Phát biểu đáng chú ý của ông Putin tại thượng đỉnh BRICS
Kinhtedothi - Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết, tổng GDP của Nhóm các nền kinh tế mới nổi mở rộng (BRICS+) hiện cao hơn khoảng 20.000 tỷ USD so với Nhóm bảy quốc gia công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7).
Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố, nhóm BRICS hiện đã vượt qua nhóm G7 về tổng sản phẩm quốc nội (GDP) tính theo sức mua tương đương (PPP), đồng thời khẳng định vai trò của BRICS trong hệ thống quản trị toàn cầu ngày càng được củng cố.

Tổng thống Nga Vladimir phát biểu qua cầu truyền hình tại phiên họp toàn thể Hội nghị Thượng đỉnh BRICS lần thứ 17 diễn ra ở Rio de Janeiro ngày 6/7. Ảnh: RT
Phát biểu qua cầu truyền hình tại phiên họp toàn thể Hội nghị Thượng đỉnh BRICS lần thứ 17 diễn ra ở Rio de Janeiro (Brazil) ngày 6/7, Tổng thống Putin cho biết, các nước BRICS hiện chiếm 1/3 diện tích Trái đất, gần một nửa dân số toàn cầu và khoảng 40% nền kinh tế thế giới.
Theo người đứng đầu Điện Kremlin, tổng GDP tính theo sức mua tương đương của BRICS hiện đạt 77.000 tỷ USD, dựa trên số liệu năm 2025 của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), cao hơn đáng kể so với con số 57.000 tỷ USD của nhóm G7.
Tổng thống Nga nhấn mạnh, so với các nhóm hợp tác kinh tế khác, BRICS hiện “vượt trội rõ rệt” và đang khẳng định vị thế là một trong những trung tâm cốt lõi của quản trị toàn cầu.
Ông Putin lưu ý rằng các quốc gia BRICS ngày càng tăng cường sử dụng đồng nội tệ trong giao dịch thương mại nội khối, thay vì phụ thuộc vào các đồng tiền phương Tây. “Uy tín và tầm ảnh hưởng của BRICS trên thế giới đang tăng lên từng năm”, ông Putin nêu rõ trong bài phát biểu, đồng thời cảm ơn các đối tác trong khối vì tinh thần hợp tác mang tính xây dựng và hiệu quả.
Theo nhà lãnh đạo Nga, chính tinh thần tôn trọng lẫn nhau, một trong những nền tảng của BRICS, đã góp phần kết nối các quốc gia với nền văn hóa và tôn giáo đa dạng, khiến khối này trở thành đối tác hấp dẫn với nhiều nước đang phát triển.
Tổng thống Putin cũng đề cập đến sự thay đổi sâu sắc đang diễn ra trong cấu trúc quyền lực toàn cầu. Ông cho rằng hệ thống quan hệ quốc tế đơn cực, từng phục vụ lợi ích của nhóm "tỷ dân vàng" (ám chỉ các nước phát triển phương Tây), đang nhanh chóng tan rã và nhường chỗ cho một trật tự kinh tế thế giới đa cực.
Phát biểu này lặp lại quan điểm ông Putin đưa ra tại Diễn đàn Kinh tế Quốc tế St. Petersburg vào tháng 6 vừa qua, trong đó ông chỉ trích trật tự toàn cầu hiện nay mang bản chất tân thực dân và cho rằng thế giới đang bước vào một giai đoạn chuyển hóa lớn trong cấu trúc kinh tế toàn cầu.
Cùng thời điểm trên, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cũng tuyên bố Nga không còn xem nhóm G7, nơi Nga từng là thành viên từ năm 1998 đến 2014, là khuôn khổ hiệu quả, bởi vì “vai trò của G7 trong các vấn đề toàn cầu đang suy giảm không thể đảo ngược”.
BRICS được thành lập năm 2006 với tư cách là một nhóm hợp tác kinh tế, ban đầu gồm Brazil, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc; Nam Phi gia nhập vào năm 2010. Đầu năm 2024, nhóm đã chào đón thêm các thành viên mới gồm Ai Cập, Ethiopia, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất và Indonesia. Tại Hội nghị thượng đỉnh BRICS tổ chức ở Kazan năm ngoái, nhóm đã thông qua quy chế “quốc gia đối tác” nhằm phản hồi trước sự quan tâm ngày càng tăng từ hơn 30 quốc gia mong muốn gia nhập.
Tổng thống Putin cho biết, tuyên bố chung của hội nghị BRICS tại Rio de Janeiro năm nay là một nền tảng vững chắc cho hợp tác trong tương lai, được xây dựng trên tinh thần kế thừa và bình đẳng - những giá trị cốt lõi đã gắn kết BRICS kể từ ngày thành lập.
Trong diễn biến liên quan, các nhà lãnh đạo của BRICS đã bày tỏ mối quan ngại sâu sắc trước việc gia tăng các biện pháp kinh tế đơn phương, bao gồm cả hàng rào thuế quan và phi thuế quan, làm méo mó dòng chảy thương mại toàn cầu.
Tuyên bố chung được thông qua tại Hội nghị Thượng đỉnh BRICS nêu rõ: “Các nước BRICS nghiêm túc bày tỏ lo ngại về sự gia tăng của các biện pháp thuế quan và phi thuế quan đơn phương, vốn làm méo mó thương mại và không phù hợp với các quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Trong bối cảnh đó, chúng tôi tái khẳng định ủng hộ hệ thống thương mại đa phương dựa trên luật lệ, mang tính cởi mở, minh bạch, công bằng, toàn diện, bình đẳng, không phân biệt đối xử và dựa trên đồng thuận, trong đó WTO là trung tâm, đồng thời đề cao nguyên tắc đối xử đặc biệt và khác biệt (S&DT) dành cho các nước đang phát triển”.
Cũng theo tuyên bố chung, các quốc gia thành viên BRICS lên án việc áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế đơn phương vi phạm luật pháp quốc tế.
“Chúng tôi lên án việc áp dụng các biện pháp cưỡng chế đơn phương trái với luật pháp quốc tế, đồng thời tái khẳng định rằng những biện pháp như vậy, đặc biệt dưới hình thức trừng phạt kinh tế đơn phương và trừng phạt thứ cấp, đang gây ra những hậu quả tiêu cực sâu rộng đối với quyền con người, bao gồm quyền phát triển, quyền được chăm sóc sức khỏe và an ninh lương thực của người dân tại các quốc gia bị nhắm đến,” tuyên bố nêu rõ.

Ông Putin: Ukraine dùng vũ khí hạt nhân sẽ là "sai lầm cuối cùng"
Kinhtedothi - Phát biểu tại phiên họp Diễn đàn Kinh tế Quốc tế St. Petersburg ngày 20/6, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố Nga không cần Ukraine đầu hàng, đồng thời cảnh báo hậu quả nếu Kiev sử dụng “bom bẩn” chống lại Moscow.

Việt Nam trở thành đối tác chính thức của Nhóm BRICS
Kinhtedothi - Việt Nam chính thức gia nhập danh sách các quốc gia đối tác của Nhóm BRICS, khẳng định cam kết đóng góp vào hòa bình, ổn định và phát triển toàn cầu.

Ông Trump cảnh báo BRICS về kế hoạch thay thế đồng USD, đe dọa trả đũa
Kinhtedothi - Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố sẽ áp thuế 100% lên bất kỳ quốc gia BRICS nào nếu họ cố gắng thay thế đồng USD làm đồng tiền dự trữ toàn cầu.