Pháp tập trung vào các dự án ODA giúp Việt Nam phát triển đúng chiến lược

Cẩm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đó là nội dung được khẳng định trong phiên họp lần thứ 5 của Đối thoại Kinh tế cấp cao giữa Pháp và Việt Nam ngày 24/1.

Ngày 24/1, tại Hà Nội, Ngài Jean-Baptiste Lemoyne, Quốc vụ khanh bên cạnh Bộ trưởng châu Âu và Ngoại giao và ông Nguyễn Thế Phương - Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đồng chủ tọa phiên họp lần thứ 5 Đối thoại Kinh tế cấp cao (ĐTCC) giữa Pháp và Việt Nam.
ĐTCC là dịp để Ngài Quốc vụ khanh và Thứ trưởng khẳng định một lần nữa tầm quan trọng của đối thoại thường niên theo sát mối quan hệ kinh tế giữa hai nước, đặc biệt năm nay là sự kiện mở đầu cho năm biểu tượng đánh dấu 5 năm thiết lập quan hệ đối tác chiến lược Pháp - Việt Nam và 45 năm thiết lập quan hệ song phương giữa hai nước.
Một góc khu trưng bày của phái đoàn Pháp tại Vietnam FoodExpo 2017. Ảnh: V.G.P
Hai đồng Chủ tịch vui mừng vì những kết quả đã đạt được trong quan hệ trao đổi thương mại giữa hai nước (4,6 tỷ USD, tăng 11,6% so với năm 2016), tuy chủ yếu là do Việt Nam xuất khẩu vào Pháp. Đồng thời, nhấn mạnh những cơ hội do Hiệp định Tự do Thương mại giữa châu Âu và Việt Nam (EVFTA) sẽ mang lại trong việc thúc đẩy quan hệ kinh tế và thương mại, cũng như trong việc thâm nhập thị trường thuận lợi hơn cho các DN hai nước.
Hai đồng Chủ tịch đã trao đổi về các dự án (DA) có sự tham gia của các DN Pháp tại Việt Nam, chứng tỏ Pháp và Việt Nam sẵn sàng trong việc tăng cường hợp tác kinh tế.
Một số dự án nhận được hỗ trợ từ nguồn vốn Hỗ trợ phát triển chính thức Pháp (ODA), với số vốn giải ngân đạt hơn 2 tỷ Euro trong 10 năm trở lại đây, cho thấy vị trí quan trọng của quan hệ hợp tác phát triển giữa Việt và Pháp.
Trong các DA ODA, phải kể tới DA tuyến đường sắt đô thị thí điểm TP Hà Nội - tuyến số 3. Đây là DA biểu tượng cho hợp tác Pháp - Việt Nam. Các DA ODA của Pháp đều liên quan tới các ngành phát triển chiến lược của Việt Nam trong những năm tới. 
Thông qua những DA này, Pháp luôn sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, kinh nghiệm tiên tiến mà các DN Pháp đã tích lũy và phát triển (như các lĩnh vực giao thông, năng lượng, môi trường, không gian, thực phẩm, ngân hàng…).
Tại cuộc họp, hai đồng Chủ tịch cũng trao đổi về các vấn đề xâm nhập thị trường, đặc biệt trong lĩnh vực thực phẩm, tuy vẫn còn tồn tại một số rào cản, nhưng đây là lĩnh vực đã đạt được những kết quả tích cực trong thời gian qua, như các sản phẩm mới của Pháp đã được phép nhập khẩu vào Việt Nam (táo, thịt bò, cừu, dê).
Hai đồng chủ tịch cùng đánh giá cao và vui mừng vì thành công của triển lãm Food Expo mà Pháp là nước khách mời danh dự và vì khoai tây Pháp đã được thị trường Việt Nam mở cửa hồi tháng 11 năm ngoái.
Phiên họp ĐTCC mở rộng với sự tham gia của các ban ngành và DN hai nước năm nay tập trung vào hai chủ đề lớn của quan hệ đối tác chiến lược bao gồm Thách thức của biến đổi khí hậu và Các giải pháp đổi mới nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển hạ tầng.
Hai nội dung này đã được thể hiện qua những dự án ODA cụ thể, trong khuôn khổ hành động của Cơ quan Phát triển Pháp AFD liên quan tới các vấn đề quản lý nước, hay thông qua các giải pháp được các DN Pháp đề xuất (dịch vụ viễn thám phục vụ cho công tác liên quan tới biến đổi khí hậu với CLS, các giải pháp vì một TP bền vững với EDF, đồng hành trong phát triển ngành lọc hóa dầu với Air Liquide).

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần