Phản ứng của Nga trước đe dọa áp trừng phạt mới nhằm vào Dòng chảy Phương Bắc 2

Nguyễn Xuân (Theo Sputnik)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Phó Chủ tịch thứ nhất Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Nga Vladimir Dzhabarov cho biết Moscow sẵn sàng đối phó với khả năng Washington áp đặt lệnh trừng phạt mới nhằm vào dự án Dòng chảy Phương Bắc 2.

Ngày 19/8, Phó Chủ tịch thứ nhất Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Nga, ông Vladimir Dzhabarov cho biết nước này sẵn sàng đối phó với khả năng Washington áp đặt các biện pháp trừng phạt mới nhằm vào các bên tham gia dự án đường ống khí đốt Dòng chảy Phương Bắc 2.
Ông Dzhabarov nhấn mạnh: "Nga sẵn sàng đối phó với những biện pháp trừng phạt này, mà tôi nghĩ chắc chắn sẽ được đưa ra. Tôi không thể loại trừ các biện pháp trừng phạt đó và những giải pháp đối phó với chúng đã được thảo luận hôm qua tại cuộc họp của hai nhà lãnh đạo Nga và Đức".
 Nga sẵn sàng đối phó với trừng phạt nhằm vào Dòng chảy phương Bắc 2. Ảnh: Sputnik
Trước đó, hôm 18/8, Tổng thống Nga Vladimir Putin và Thủ tướng Đức Angela Merkel đã có cuộc hội đàm tại Berlin để thảo luận về nhiều vấn đề quan trọng và các dự án thương mại lớn như Dòng chảy phương Bắc 2.
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết, tại cuộc gặp thượng đỉnh lần này, hai nhà lãnh đạo Nga và Đức đều khẳng định dự án đường ống khí đốt Dòng chảy Phương Bắc 2 là một dự án thương mại, bất chấp sự phản đối của Mỹ và Ukraina.
Ông Dzhabarov cũng lưu ý rằng dự án Dòng chảy Phương Bắc 2 sẽ không có khả năng thất bại. "Mỹ đừng hy vọng sẽ lôi kéo được ai đó bằng thị trường khí đốt hóa lỏng của họ", ông Dzhabarov nói thêm.
Hôm 18/8, truyền thông Mỹ đưa tin rất nhiều công việc đã được hoàn thành liên quan đến gói các biện pháp hạn chế nhằm vào dự án Dòng chảy Phương Bắc 2. 
Dự án Dòng chảy Phương Bắc 2 là một liên doanh giữa Tập đoàn Gazprom của Nga với các công ty gồm Engie của Pháp, OMV AG của Áo, Royal Dutch Shell của Anh và Hà Lan, Uniper và Wintershall của Đức.
Dự án khí đốt Dòng chảy phương Bắc 2 là dự án xây dựng hai đường ống dẫn khí với tổng công suất lên đến 55 tỷ m3 khí/1 năm từ bờ biển của Nga qua biển Baltic đến Đức, bỏ qua Ukraine.
Nhiều quốc gia đã phản đối dự án này, trong đó có Ukraine do sợ mất nguồn thu từ việc trung chuyển khí đốt của Nga và Mỹ với kế hoạch xuất khẩu khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) sang châu Âu đầy tham vọng.