Trong quá trình phát triển, Phật giáo, với tư cách là một tôn giáo, đã có nhiều đóng góp trong sự nghiệp dựng nước, giữ nước và công cuộc phát triển đất nước hiện nay. Phật giáo Việt Nam đã hiện thực hóa các quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về tôn giáo, tín ngưỡng để khẳng định và phát huy các giá trị đạo đức, văn hóa, nguồn lực Phật giáo như Đại hội XIII của Đảng đã khẳng định: “Phát huy những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp và các nguồn lực của các tôn giáo cho sự nghiệp phát triển đất nước”.
Bài 1: Lan tỏa tinh thần tương thân, tương ái
Phát huy tinh thần “từ bi cứu khổ” của đạo Phật và truyền thống đoàn kết “tương thân tương ái”, “lá lành đùm lá rách” của dân tộc, Giáo hội Phật giáo (GHPG) Việt Nam luôn tích cực hưởng ứng và tham gia các phong trào ích nước lợi dân, an sinh xã hội và công tác thiện nguyện trên cả nước…
Phụng sự chúng sinh
Cơn bão số 3 (Yagi) đã để lại những tổn thất nặng nề cho nhiều tỉnh, thành miền Bắc. Nhưng giữa những khó khăn, mất mát, đau thương ấy, chúng ta thấy sáng lên tinh thần đoàn kết, yêu thương, sẻ chia, đó là tình dân tộc, là nghĩa đồng bào. Thực hiện lời kêu gọi của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và Đoàn Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam về việc ủng hộ cứu trợ cho đồng bào bị thiệt hại, ảnh hưởng do bão số 3, GHPG Việt Nam đã ủng hộ gần một tỷ đồng. T.Ư GHPG Việt Nam đã kêu gọi Ban Trị sự GHPG các tỉnh, TP, các tự viện, tăng ni, phật tử trong cả nước tích cực tổ chức, tham gia cứu trợ, trở thành minh chứng sống động cho lòng từ bi, vị tha và tinh thần vô ngã, khẳng định sự gắn kết giữa đạo đức Phật giáo và truyền thống văn hóa Việt Nam.
Ngay sau đó, T.Ư GHPG Việt Nam cũng như Ban Trị sự GHPG các tỉnh, TP; các chùa, cơ sở tự viện trong cả nước đã liên tục tổ chức nhiều hoạt động thiện nguyện. Rất nhiều chư tôn, tăng ni và phật tử cả nước chung tay gói bánh chưng, nấu cơm và chuẩn bị cả những nhu yếu phẩm cần thiết gửi tặng các lực lượng tiền phương phòng chống bão lũ.
Nhiều ngôi chùa tổ chức các đoàn đến tặng quà, hỗ trợ bà con vùng lũ. Hình ảnh những đoàn cứu trợ từ khắp mọi miền đất nước, trong đó có những tăng ni, phật tử bất chấp khó khăn, gian khổ để đến vùng sâu, vùng xa mang theo lương thực, thực phẩm và các nhu yếu phẩm cần thiết và tiền quyên góp trao tặng bà con vùng lũ đã minh chứng cho tinh thần từ bi - vô ngã và đoàn kết của dân tộc.
Trưởng lão Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu, Ủy viên Thường trực Hội đồng Chứng minh, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Trị sự GHPG Việt Nam cho biết, với tinh thần từ bi của nhà Phật, tất cả Phật tử, người dân đều là những người con Phật, đều có thiện tâm, Phật tâm. Các chư tăng ni, đều ý thức được trách nhiệm và bổn phận để lo cho những mảnh đời khó khăn trong cuộc sống.
"Chứng kiến những khó khăn, mất mát của bà con vùng lũ, chúng tôi xem đây là trách nhiệm cao cả, là phải chung tay giúp đỡ bà con bằng vật chất lẫn tinh thần, qua đó lan tỏa ra xã hội để mọi người ý thức được trách nhiệm với cộng đồng" - Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu nói.
Còn nhớ, trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19, tinh thần nhập thế, đồng hành cùng dân tộc của Phật giáo Việt Nam được thể hiện với phong trào "cởi áo cà sa khoác blouse trắng". Phật giáo các cấp cùng đông đảo tăng ni, phật tử đã có nhiều hoạt động đóng góp thiết thực, hiệu quả trong cuộc chiến phòng, chống dịch Covid-19, chung tay cùng các cấp chính quyền và người dân chăm lo, chia sẻ, giúp đỡ nhiều gia đình khó khăn, người tàn tật, neo đơn, người lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch. Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu chia sẻ: "Khi đất nước có giặc ngoại xâm, tăng ni cởi cà sa mặc áo bào cùng đánh đuổi quân xâm lăng. Khi có thiên tai, tăng ni, phật tử khắp mọi miền tới những nơi bị ảnh hưởng để hỗ trợ người dân. Thời dịch bệnh, tăng ni cởi cà sa, khoác áo blouse, cùng xông pha vào nơi tuyến đầu chống dịch".
Nhiều tăng ni, phật tử GHPG Việt Nam tình nguyện phục vụ trong các bệnh viện dã chiến, bệnh viện thu dung tại TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam. Nhiều ngôi chùa được sử dụng làm nơi cách ly tập trung cho người nhiễm, người nghi nhiễm Covid-19.
Ngoài ra, Ban Trị sự GHPG Việt Nam các tỉnh, thành trong cả nước đều có các hoạt động ủng hộ Quỹ vaccine phòng, chống dịch Covid-19 với số tiền lên đến hàng chục tỷ đồng, đóng góp và ủng hộ hàng nghìn tấn gạo, nông sản các loại, các nhu yếu phẩm, hàng trăm nghìn suất ăn chay, hàng trăm nghìn khẩu trang y tế và nhiều thiết bị phòng, chống dịch.
Cho đi là còn mãi
Hưởng ứng lời kêu gọi đăng ký hiến mô, tạng của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, tháng 6/2024, Hội Vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người Việt Nam và GHPG Việt Nam ký kết phối hợp "Chương trình đăng ký hiến tặng mô, tạng - Cho đi là còn mãi". Tại buổi lễ, Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu kêu gọi toàn thể tăng ni, phật tử và đồng bào cùng chung tay góp sức vào phong trào đăng ký hiến mô, tạng, bộ phận cơ thể người.
Theo Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu, đây là hành động thể hiện tinh thần từ bi bác ái của Phật giáo, đồng thời là nghĩa cử cao đẹp của dân tộc. Theo lời Phật dạy, người hiến tặng mô, tạng sẽ được hưởng phước báo vô biên, công đức vô lượng. Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu khẳng định, GHPG Việt Nam sẽ luôn đồng hành cùng các cơ quan trong sự nghiệp cao cả này; sẽ tích cực vận động, tuyên truyền sâu rộng trong các tổ chức Phật giáo trên cả nước; các chùa, cơ sở tự viện nhằm nâng cao nhận thức của phật tử và Nhân dân về ý nghĩa của việc hiến mô, tạng.
Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn đánh giá: “Đây là một sự kết hợp tuyệt vời giữa truyền thống văn hóa, đạo đức và tinh thần từ bi của Phật giáo với khoa học y học hiện đại, mang lại lợi ích thiết thực cho cộng đồng. Mỗi hành động thiện lành đều mang lại những điều tốt đẹp. Hiến tặng mô, tạng là đang gieo những hạt giống của lòng từ bi, tình thương và chắc chắn rằng, chúng ta sẽ gặt hái được những quả ngọt trong tương lai”. Ngay sau lễ ký kết, GHPG Việt Nam đã khởi động việc đăng ký hiến mô, tạng trực tiếp và online tại các cơ sở tôn giáo trên toàn quốc và đã có 365 phật tử đăng ký hiến mô, tạng.
Không chỉ đăng ký hiến mô tạng, trong nhiều năm qua, mỗi năm có hàng nghìn tăng ni, phật tử tham gia hiến máu cứu người như lời đức Phật răn dạy. GHPG Việt Nam từng phối hợp với Hội Chữ thập đỏ Việt Nam tổ chức nhiều ngày hội hiến máu cứu người - Hành Bồ Tát đạo, mỗi năm thu gom hàng nghìn đơn vị máu. Các Ban, Viện T.Ư, Ban Trị sự GHPG các tỉnh, TP; các chùa, cơ sở tự viện và cơ sở giáo dục Phật giáo đã có nhiều hoạt động hiến máu nhân đạo đạt kết quả tốt. Đơn cử như Học viện Phật giáo Việt Nam, hay chùa Quán Sứ (Hà Nội), chùa Giác Ngộ, chùa Phước Tường, chùa Vĩnh Nghiêm (TP Hồ Chí Minh) cùng hàng trăm cơ sở Phật giáo khác trên cả nước từ lâu đã là điểm hẹn của những tấm lòng nhân ái, là nơi để quý tăng ni, phật tử cùng nhau sẻ chia yêu thương với cộng đồng, đồng thời lan tỏa tinh thần từ bi nhân ái, cứu khổ, ban vui của đạo Phật.
Bên cạnh đó, thực hiện lời Phật dạy: “Phục vụ chúng sinh là thiết thực cúng dàng chư Phật”, GHPG Việt Nam luôn coi công tác từ thiện xã hội là một trong những công tác phật sự trọng tâm của Giáo hội và của tăng ni, phật tử. Nhiều năm qua, công tác từ thiện đã tập trung vào hoạt động của các trung tâm nuôi dưỡng trẻ mồ côi, người già cô đơn, người tàn tật với hàng trăm cơ sở hoạt động tích cực, hiệu quả.
Hơn 2.000 năm hiện diện trên đất nước Việt Nam, đồng hành cùng dân tộc, đạo Phật đã trở thành tôn giáo của dân tộc. Suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước, trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước cũng như xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa ngày nay, Phật giáo Việt Nam luôn luôn là thành viên tin cậy và vững mạnh trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Trích “Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam”
(Còn nữa)