Nếu cứ tâm lý trông chờ vào Nhà nước thì nợ công sẽ vượt trần và nợ công tăng nhanh chủ yếu do phát hành trái phiếu Chính phủ tăng mạnh (tăng 3,5 lần trong 2015). Trong khi các nguồn vay ưu đãi từ nước ngoài vẫn chiếm một tỷ lệ lớn trong danh mục nợ, các khoản nợ trong nước là nguyên nhân tăng chủ yếu. Còn phát triển thị trường trái phiếu trong nước sẽ cung cấp thêm nguồn tài chính cho Chính phủ, nhưng sẽ rất dễ bị tổn thương. Ông Takehiko Nakao cho hay, nhiều quốc gia châu Á cũng phát hành trái phiếu, có thể vay quốc tế và trong nước. Nếu phát hành trái phiếu trên thị trường có thể đánh giá mức độ tín nhiệm tín dụng của quốc gia đó để tính đến chi phí. “Trường hợp của Việt Nam, kỳ hạn vay là vấn đề. Nợ trong nước đang tăng lên, kỳ hạn lại ngắn, đang tạo ra áp lực lớn. Hiện nay lãi suất trái phiếu Chính phủ của Việt Nam vẫn còn tương đối cao. Và như vậy khi trả nợ sẽ khó, đây là vấn đề đặt ra với quản lý nợ” - Chủ tịch ADB đánh giá. Khuyến nghị của ADB là giải quyết liên quan đến bền vững nợ bằng cách cải thiện nguồn thu nội địa, nâng cao hiệu quả chi tiêu thường xuyên. ADB cũng khuyến nghị đẩy mạnh tái cơ cấu DN Nhà nước, vực dậy khu vực tư nhân, có chính sách phát triển cho DN vừa và nhỏ. Theo ông Takehiko Nakao: “Sự tham gia của khu vực tư nhân và các nhà đầu tư nước ngoài trong đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng và cung cấp dịch vụ công có thể là một giải pháp cần đẩy mạnh hơn nữa khi nguồn vốn đầu tư phát triển từ ngân sách có thể bị hạn chế”. Ngoài ra phải đa dạng hóa nguồn vốn vay với những chi phí thấp hơn. “Về phía ADB, chúng tôi vẫn cam kết chương trình với Chính phủ Việt Nam cho vay 1 tỷ USD/năm, tăng vốn vay ưu đãi với các lĩnh vực xây dựng hạ tầng, đô thị, giao thông công cộng, truyền tải điện, hạ tầng nông thôn, quản lý nguồn nước và thủy lợi, đồng thời đẩy nhanh giải ngân vốn vay của các dự án. Chúng tôi cũng cân nhắc đối với cho vay với khu vực tư nhân” - Chủ tịch ADB cam kết. Bên cạnh khả năng có thể xảy ra là thâm hụt ngân sách, bội chi đã tăng lên so với dự kiến ban đầu, Chủ tịch ADB cũng chỉ ra những bất ổn của kinh tế Việt Nam hiện nay mà Chính phủ phải thận trọng đó là nguy cơ mở rộng tín dụng, lường trước khả năng bùng nổ tăng trưởng tín dụng quá nhiều kéo theo rủi ro tín dụng và tiềm ẩn lạm phát. Liên quan đến chính sách duy trì lãi suất đồng USD bằng 0% của ngân hàng Nhà nước Việt Nam, ông bình luận, đó là chính sách tài chính mà mỗi quốc gia quyết định có nhiều lý do khác nhau. Và với các nhà đầu tư, khi đầu tư vào Việt Nam sẽ quan tâm đến lãi suất tại nước sở tại, quan tâm đến chênh lệch lãi suất đồng USD và đồng nội tệ... nhà đầu tư cũng quan tâm tới lợi nhuận đầu tư vào thị trường nào cao hơn. Tuy nhiên, Việt Nam có thể tăng lãi suất đồng USD lên 0,5% theo lộ trình.