Phát hiện lúa mỳ biến đổi gen ảnh hưởng xuất khẩu

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Theo hãng tin Reuters, trong giai đoạn 1998-2005, Monsanto đã thử nghiệm các giống lúa mỳ vụ Xuân Roundup-Ready có khả năng kháng thuốc diệt cỏ trên diện tích 4.000 mẫu Anh ở 17 bang.

Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) vừa phát hiện các cây lúa mỳ biến đổi gen mà họ chưa cho phép bán hoặc tiêu thụ mới nhú lên trên một cánh đồng, vốn trồng lúa mỳ vụ Đông trong năm 2012, của một trang trại ở bang Oregon.

 
Phát hiện lúa mỳ biến đổi gen ảnh hưởng xuất khẩu - Ảnh 1
 
Ảnh minh họa. (Nguồn: qdfeed.com)

Các quan chức USDA cho biết khi người chủ trang trại này xịt thuốc diệt cỏ glyphosate lên các cây lúa mỳ này, một số cây đã sống sót một cách đáng ngạc nhiên. Sau đó, một số mẫu cây đã được chuyển về Đại học bang Oregon và USDA để phân tích.

Kết quả phân tích cho thấy đây là giống lúa mỳ do tập đoàn công nghệ sinh học Monsanto phát triển một vài năm trước, có khả năng kháng thuốc diệt cỏ glyphosate.

Tại Oregon, giống lúa mỳ này được trồng thử nghiệm trên 9 cánh đồng trong giai đoạn từ 1999-2001. Hai năm trước, Monsanto cho biết họ đang nghiên cứu các giống lúa mỳ biến đổi gen cho năng suất cao hoặc chống chọi với hạn hán nhưng họ sẽ không nghiên cứu lúa mỳ kháng thuốc diệt cỏ.

Theo USDA, một vài năm trước, Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ đã khẳng định giống lúa mỳ biến đổi gen này không gây nguy cơ gì cho sức khỏe con người. Tuy nhiên, giống lúa mỳ này chưa từng được đem ra sử dụng do sự phản đối trên khắp thế giới đối với các loại lúa mỳ biến đổi gen.

Hiện tại, Monsanto đang hỗ trợ cuộc điều tra. Các quan chức USDA từ chối cung cấp thông tin về trang trại này cũng như danh tính của người chủ trang trại. Họ cũng cho biết họ chưa xác định được liệu cây lúa mỳ này là giống lúa mỳ vụ Đông hay vụ Xuân.

Các quan chức USDA cũng khẳng định chưa có dấu hiệu nào cho thấy lúa mỳ biến đổi gen đã xuất hiện trên thị trường thương mại.

Phát biểu với các phóng viên, quyền Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp Mỹ Michael Scuse cho biết các đối tác thương mại và các khách hàng nhập khẩu lúa mỳ của Mỹ đã được thông báo về phát hiện trên.

Theo ông Scuse, USDA đang điều tra xem giống lúa mỳ biến đổi gen này làm thế nào có thể xuất hiện tại nông trại trên khi không có hạt giống nào có mặt trên thị trường trong một vài năm qua.

Lúa mỳ là một loại lương thực chủ chốt để làm bánh mỳ, bánh kẹo, mỳ và một số loại thực phẩm khác. Khoảng 50% lượng lúa mỳ sản xuất tại Mỹ được sử dụng để xuất khẩu. Các khách hàng chính của nước này gồm châu Âu, Mexico, Nhật Bản, Nigeria, Philippines và Hàn Quốc.

Hãng tin Reuters dẫn lời ông Alan Tracy, Chủ tịch Hiệp hội Lúa mỳ Mỹ, cho biết nhiều khách hàng châu Á đặc biệt nhạy cảm với các vấn đề liên quan tới các cây trồng biến đổi gen.

Trong khi đó, nhà phân tích Roy Huckabay của tập đoàn Linn Group ở Chicago nhận định “trong một thời gian nhất định, sẽ không ai muốn mua lúa mỳ sản xuất ở khu vực Tây Bắc Thái Bình Dương của Mỹ”.

Về phần mình, tập đoàn Monsanto đã hạ thấp tính nghiêm trọng của vụ việc này khi khẳng định “mặc dù các kết quả kiểm tra của USDA là khá bất ngờ nhưng có lý do đáng kể để tin rằng sự xuất hiện của khả năng kháng thuốc diệt cỏ Roundup trong lúa mỳ, nếu được xác định là có thật, là rất hạn chế”.

Mỹ hiện vẫn chưa có loại thiết bị kiểm tra nào được cấp phép để nhận biết lúa mỳ biến đổi gen. USDA cho biết họ đang phát triển một loại dụng cụ có khả năng kiểm tra nhanh.

Theo quy định hiện hành ở Mỹ, các loại cây trồng biến đổi gen không được trồng nếu không được phép của Chính phủ sau khi trải qua cuộc kiểm tra để đảm bảo rằng chúng không gây ra nguy hại cho môi trường hoặc con người.

Hiện tại, nông dân Mỹ mới trồng ngô, đậu tương và bông biến đổi gen. Tuy nhiên, những người chỉ trích công nghệ này đang thúc giục chính quyền Mỹ ban hành luật yêu cầu các công ty phải gắn nhãn thực phẩm biến đổi gen lên các sản phẩm này.
 
 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần