Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Phát hiện gen lỗi để phòng chống ung thư từ gốc

Thu Ngân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ung thư và đột quỵ có thể chủ động phòng ngừa, giảm thiểu tình trạng tử vong, nếu được tầm soát và phát hiện sớm các gen bị lỗi và các tế bào có nguy cơ gây ung thư, dựa trên công nghệ giải mã gen mới- xét nghiệm Genopac.

Thống kê cho thấy, mỗi ngày Việt Nam có trung bình hơn 300 người chết vì ung thư, Việt Nam cũng là quốc gia có tỉ lệ mắc ung thư đứng 99/185 trên thế giới. Bên cạnh đó, mỗi năm ở Việt Nam có hơn 200.000 người bị đột quỵ, hơn 50% trong số đó tử vong và chỉ có 10% trong số những người sống sót là bình phục hoàn toàn- đây là căn bệnh có nguy cơ tử vong cao thứ 3 sau tim mạch, ung thư và đứng hàng đầu về tỉ lệ tàn tật. Điều đáng lo ngại, đó là số bệnh nhân đột quỵ trong độ tuổi 40-45 cũng đang gia tăng mạnh mẽ, chiếm 1/3 tổng số các trường hợp đột quỵ. Thậm chí, những người ở độ tuổi 20 hoặc trẻ hơn cũng đang có nguy cơ bị đột quỵ...
 Á hậu Quý bà Thế giới Nguyễn Thu Hương (thứ 3 từ trái sang) - từng là một bệnh nhân ung thư mong muốn đưa dự án Phòng chống ung thư từ gốc đến với cộng đồng Việt Nam
Một trong số các công nghệ mới nhất đang được ứng dụng tại nhiều quốc gia, nhằm tầm soát và phát hiện sớm nguy cơ của các căn bệnh này là thực hiện bộ xét nghiệm Genopac. Xét nghiệm được thực hiện dựa trên phân tích mô tế bào nước bọt được lấy từ niêm mạc má bằng công nghệ không xâm lấn và rất dễ thực hiện cho bất cứ ai. Đây là công nghệ giải mã gen mới, dựa trên nền tảng Chương trình bộ gen người (Human Genome Program), được sáng lập bởi giáo sư, bác sĩ Kampon Sriwatanakul (Thái Lan).
Theo đó, công nghệ giải mã gen này có khả năng phát hiện sớm các gen lỗi hoặc các tế bào có nguy cơ gây ra ung thư và một số bệnh mạn tính. Hiện, phương pháp này có thể tầm soát 26 loại ung thư và bệnh mãn tính ở nam giới và 27 loại ung thư và bệnh mãn tính ở nữ giới như: Ung thư tuyến giáp, ung thư thực quản, ung thư phổi, ung thư vú, ung thư tử cung, bệnh tăng huyết áp, nhồi máu cơ tim, đau nửa đầu…

Đặc biệt chú trọng việc phát hiện và ngăn chặn nguy cơ bệnh ung thư, trên nền tảng công nghệ này, Chương trình Phòng chống ung thư từ gốc- một dự án cộng đồng về chăm sóc sức khỏe mang ý nghĩa toàn cầu đã được Tổ chức InnoPro Thái Lan dựa trên nền tảng iCareBase triển khai thành công tại nhiều quốc gia trên thế giới. Tại Việt Nam, chương trình này được ủy quyền cho IFG Việt Nam với sự đồng hành của WLIN Global, bắt đầu triển khai từ đầu năm 2019. Dự án nhằm mục đích nâng cao nhận thức của cộng đồng về cách thức chủ động phòng chống ung thư, nhằm giảm tối thiểu tình trạng tử vong do ung thư gây ra.

Đại sứ toàn cầu của Chương trình Phòng chống ung thư từ gốc - Á hậu Quý bà Thế giới Nguyễn Thu Hương - người cũng từng là một bệnh nhân ung thư chia sẻ: Những kiến thức từ dự án sẽ giúp người thực hiện có thể biết được “gốc” gen của mình có mầm mống các loại ung thư và bệnh mãn tính hay không. Từ đó, có thể thay đổi lối sống phù hợp, có một chiến lược phòng trúng đích và chữa trúng đích dựa vào các cảnh báo về nguy cơ mà tấm bản đồ gen cung cấp. Bởi, việc phát hiện sớm để phòng và điều trị sớm ung thư luôn có tỉ lệ thành công cao, cũng như chi phí thấp hơn nhiều so với điều trị vào các giai đoạn muộn như phần lớn các bệnh nhân ung thư tại Việt Nam hiện nay.

Hiện tại, WLIN Global và IFG Việt Nam vẫn đang tiếp tục tìm kiếm những đại sứ cộng đồng trên khắp các tỉnh, thành Việt Nam nhằm truyền đi rộng rãi những thông điệp tích cực mà Chương trình Phòng chống ung thư từ gốc đã và đang hướng đến.