Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Phản ứng của Nga khi Mỹ thông báo không tái gia nhập Hiệp ước Bầu trời Mở

Cao Phương Thảo (Theo Reuters)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nga gọi quyết định của Mỹ không tái gia nhập Hiệp ước Bầu trời Mở là “một sai lầm chính trị”, và không tạo thuận lợi cho cuộc gặp thượng đỉnh Putin - Biden sắp tới.

Các hãng thông tấn Nga ngày 28/5 đưa tin, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov cho biết, nước này thất vọng về việc Mỹ quyết định không quay trở lại Hiệp ước Bầu trời Mở.
 Nga thất vọng về việc Mỹ quyết định không quay trở lại Hiệp ước Bầu trời Mở. Ảnh: AP
Hãng thông tấn RIA trích dẫn tuyên bố của Thứ trưởng Sergei Ryabkov nói rằng Moscow rất thất vọng, nhưng không hoàn toàn bất ngờ trước quyết định của chính quyền Tổng thống Joe Biden.
Theo Thứ trưởng Ryabkov, quyết định của Mỹ đã không tạo được bầu không khí tích cực cho các cuộc thảo luận về kiểm soát vũ khí trong hội nghị thượng đỉnh giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng Mỹ Joe Biden dự kiến diễn ra tại Geneva vào tháng 6 tới.
Trước đó, hôm 27/5, Bộ Ngoại giao Mỹ xác nhận, Washington đã quyết định không gia nhập trở lại Hiệp ước Bầu trời Mở - thỏa thuận kiểm soát vũ khí đa phương mà chính quyền của cựu Tổng thống Donald Trump rút khỏi hồi tháng 11/2020. Moscow đã hy vọng rằng chính quyền Tổng thống Biden sẽ đảo ngược quyết định trên.
Hãng tin TASS dẫn lời Thứ trưởng Ryabkov cho biết: “Mỹ đã phạm một sai lầm chính trị khi giáng một đòn mới vào hệ thống an ninh châu Âu”.
Chính quyền của cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump khởi động tiến trình rút khỏi Hiệp ước Bầu trời Mở và tiến trình này đã hoàn tất ngày 22/11/2020.
Tháng 1/2021, Moscow cũng thông báo khởi động các thủ tục trong nước để rút khỏi Hiệp ước, viện dẫn lý do "thiếu tiến bộ" trong việc duy trì Hiệp ước sau khi Mỹ rút khỏi hiệp ước này. Hạ viện Nga hôm 19/5 đã tuyên bố chấm dứt hiệu lực của Hiệp ước Bầu trời Mở.
Hiệp ước Bầu trời Mở được ký vào ngày 24/3/1992 tại Helsinki, Phần Lan. Văn kiện này đã trở thành một trong những biện pháp xây dựng lòng tin ở châu Âu sau Chiến tranh Lạnh, khi cho phép 34 quốc gia tham gia công khai thu thập thông tin về lực lượng và hoạt động quân sự của nhau. Ngày 22/5/2020, Mỹ đưa ra thủ tục rút khỏi Hiệp ước và chính thức rút vào ngày 22/11. Bộ Ngoại giao Nga lưu ý rằng, sau việc này, "sự cân bằng lợi ích của các quốc gia tham gia đạt được khi ký kết Hiệp ước đã bị phá vỡ”./.