Phập phồng lo tăng lãi suất

Nguyên Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thời gian gần đây, cuộc đua lãi suất đã nóng hơn với sự góp mặt của nhiều "ông lớn". Điểm đáng chú ý, việc tăng lãi suất lần này không chỉ diễn ra ở các kỳ hạn dài mà cả kỳ hạn ngắn.

Phấn đấu giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ DN và nền kinh tế là một trong những nhiệm vụ trọng tâm mà ngành ngân hàng đặt ra. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, có nhiều rào cản khiến lãi suất cho vay khó giảm.
Ngân hàng lớn nhập cuộc huy động vốn

Tuần qua, Ngân hàng Vietcombank áp biểu lãi suất huy động VND mới, tăng nhẹ ở hầu hết các kỳ hạn. Cụ thể, tăng 0,1%/năm lên 6,6%/năm kỳ hạn 12 tháng (mức cũ 6,5%/năm). Đây là lần đầu tiên sau các lần giảm trong năm 2017 và đầu 2018, thị trường ghi nhận Vietcombank tăng lãi suất huy động, chính thức nhập cuộc sau khi một số ngân hàng lớn trong cùng nhóm cũng tăng trong thời gian qua.
 Nhiều ngân hàng đã áp dụng biểu lãi suất mới trong thời gian qua. Ảnh: Công Hùng
Trước đó từ 5/9, VietinBank tăng lãi suất huy động các kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 3 tháng thêm 0,2% lên 4,3%/năm; kỳ hạn từ 4 tháng đến dưới 6 tháng tăng thêm 0,2% lên 4,8%; kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 9 tháng tăng 0,2% lên 5,3%; Tương tự, Agribank đã tăng lãi suất thêm 0,1 - 0,2% ở nhiều kỳ hạn. Trong đó, kỳ hạn 1 tháng tăng thêm 0,2%/năm lên 4,3%/năm; kỳ hạn 12 tháng tăng 0,2%/năm lên 6,8%/năm... Đầu tháng 9, BIDV cũng đã thông báo cộng thêm lãi suất từ 0,1 - 0,2%/năm cho người gửi tiền ở một số kỳ hạn khi gửi online. Trước đó, ngân hàng này cũng đã tăng lãi suất thêm 0,2% đối với nhiều kỳ hạn ngắn.

Trong khi đó, ở nhóm các ngân hàng nhỏ và vừa ghi nhận hầu hết tăng lãi suất và chủ yếu là kỳ hạn dài, mức tăng khá mạnh từ 0,5 – 1,4%/năm như: Viet Captial Bank, TPBank, SeABank, Nam A Bank, VIB Bank… Trong đó Viet Capital Bank tăng mạnh nhất với kỳ hạn trên 24 tháng tăng tới 1,4%, từ mức 7,2% lên 8,6%/năm. Bên cạnh tăng lãi suất, các ngân hàng cũng triển khai hàng loạt chương trình khuyến mại để thu hút vốn.

Doanh nghiệp lo phí vay tăng

Việc các ngân hàng lớn đua nhau tăng lãi suất không khỏi khiến giới chuyên gia lo ngại, nhất là khi lãi suất huy động các kỳ hạn ngắn thường được xem như một chỉ báo cho thấy thanh khoản của các ngân hàng đang gặp khó khăn. Lý do một phần đến từ nhu cầu vốn những tháng cuối năm tăng. Bên cạnh đó, theo quy định của NHNN, tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn sẽ giảm về còn 40% thay vì mức 45% như hiện nay và được áp dụng từ 1/1/2019… Việc các ngân hàng nhỏ cạnh tranh hút vốn vào đúng thời điểm NHNN đang thắt chặt tiền tệ thông qua việc đẩy mạnh hút tiền về đã buộc các ngân hàng lớn cũng phải tăng theo để giữ chân tiền gửi.

Theo TS Võ Trí Thành, trong bối cảnh lạm phát, tỷ giá đang chịu áp lực lớn, việc tăng lãi suất để bảo vệ giá trị VND là điều chấp nhận được và khó có thể tránh khỏi. Trong khi đó, do hạn chế hạn mức tín dụng (room) nên luồng vốn ra nền kinh tế sẽ hạn hẹp hơn. Bên cạnh đó, các ngân hàng tăng lãi suất tiền gửi đủ hấp dẫn để tránh tình trạng người gửi rút tiền Việt ra để mua USD, chờ giá USD lên và bán ra kiếm lời.

Theo TS Nguyễn Trí Hiếu, từ nay đến cuối năm, những biến động thị trường tài chính thế giới có thể tiếp tục gây ảnh hưởng đến thị trường tài chính Việt Nam. Ví dụ tới đây, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tiếp tục tăng lãi suất sẽ khiến lãi suất huy động trong nước tăng, từ đó kéo theo lãi suất cho vay có thể tăng theo. Nếu lãi suất tiếp tục tăng cao, khách hàng gửi tiền hưởng lợi. Ngược lại, nhiều DN, nhất là trong bất động sản, BOT, BT… sẽ gặp khó. Việc rút 5% trong tổng số dư nguồn vốn huy động ngắn hạn là một khối lượng rất lớn nên các ngân hàng vẫn cần cơ cấu lại nguồn vốn để đáp ứng tỷ lệ trên. Đặc biệt, Chỉ thị số 04 /CT-NHNN đã nêu rõ kiểm soát tốc độ tăng trưởng và chất lượng tín dụng chặt chẽ, đặc biệt là cho vay các lĩnh vực tiềm ẩn nhiều rủi ro như bất động sản, BOT, chứng khoán, cho vay tiêu dùng… sẽ tiếp tục là những yếu tố được thị trường đánh giá gây áp lực lên lãi suất.

Giám đốc một DN dệt may tại Hà Nội cho hay, theo hợp đồng vay vốn của công ty với một ngân hàng, cứ 3 tháng sẽ điều chỉnh lãi suất một lần tùy theo tín hiệu thị trường. Bởi vậy, DN lo lãi suất cho vay sẽ bị điều chỉnh tăng thêm, trong khi hoạt động kinh doanh đang bắt đầu vào mùa cao điểm.

Quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia Trương Văn Phước đánh giá, mục tiêu tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2018 là 6,7%, thấp hơn so với mức thực hiện năm 2017 là 6,81%, nhưng so sánh với các quốc gia khác, đây là mục tiêu rất cao, cầu tín dụng nội địa hiện rất lớn. Giảm lãi suất cho vay là để giảm chi phí vốn cho DN. Tuy nhiên, để làm được điều đó, phải giải quyết nhiều vấn đề như ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát, xử lý các NHTM yếu kém, giảm chi phí hoạt động ngân hàng, nâng cao chất lượng tín dụng để tránh phát sinh nợ xấu... Theo ông Phước, việc xử lý nợ xấu hiện nay đã diễn biến tốt hơn nhưng cũng cần có thời gian để xử lý tiếp. Để đảm bảo tăng trưởng sản xuất ổn định, cả ngân hàng và DN cần đa dạng hóa nguồn vốn.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần