Chuyên gia y tế khuyến cáo, khi trẻ không may mắc Covid-19, cha mẹ cần có biện pháp bảo vệ trẻ, theo dõi trạng thái của trẻ về tinh thần, đảm bảo mức độ ăn uống tương đối, khi cần đưa con đến bệnh viện (BV), cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám kịp thời, đặc biệt là những trẻ mắc Covid-19 có bệnh nền, thừa cân, béo phì...
Gia tăng trẻ em mắc Covid-19
Theo PGS.TS Nguyễn Trường Sơn - Thứ trưởng Bộ Y tế, từ khi dịch Covid-19 xuất hiện ở Việt Nam đến nay, tỷ lệ mắc Covid-19 của trẻ dưới 18 tuổi ở nước ta là 19,2%, tương đương khoảng 490.000 trẻ. Trong đó có 4,8% trẻ từ 13 - 17 tuổi; 8% trẻ 6 - 12 tuổi; 2,8% trẻ từ 3 - 5 tuổi và 3,6% trẻ từ 0 - 2 tuổi. Những trường hợp trẻ mắc Covid-19 viêm đa hệ tuy hiếm nhưng vẫn có thể ghi nhận trên toàn thế giới. Với biến chủng Omicron, việc lây nhiễm sẽ có nguy cơ nhiều hơn ở nhóm trẻ em chưa được tiêm chủng vaccine phòng Covid-19.
Đề cập đến vấn đề này, bác sĩ Nguyễn Trung Cấp - Phó Giám đốc BV Bệnh nhiệt đới Trung ương cho biết, tại BV Bệnh nhiệt đới Trung ương có 617 bệnh nhân Covid-19 là trẻ em dưới 16 tuổi trên tổng số 6.484 F0 đã điều trị tại đây; có 21 trẻ nặng, nguy kịch. Tỷ lệ bệnh nhi mắc Covid-19 chuyển nặng chiếm phần rất nhỏ nhưng khi xảy ra tình huống số nhiễm lớn đột biến thì số trẻ em nhiễm sẽ tăng theo. Chưa kể, một vài hệ luỵ có thể xảy ra như vòng lây nhiễm khi trẻ có diễn biến nhẹ mang bệnh về lây cho người cao tuổi, nguy cơ cao, người nhỏ tuổi hơn, bệnh nền, phụ nữ mang thai… chưa tiêm vaccine.
“Để hạn chế khả năng tăng nặng bệnh ở trẻ, cần đảm bảo trẻ diễn biến nhẹ phải được chăm sóc đầy đủ ở tầng thấp, phát hiện sớm diễn biến nặng để điều trị phù hợp, kịp thời. Việc nâng cao năng lực điều trị ca bệnh nặng rất cần thiết vì thực tế số bệnh nhi diễn biến nặng ít nhưng số cơ sở hồi sức nhi nhỏ tuổi cũng rất ít. Bởi vậy, cần được đào tạo tập huấn, nâng cao năng lực điều trị nhi khoa, chuyển giao kỹ thuật để khi xảy ra tình huống tăng ca nặng sẽ không bị lúng túng” - bác sĩ Cấp nhấn mạnh.
Liên quan đến vấn đề này, TS Nguyễn Thành Nam - Giám đốc Trung tâm Nhi khoa, BV Bạch Mai cho hay, vào thời gian này, do thời tiết lạnh, ẩm, chênh lệch nhiệt độ các thời điểm trong ngày lớn, đặc biệt ở các tỉnh phía Bắc nên dù không có dịch Covid-19 xảy ra, trẻ em vẫn thường dễ mắc các bệnh về đường hô hấp, tiêu hóa khi tham gia học tập. Do vậy, các cháu đều có khả năng nhiễm các bệnh lý hô hấp, trong đó có Covid-19.
Chính vì vậy, vai trò của cha mẹ, thầy cô giáo rất quan trọng khi hướng dẫn các cháu những biện pháp phòng chống nhiễm bệnh, nhất là sau khoảng thời gian dài các cháu sinh hoạt trong nhà, ít tiếp xúc với môi trường xung quanh nên các kỹ năng phòng vệ cần phải được rèn luyện, nhắc nhở thường xuyên.
Cách xử trí khi trẻ mắc Covid-19
Đặc biệt, TS Nguyễn Thành Nam lưu ý, khi trẻ không may bị mắc Covid-19, cha mẹ cần theo dõi trạng thái của trẻ về tinh thần. Những trẻ có thể điều trị ở nhà là trẻ vẫn có những hoạt động, vui chơi tương đối như những ngày khỏe mạnh. Trẻ vẫn đảm bảo được mức độ ăn uống tương đối như ngày khỏe mạnh. Gia đình có thể quan sát nhịp thở của trẻ. Với trẻ dưới 2 tháng nhịp thở bình thường < 60 lần/phút; Trẻ 2 tháng - 12 tháng nhịp thở bình thường < 50 lần/phút; Trẻ > 12 tháng nhịp thở bình thường < 40 lần/phút; Trẻ > 5 tuổi thở nhanh khi > 30 lần/phút; Trẻ > 12 tuổi theo các chỉ số tương tự người lớn.
Chuyên gia khuyến cáo, khi điều trị ở nhà, cha mẹ cần dự phòng những thuốc như hạ sốt, bù nước điện giải, có thể bổ sung vitamin tổng hợp; thuốc điều trị ngạt tắc mũi; thuốc ho. Cha mẹ cần dùng thuốc theo hướng dẫn của cán bộ y tế. Gia đình không nên cho trẻ tự uống thuốc ngoài những thuốc được khuyến cáo ở trên. Khi cần tư vấn, các cha mẹ có thể liên hệ các số điện thoại của các BV có khoa Nhi hoặc các cơ sở xử trí của từng phường/huyện để được tư vấn phù hợp.
Theo PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu - Giám đốc BV Đại học Y Hà Nội, thông thường trẻ khi mắc Covid-19 chỉ cần theo dõi, điều trị tại nhà, một tỷ lệ rất nhỏ vào viện khám. Với những trẻ có triệu chứng thở nhanh, chỉ số bão hòa oxy giảm, bác sĩ cần chỉ định chụp X-quang, nếu X-quang bình thường thì kiểm tra lại, có thể cho trẻ về nhà.
Mục tiêu điều trị tại nhà là phát hiện kịp thời các triệu chứng nặng để đưa trẻ vào viện; điều trị các triệu chứng thông thường - giống như cảm cúm, sốt virus; tránh lây nhiễm chéo trong gia đình. Các bậc phụ huynh khi cần đưa con đến BV hãy liên hệ cơ sở y tế gần nhất để trẻ được thăm khám kịp thời, tránh tình trạng “lựa chọn BV” không cần thiết vì Bộ Y tế đã giao các BV có nhiệm vụ thăm khám, tiếp nhận điều trị bệnh nhân Covid-19.
Ngoài ra, các chuyên gia y tế khuyến cáo, trẻ lứa tuổi 5 - 11 tuổi nếu tiêm vaccine, khi nhiễm sẽ có ít triệu chứng cũng như triệu chứng nhẹ hơn so với người lớn. Vì thế, cha mẹ cần cho trẻ tiêm phòng ngay khi được phép của Chính phủ, Bộ Y tế. Khi trẻ mắc Covid-19, cha mẹ cần theo dõi trạng thái của trẻ về tinh thần. Những trẻ có thể điều trị ở nhà khi vẫn hoạt động, vui chơi và ăn uống gần như những ngày không mắc bệnh. Cha mẹ thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hoặc nước rửa tay, khuyến khích trẻ vận động, nghỉ ngơi hợp lý, bổ sung dinh dưỡng hợp lý cho trẻ.
Trẻ lứa tuổi 5 - 11 tuổi nếu tiêm vaccine thì khi mắc bệnh sẽ có ít triệu chứng cũng như triệu chứng nhẹ hơn so với người lớn. Khi mắc Covid-19 dù ở lứa tuổi nào thì bệnh cũng có các biểu hiện từ không có triệu chứng đến có triệu chứng cho đến nhập viện nặng, tử vong. Với trẻ em qua theo dõi thì thấy trẻ cũng có các biểu hiện lâm sàng kéo dài, có cả tình trạng hậu Covid-19, kể cả di chứng.
Vì vậy, việc tiêm vaccine không chỉ bảo vệ bản thân trẻ mà còn giảm đi sự lây nhiễm. Việc tiêm chủng cho trẻ có ý nghĩa rất lớn, hạn chế lây nhiễm và giảm đi được lây nhiễm cho những người trong gia đình, đặc biệt là những người có nguy cơ cao, chống chỉ định tiêm chủng và những trẻ chưa đến tuổi tiêm chủng.
Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế, GS.TS Phan Trọng Lân
Để bảo đảm tốt cho công tác điều trị cho trẻ em nhiễm Covid-19, Sở Y tế Hà Nội giao cho BV Đa khoa Xanh Pôn, chuyên khoa đầu ngành Nhi tổ chức đào tạo, tập huấn cho các đơn vị trong ngành công tác xử trí, chăm sóc, điều trị trẻ em mắc Covid-19 theo hướng dẫn của Bộ Y tế; hỗ trợ đơn vị tuyến dưới trong công tác điều trị trẻ em nhiễm Covid-19. Sở Y tế Hà Nội cũng đã có hướng dẫn phân luồng điều trị trẻ mắc Covid-19.
Trong đó, điều trị tại nhà (tầng 1) đối với trẻ trên 3 tháng; tại cơ sở thu dung quận, huyện đối với trẻ không đủ điều kiện điều trị tại nhà; tại BV đa khoa có giường bệnh điều trị nhi khoa đối với trẻ có bệnh nền không ổn định hoặc thể trạng béo phì; trẻ dưới hoặc bằng 3 tháng tuổi. Trẻ điều trị tại tầng 2 với mức độ trung bình ở các BV đa khoa có khoa nhi; BV Trung ương, bộ, ngành. Trẻ điều trị tại các BV (tầng 3): Thanh Nhàn, Hà Đông, Đức Giang, Xanh Pôn và Sơn Tây; BV Trung ương, bộ, ngành.