70 năm giải phóng Thủ đô

Phát biểu của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị thượng đỉnh về chấm dứt đại dịch Covid-19

Tú Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Kinh tế & Đô thị trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị thượng đỉnh với chủ đề “Chấm dứt đại dịch Covid-19 và xây dựng lại tốt hơn”.

 Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc dự Hội nghị trực tuyến Thượng đỉnh toàn cầu về Covid-19. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)
Trưa 22/9 (theo giờ New York), Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã tham dự và phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh với chủ đề “Chấm dứt đại dịch Covid-19 và xây dựng lại tốt hơn” do Tổng thống Hoa Kỳ chủ trì tổ chức nhân dịp Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 76.
Đây là Hội nghị có ý nghĩa quan trọng đối với các nỗ lực phòng chống dịch trên phạm vi toàn cầu thời gian tới.
Báo Kinh tế & Đô thị trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc:
Thưa các Quý vị,
Tôi xin cảm ơn Ngài Tổng thống Joe Biden đã có sáng kiến tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh quan trọng về chấm dứt đại dịch Covid-19 và xây dựng lại tốt hơn, trong bối cảnh đại dịch đang tiếp tục cướp đi sinh mạng và sinh kế của rất nhiều người dân và xoá đi thành quả của hàng thập kỷ phát triển của nhiều quốc gia, trong đó có nhiều nước ASEAN, gây ra những cuộc khủng hoảng lớn về kinh tế và xã hội ở nhiều khu vực. Tôi rất chia sẻ những định hướng lớn cùng các mục tiêu cụ thể Ngài Tổng thống đề ra cho Hội nghị.
Trước kẻ thù dịch bệnh, tôi cho rằng bảo vệ sinh mạng và sức khoẻ của người dân phải là ưu tiên hàng đầu. Để làm được điều đó, cần hành động quyết liệt để phát hiện sớm, truy vết nhanh, cách ly kịp thời và điều trị hiệu quả, tăng cường năng lực xét nghiệm, bảo đảm ô xy, máy thở và thuốc điều trị, đặc biệt là nhanh chóng tiêm vacccine trên diện rộng.
Muốn vậy, chúng ta cần tăng cường hợp tác toàn cầu, đầu tư nâng cao khả năng tự cường của hệ thống y tế và phát triển ngành công nghiệp sản xuất thiết bị y tế và dược phẩm, nhất là ở các nước đang phát triển. Tôi hoan nghênh việc lập Quỹ tài chính an ninh y tế toàn cầu, góp phần bảo đảm nguồn lực cho những nỗ lực nêu trên.
Tôi cho rằng mở rộng tiêm vaccine song song với sử dụng thuốc điều trị hiệu quả có ý nghĩa then chốt để đẩy lùi dịch bệnh, bảo vệ tính mạng người dân và thúc đẩy phục hồi, phát triển kinh tế. Chúng ta cần nâng cao năng lực nghiên cứu và phát triển sản xuất vắc-xin, trong đó có việc tạo ra những trung tâm và mạng lưới sản xuất vaccine ở các khu vực thông qua việc tăng cường hợp tác sản xuất và chuyển giao công nghệ cho các nước đang phát triển, xoá bỏ rào cản liên quan đến cung ứng vaccine. Việt Nam sẵn sàng tham gia vào nỗ lực đó.
Trước sự lây lan nhanh chóng của dịch Covid-19, đặc biệt là các biến chủng mới, chúng ta cần tăng cường khả năng tiếp cận vắc-xin, nhất là của các nước đang phát triển. Tôi cảm ơn và đánh giá cao vai trò của cơ chế COVAX, cảm ơn nhiều nước đã chia sẻ, hỗ trợ vaccine cho Việt Nam. Tôi kêu gọi COVAX và các nước có năng lực đẩy mạnh nỗ lực cung ứng vaccine cho các nước đang phát triển, để ít nhất 70% dân số các nước này được tiêm chủng sớm nhất có thể và hy vọng đạt được  mục tiêu này trước kỳ họp Đại hội đồng Liên hợp quốc năm sau.
Về phần mình, Việt Nam đang triển khai chương trình tiêm phòng Covid-19 cho mọi người dân. Đồng thời, để ủng hộ tiếp cận công bằng vắc-xin, chúng tôi đã đóng góp 500.000 USD cho COVAX và sẽ xem xét tiếp tục đóng góp cho COVAX trong thời gian tới. Ở cấp độ khu vực, Việt Nam cùng các nước ASEAN đã thành lập Quỹ Ứng phó Covid-19 vào năm 2020 và mới đây đã quyết định sử dụng 10,5 triệu USD từ Quỹ này để mua vaccine cho các nước thành viên.
Thưa Quý vị,
Đại dịch Covid-19 là thách thức to lớn hiếm có trong lịch sử loài người, đòi hỏi những hành động và nỗ lực hợp tác sâu rộng và chặt chẽ trên toàn cầu. Tôi tin rằng, sát cánh bên nhau, chúng ta sẽ chiến thắng đại dịch Covid-19, bảo vệ tính mạng, cuộc sống người dân và xây dựng lại tốt hơn.