hành động và tuyên bố gần đây của Mỹ và 3 nước châu Âu, Iran cho rằng đây không phải là thời điểm phù hợp cho một cuộc gặp với các quốc gia này, vốn được người đứng đầu về chính sách đối ngoại của EU đề xuất", người phát ngôn Saeed Khatibzadeh cho hay.
Chính quyền Tổng thống Joe Biden đã bày tỏ ý định đưa Mỹ trở lại JCPOA - hiệp định hạt nhân quan trọng mà cựu Tổng thống Donald Trump, đã đơn phương rút khỏi vào tháng 5/218.
Phía Washington khẳng định rằng các lệnh trừng phạt chỉ có thể được dỡ bỏ sau khi Iran quay lại tuân thủ hoàn toàn JCPOA.
Tuy nhiên, Iran kiên quyết cho rằng các biện pháp trừng phạt mà cựu Tổng thống Trump áp đặt và mở rộng với nước Cộng hòa Hồi giáo này phải được dỡ bỏ trước khi Iran tuân thủ bất kỳ điều kiện nào.
Năm 2018, Iran bắt đầu quay lại làm giàu uranium sau khi ông Trump đơn phương rút khỏi JCPOA, một thỏa thuận mà ông cho là "thỏa thuận tồi tệ nhất", đồng thời tái áp đặt các lệnh trừng phạt lên Tehran.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần