Sau hơn nửa năm “đắp chiếu” vì những vướng mắc liên quan đến việc sử dụng thép, tái cấp vốn, giải phóng mặt bằng… Dự án giải quyết ngập do triều xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (giai đoạn 1) ở TP Hồ Chí Minh (dự án chống ngập) có tổng mức đầu tư gần 10.000 tỷ đồng đã chính thức tái khởi động lại từ ngày 26/2.
Sau khi tái khởi động, dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng tại TP Hồ Chí Minh vẫn đang gặp những vướng mắc liên quan đến việc giải phóng mặt bằng. |
Đây là dự án chống ngập đầu tiên tại Việt Nam thực hiện bằng hình thức BT (Xây dựng - Chuyển giao) được UBND TP Hồ Chí Minh tin tưởng giao cho Công ty TNHH Trung Nam BT 1547 làm chủ đầu tư dự án.
Ngày 27/2, ông Nguyễn Tâm Tiến - Tổng giám đốc Tập đoàn Trung Nam đã có những chia sẻ ban đầu về tiến độ dự án sau khi có quyết định tái khởi công.
Ông Tiến cho biết, hiện tại tất cả những khúc mắc trong cuối năm và đầu năm 2019 đã được TP Hồ Chí Minh làm việc quyết liệt, giải quyết triệt để các vấn đề, kiến nghị các sở ngành, tháo gỡ toàn bộ khó khăn cho dự án. TP sẽ cho điều chỉnh lại tiến độ dự án, sau đó làm việc với Ngân hàng Nhà Nước, Chính phủ về việc gia hạn thời hạn tái cấp vốn.
Ngoài ra, khi UBND TP Hồ Chí Minh chấp thuận cho nhà đầu tư tái khởi động dự án thì đơn vị đã làm việc từ trong Tết, đến nay đã thi công đạt 72% khối lượng và đang cố gắng đẩy nhanh tiến độ để dự án kịp hoàn thành vào cuối năm 2019 hoặc chậm nhất là quý I năm 2020.
Với mục tiêu chống ngập cho lưu vực rộng 570 km2 của TP Hồ Chí Minh, đơn vị thực hiện dự án cho rằng sở dĩ không thể về đích đúng hẹn vì nhiều địa phương chậm bàn giao mặt bằng. Và vấn đề giải phóng mặt bằng cũng chính là vấn đề khó khăn lớn nhất hiện nay đối với dự án.
Thông tin về tiến độ giải phóng mặt bằng, ông Tiến nhấn mạnh: “Nếu như TP đẩy nhanh giải phóng mặt bằng, giao mặt bằng như cam kết trước 30/6/2019 thì dự án chống ngập sẽ hoàn thành theo đúng kế hoạch đồng thời đến cuối năm 2019 sẽ đưa dự án đi vào hoạt động. Mục đích quan trọng nhất của chúng tôi lúc này là cố gắng làm xong, hạn chế ngập lụt do triều, hỗ trợ việc thoát nước trong đô thị cho TP”.
“Mặt bằng tại quận 1 đã bàn giao xong, còn quận 4 có 2 tổ chức và 1 hộ dân nhưng không có vấn đề gì. Hơn 100 hộ dân ở các cống Phú Xuân, cống Phú Định, đê kè.. các quận huyện cam kết trong 30/6 sẽ bàn giao mặt bằng", ông Tiến nói.
Tính đến thời điểm này chỉ còn khu vực quận 7, 8 và huyện Bình Chánh, Nhà Bè vẫn chưa bàn giao xong. Trước đó, để đảm bảo chất lượng công trình và tiến độ thi công một số hạng mục, đơn vị thực hiện dự án phải thuê mặt bằng của dân với chi phí khoảng 10 tỷ đồng.
Riêng tại khu vực quận 7 Trung Nam Group hiện vẫn chưa thống nhất được với Công ty CP Phát triển địa ốc Phát Đạt (PDR) về việc giải phóng mặt bằng khu đất công trình công cộng của dự án Khu nhà ở thương mại cao tầng để nhà đầu tư triển khai thi công cống Bà Bướm.
Trả lời Báo Kinh Tế Đô Thị xoay quanh vấn đề này, đại diện Công ty Cổ phần Phát Đạt lại có những phản hồi ngược lại, vị này cho biết từ trước đến nay phía Trung Nam Goup chưa từng có bất cứ động thái liên hệ nào với Phát Đạt để thống nhất về việc bàn giao mặt bằng.
Hơn nữa, hiện tại phía Phát Đạt cũng không nắm rõ được phần đất mà Trung Nam Group đề cập đến trong dự án chống ngập đang nằm ở dự án nào của Phát Đạt.
Theo như chia sẻ từ phía Phát Đạt thì hiện tại cả hai dự án của Phát Đạt ở quận 7 là dự án The EverRich 2, và dự án The EverRich 3 đều đã được TP chấp thuận chủ trương chuyển nhượng cho dự án khác. Và phía Phát Đạt cũng đã thực hiện chuyển nhượng thành công cả hai dự án nói trên cho bên thứ ba.
Có thể nói rằng, hiện tại Phát Đạt hoàn toàn không có trách nhiệm gì trong việc bàn giao mặt bằng để Trung Nam Group triển khai dự án chống ngập.
Như vậy, sự sai lệch thông tin này từ đâu mà có? Thiết nghĩ, UBND quận 7 nên nhanh chóng chủ trì, phối hợp các đơn vị liên quan tìm hiểu giải quyết vụ việc một cách nhanh chóng và triệt để nhất. Hỗ trợ tối đa cho Trung Nam Group giải phóng mặt bằng thành công, sớm đưa dự án mang ý nghĩa dân sinh này đi vào hoạt động, phục vụ tốt nhất cho nhu cầu đời sống người dân TP.
Dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng của TP Hồ Chí Minh được khởi công từ tháng 6/2016. Với 7 hạng mục quan trọng gồm 6 cống kiểm soát triều Bến Nghé - Tân Thuận - Phú Xuân - Mương Chuối - Cây Khô - Phú Định cùng quy mô bề rộng cống từ 40 - 160 m và 7,8 km đê kè ven sông Sài Gòn từ Vàm Thuật đến Sông Kinh, các cống nhỏ bảo vệ những khu vực xung yếu. Dự án được xây dựng theo hình thức BT (xây dựng - chuyển giao), UBND TP Hồ Chí Minh sẽ thanh toán cho nhà đầu tư bằng 84% tiền và 16% quỹ đất. Trường hợp giá trị quỹ đất nhỏ hơn giá trị dự án BT, TP Hồ Chí Minh được phép thanh toán bằng ngân sách đối với phần chênh lệch. Mục tiêu của dự án là nhằm kiểm soát ngập do triều, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu cho vùng diện tích 750km2, với khoảng 6,5 triệu dân trong vùng dự án ở các quận 1, 4, 7, 8 và huyện Bình Chánh, Nhà Bè. Tuy nhiên, tới tháng 4/2018 dự án bị dừng thi công vì vướng đền bù giải toả và do sự phối hợp của các đơn vị chưa được đồng bộ, việc giải ngân chậm. Đến 26/2, dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng được tái khởi động. Hiện các công trình đã hoàn thiện từ 70% đến 90% tiến độ xây dựng. |