Phát hiện 326 mẫu rau, quả, trái cây nhiễm chất cấm

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 3/3, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) tổ chức hội nghị trực tuyến tổng kết đợt cao điểm hành động vì an toàn thực phẩm (ATTP) trong nông nghiệp, được triển khai từ tháng 11/2015 đến hết tháng 2/2016.

Theo báo cáo của Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản, triển khai đợt cao điểm hành động vì ATTP trong lĩnh vực nông nghiệp, các tỉnh, TP bước đầu đã chú trọng hoạt động hướng dẫn các cơ sở sản xuất kinh doanh về đảm bảo ATTP, lấy mẫu giám sát, xác nhận sản phẩm an toàn.

Trong đợt cao điểm đã có 2.781 cơ sở được hướng dẫn áp dụng GAP và đã có 2.225 cơ sở (chiếm 80%) được chứng nhận áp dụng GAP. Ngoài ra, 3.393 cơ sở trong số 4.898 cơ sở loại C (chiếm 69,3%) đã nâng cấp và được chứng nhận đủ điều kiện ATTP.
Toàn cảnh hội nghị.
Toàn cảnh hội nghị.
Lũy kế từ đầu năm 2015 đến tháng 2/2016 đã phát hiện 326/6.166 mẫu rau, quả, trái cây nhiễm chất cấm, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt giới hạn cho phép (chiếm 5,3%), so với 9 tháng đầu năm 2015 là 10,3%. Về thịt, có 106/5.433 mẫu vi phạm chỉ tiêu hóa chất, kháng sinh cấm và vượt giới hạn cho phép (chiếm 2%), 834/5.433 mẫu thịt vi phạm chỉ tiêu vi sinh vật (chiếm 15,4%) so với 9 tháng đầu năm 2015 là 16%. Về thủy sản, có 397/5.048 mẫu thủy sản (chiếm 7,9%) vi phạm các chỉ tiêu về hóa chất, kháng sinh cấm và vượt giới hạn cho phép.

Về triển khai kiểm tra, giám sát xác nhận sản phẩm an toàn, tính đến nay đã có 35 tỉnh, TP báo cáo đã hỗ trợ xây dựng được 280 chuỗi cung ứng nông thủy sản an toàn bày bán tại 329 cơ sở phân phối thực phẩm. Trong đó có 65 cơ sở (chiếm 20%) được kiểm tra, giám sát, cấp giấy xác nhận bán sản phẩm rau, thủy sản, gạo, thịt lợn an toàn được xác nhận và công khai tại nơi bày bán.

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát khẳng định các địa phương đã hành động quyết liệt đối với một số loại vi phạm trong lĩnh vực ATTP nông nghiệp và đã đạt được kết quả nhất định. Tuy nhiên, kết quả đợt cao điểm cho thấy, vấn đề kiểm soát ATTP tại lò mổ chưa được chấn chỉnh, chưa tạo ra chuyển biến trong ô nhiễm vi sinh vật đối với sản phẩm thịt.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát yêu cầu, thời gian tới, cần xử lý căn bản kháng sinh trong thủy sản, tồn dư thuốc bảo vệ thực vật trong rau. Đặc biệt chỉ ra cho người dân đâu là thực phẩm an toàn.