Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Phát động chương trình đánh giá, công bố doanh nghiệp bền vững tại Việt Nam

Khắc Kiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 18/5, Lễ phát động Chương trình đánh giá, công bố doanh nghiệp bền vững tại Việt Nam (chương trình CSI) 2021 đã được Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Hội đồng doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam (VBCSD-VCCI) tổ chức theo hình thức trực tuyến với sự theo dõi của gần 400 đại biểu.

Khuyến khích kinh doanh có trách nhiệm
Bước sang năm thứ 6, VCCI tiếp tục phối hợp với Bộ LĐTB&XH, Bộ TN&MT và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức Chương trình CSI nhằm tìm kiếm và biểu dương các doanh nghiệp thực hiện tốt kinh doanh có trách nhiệm trong cả 3 khía cạnh: Kinh tế - xã hội – môi trường. Bộ chỉ số Doanh nghiệp bền vững (CSI) tiếp tục được sử dụng làm căn cứ đánh giá mức độ phát triển bền vững của các doanh nghiệp tham gia Chương trình.
Năm 2021, Chương trình sẽ tiếp nhận hồ sơ của doanh nghiệp ở mọi quy mô và lĩnh vực trên toàn quốc, thông qua hình thức nộp hồ sơ bản cứng hoặc khai trực tuyến và không thu bất kỳ khoản phí nào từ doanh nghiệp. Các doanh nghiệp tham gia Chương trình sẽ khai thông tin theo Bộ chỉ số CSI 2021 với 119 chỉ số ở 4 lĩnh vực: Chỉ số Kết quả phát triển bền vững; Chỉ số Quản trị; Chỉ số Môi trường và Chỉ số Lao động – Xã hội.
Tổng Thư ký VCCI Nguyễn Quang Vinh - Phó Chủ tịch điều hành VBCSD phát biểu khai mạc Lễ phát động CSI 2021.
Sau Lễ phát động, VBCSD-VCCI dự kiến sẽ tổ chức các khóa tập huấn trực tiếp/trực tuyến về Quản trị doanh nghiệp nói chung và áp dụng Bộ chỉ số CSI trong quản trị doanh nghiệp nói riêng vào tháng 6 & tháng 7/2021. Hạn chót nhận hồ sơ tham dự của doanh nghiệp là ngày 15/8/2021. Doanh nghiệp có thể tham khảo thông tin và tham dự Chương trình tại website http://vbcsd.vn/csi.asp.
Dấu ấn quan trọng nhất của CSI 2021 chính là ở sự phân cấp các chỉ số ra thành 3 cấp độ dành cho các quy mô doanh nghiệp khác nhau. 53 chỉ số ký hiệu M dành chung cho tất cả loại hình doanh nghiệp, và là các chỉ số tối thiểu dành cho các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ. 28 chỉ số ký hiệu C (chỉ số cơ bản) dành cho doanh nghiệp vừa và lớn, và 38 chỉ số ký hiệu A (chỉ số nâng cao) thể hiện việc doanh nghiệp ngoài việc tuân thủ pháp luật thì còn xây dựng được một hệ sinh thái kinh doanh lành mạnh đảm bảo các lợi ích kinh doanh bền vững cho đối tác và các bên liên quan khác.
Đây là một nỗ lực của Ban tổ chức Chương trình nhằm khuyến khích hơn nữa tất cả loại hình, quy mô doanh nghiệp tham gia vào việc thực hiện kinh doanh có trách nhiệm. Doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ cần đảm bảo việc triển khai đầy đủ các nội dung của 53 chỉ số M, và tùy theo tình hình thực tế sản xuất – kinh doanh, doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ có thể khai thêm thông tin theo các chỉ số C và A và nhận thêm điểm thưởng từ Ban tổ chức. Tương tự như thế, doanh nghiệp vừa và lớn cần đảm bảo khai đủ thông tin theo các chỉ số M và C và có thể khai thêm thông tin theo các chỉ số A và nhận thêm điểm thưởng từ Ban tổ chức.
Không để ai bị bỏ lại phía sau
Tại Lễ phát động, Tổng Thư ký VCCI Nguyễn Quang Vinh - Phó Chủ tịch điều hành VBCSD cho biết, thông qua việc phân cấp các chỉ số của Bộ chỉ số CSI 2021 theo các quy mô doanh nghiệp khác nhau, một lần nữa, Ban tổ chức muốn nhấn mạnh và truyền tải đi thông điệp “phát triển bền vững không phải là phú quý sinh lễ nghĩa”, không phải là chuyện xa vời, to lớn chỉ dành cho các doanh nghiệp lớn, mà rất thiết thực và có thể hữu hình hóa thông qua việc thực hiện tốt các quy định pháp luật. Phát triển bền vững hoàn toàn có thể được thực hiện ở tất cả các cấp độ doanh nghiệp.
Lễ phát động CSI 2021 được VBCSD tổ chức trực tuyến tại Hà Nội.
Cũng theo ông Nguyễn Quang Vinh, Bộ chỉ số CSI đặc biệt hữu ích cho các doanh nghiệp trong nước, vốn có đến hơn 95% là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Dựa vào các cấp độ chỉ số, thay vì mất nhiều công sức tự mày mò nghiên cứu “ma trận” thông tin, doanh nghiệp cũng có thể hình dung ra lộ trình thực hiện phát triển bền vững theo quy mô từ nhỏ đến lớn, từ đó tự xây dựng được chiến lược, kế hoạch kinh doanh phù hợp với năng lực hiện tại và định hướng tương lai. Điều này giúp doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp trong nước tiết kiệm được rất nhiều thời gian và nguồn lực trong quản trị theo định hướng phát triển bền vững.  
Bên cạnh đó, điểm mới của Chương trình CSI 2021 còn nằm ở 2 giải thưởng phụ về Bình đẳng giới tại nơi làm việc và Quyền trẻ em trong kinh doanh. Đây đều là những nội dung mà cộng đồng doanh nghiệp thế giới rất quan tâm, thể hiện cho tầm nhìn “không để ai bị bỏ lại phía sau” trong văn hóa doanh nghiệp kinh doanh bền vững.
Nói về quyền trẻ em trong kinh doanh, bà Rana Flowers - Trưởng Đại diện UNICEF Việt Nam nhận định: “Các doanh nghiệp vẫn hàng ngày tương tác trực tiếp và gián tiếp với trẻ em, vì các em là những lao động trẻ tuổi, con em nhân viên, người tiêu dùng và thành viên của cộng đồng xã hội. Vì vậy, doanh nghiệp có thể đóng góp cho việc cải thiện cuộc sống các em thông qua những chính sách và thực hành kinh doanh có trách nhiệm của mình, đóng góp cho sự phát triển bền vững. Tôn trọng quyền của trẻ em như một phần chương trình bền vững của doanh nghiệp sẽ giúp xây dựng cộng đồng vững mạnh hơn, là yếu tố thiết yếu tạo dựng môi trường kinh doanh hiệu quả, hòa nhập và ổn định”.
Giám đốc điều hành Mạng lưới Doanh nghiệp Việt Nam hỗ trợ phát triển quyền năng phụ nữ (VBCWE) Lê Thanh Hằng chia sẻ, cải thiện bình đẳng giới tại nơi làm việc đóng góp đáng kể vào tăng trưởng kinh tế, năng suất lao động, thu hút và giữ chân nhân tài, những yếu tố then chốt đối với sự phát triển bền vững của doanh nghiệp. VBCWE rất vui mừng được đồng hành cùng Giải thưởng phụ về bình đẳng giới tại nơi làm việc trong khuôn khổ Chương trình CSI 2021. Giải thưởng là cơ hội để các doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận gần hơn với các tiêu chuẩn quốc tế về bình đẳng giới, hướng đến xây dựng môi trường làm việc bình đẳng, đa dạng và bền vững.