Phập phồng đào – lý ngóng Xuân

Trực Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo lịch Âm, hôm nay đã là mùng 8 tháng Chạp – nói theo ý thơ Tố Hữu thì: “Vài mươi bữa nữa Tết rồi hết năm”. Trên khắp các ngả đường của TP Hà Nội đã rộn sắc của những đào cùng lý (mơ, mận)…

Do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, thị trường hoa phục vụ Tết đang có dấu hiệu chững lại. Vào thời điểm này của những năm trước, người dân đã rộn ràng sắm đào chơi Tết; nhưng năm nay (dù các loại đào, mai, mận cảnh) đã trưng đầy phố, song giao dịch thì ra chiều im ắng quá.

Trao đổi với chúng tôi, một người bán hàng ở chợ đào Yên Nghĩa (phường Yên Nghĩa, quận Hà Đông) cho biết: "Đã thành lệ, qua mùng 5 tháng Chạp, tôi sẽ “đánh” đào ra bày bán. Những năm trước, túc tắc mỗi ngày cũng có một vài giao dịch thành công. Nhưng năm nay, dẫu đã trưng hàng được hơn một tuần, đến giờ tôi mới bán được đúng 2 cây gọi là… lấy vía. 

Với loại đào cành nhỏ, cách đây cả tuần đã được người dân chào bán 
Với loại đào cành nhỏ, cách đây cả tuần đã được người dân chào bán 

Cách đây hơn một tuần, khi lên “thủ phủ đào” của Thủ đô (các phường Nhật Tân, Quảng Bá, Phú Thượng, quận Tây Hồ), nhiều chủ vườn vẫn hy vọng những người yêu, mê cây cảnh  vẫn sẽ tìm mua để có không khí vui tươi, đầm ấm trong năm mới. Họ tất bật tuốt lá, đánh gốc đưa vào chậu chuẩn bị chuyển ra chợ hoa Tết.

Đến nay, thời tiết Hà Nội trở lạnh,  đào, lý  đã bắt đầu hàm tiếu, những cánh hoa e ấp. Chủ vườn đào Cộng Hưởng (phường Nhật Tân) cho biết, tuốt đào là công đoạn rất quan trọng, đòi hỏi kinh nghiệm và kỹ năng. Người làm công đoạn này phải cẩn thận ngắt, bấm từng lá một để giữ được các mầm nụ. Sở dĩ người trồng đào Nhật Tân phải chia các đợt tuốt lá là để phòng thời tiết ấm, đào bung nở đúng dịp để bán trước, trong và sau Tết. “Dù dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nhưng 200 gốc đào trong vườn vẫn được khách quen đặt thuê từ trước, nên gia đình vẫn đang tất bật chăm bón với hy vọng từ nay đến Tết, thời tiết thuận lợi để cây phát triển tốt” - chủ vườn Cộng Hưởng cho hay. 

Công đoạn tuốt lá cho hoa đào đã được các nhà vườn triển khai cách đây nửa tháng
Công đoạn tuốt lá cho hoa đào đã được các nhà vườn triển khai cách đây nửa tháng

Trên thực tế, dịch Covid-19 đã tác động rất lớn đến đời sống của người dân, nên khi trao đổi với chúng tôi, nhiều người kinh doanh đào, mai rất lo lắng bởi năm nay “túi tiền” của người dân ít nhiều bị vơi bớt, sức mua có thể giảm. Đến thời điểm này, một số chủ nhà hàng, quán bia vẫn đang đóng cửa, không có nhu cầu trang trí nên chắc chắn dân kinh doanh đào sẽ mất một nguồn khách tiềm năng. Bù lại, chỉ các doanh nghiệp, tổ chức mong muốn có không khí vui tươi, đầm ấm cho công sở nên mới “lo Tết sớm”; nhưng số lượng không nhiều. 

Đến thời điểm này, "thủ phủ" đào Tây Hồ vẫn thưa vắng người mua...
Đến thời điểm này, "thủ phủ" đào Tây Hồ vẫn thưa vắng người mua...

Một chủ vườn đào tại phường Phú Thượng tiết lộ, giá mua, thuê năm nay không giảm nhưng phải chờ  qua mùng 10 tháng Chạp (tháng 12 Âm lịch), sức mua, sức thuê mới ngã ngũ. 

Đào cây, đào rừng đã được bày bán nhưng khách mua rất thưa vắng so với mọi năm
Đào cây, đào rừng đã được bày bán nhưng khách mua rất thưa vắng so với mọi năm

Ghi nhận của phóng viên báo Kinh tế & Đô thị cho thấy; đến thời điểm này, đào rừng, mận rừng đã được các chủ hàng đưa từ các tỉnh phía Bắc như Lai Châu, Sơn La về bày bán tại nhiều tuyến phố của Hà Nội. Trên đường Lạc Long Quân (quận Tây Hồ) nhiều cửa hàng đã trưng bày đào rừng, mận rừng để khách thăm quan. Trung bình, một cành mận rừng có giá từ vài trăm đến hàng triệu đồng. Người bán cho biết, những ngày qua lác đác có khách đặt mua mang về chơi Tết nhưng sức mua giảm nhiều so với mọi năm. Tết Nguyên đán Nhâm Dần đang cận kề nhưng xem ra đào – lý năm nay vẫn… "dài cổ" ngóng Xuân.