Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Phát hiện kho sách giáo khoa nghi giả, kiểm đếm 2 ngày mới xong

HP
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi-Ngày 19/7, Cục Quản lý thị trường tỉnh Hậu Giang cho biết, đơn vị đang tạm giữ hàng chục nghìn quyển sách giáo khoa có dấu hiệu giả mạo nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa, trị giá trên 1,3 tỷ đồng.

Theo đó, sau một thời gian dài theo dõi, giám sát, ngày 16/7/2024, Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 1, Cục QLLTT Hậu Giang, phối hợp với Phòng Cảnh sát Kinh tế - Môi trường Công an tỉnh, Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam tại Cần Thơ, chính quyền địa phương thực hiện kiểm tra địa điểm tập kết, lưu trữ, kinh doanh sách giáo khoa tại đường số 1, khu dân cư Tây Đô EcoPark, xã Tân Phú Thạnh, huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang.

Lực lượng chức năng tiến hành kiểm điếm, phân loại số sách giáo khoa có dấu hiệu giả mạo. Ảnh: QLTT
Lực lượng chức năng tiến hành kiểm điếm, phân loại số sách giáo khoa có dấu hiệu giả mạo. Ảnh: QLTT

Tại thời điểm kiểm tra, ông Nguyễn Phong Lai (trú huyện Thới Lai, TP Cần Thơ) nhận là chủ sở hữu hàng hóa và địa điểm kinh doanh không cung cấp được cho Đoàn kiểm tra Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Theo nhận định ban đầu của người đại diện Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam tại Cần Thơ, số sách giáo khoa trong kho mang nhãn hiệu, bao bì của Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam có dấu hiệu giả mạo. Ông Lai cũng không cung cấp được hóa đơn chứng từ có liên quan.

Tổng số lượng sách giáo khoa mang nhãn hiệu, bao bì của Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam (SGK các loại từ lớp 1 đến lớp 12) có dấu hiệu giả mạo là 1.210 thùng.

Để đảm bảo thời gian, tiến độ thực hiện cuộc kiểm tra, Cục QLTT đã huy động toàn bộ công chức các phòng, đội thuộc Cục cùng Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam tại Cần Thơ phối hợp, hỗ trợ để niêm phong, tạm giữ và vận chuyển về kho của Cục để tiến hành kiểm điếm, phân loại số lượng, chủng loại.

Đến chiều ngày 18/7/2024, qua 2 ngày kiểm điếm, phân loại, tổng số lượng sách giáo khoa có dấu hiệu giả mạo là 79.103 quyển các loại, tổng trị giá hàng hóa được tính theo giá ghi trên sách giáo khoa là 1.375.413.000 đồng.

Đây là vụ việc được phát hiện và bắt giữ lớn nhất từ trước đến nay trên địa bàn tỉnh Hậu Giang liên quan sách giáo khoa giả. Lực lượng chức năng đang tiếp tục xem xét, xử lý theo quy định pháp luật.

Để chuẩn bị cho năm học mới 2024-2025, Cục QLTT tỉnh Hậu Giang khuyến cáo phụ huynh và các em học sinh khi lựa chọn mua sách giao khoa để học nên lựa chọn địa điểm kinh doanh uy tín trên địa bàn tỉnhvà chú ýmặt trước bìa sách có in “NHÀ XUẤT BẢN GIÁO DỤC VIỆT NAM”, mặt sau của trang bìa sách giáo khoa có tem chống giả.