Phát hiện nguồn nước ngầm siêu sạch tại Hà Nội

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Các chuyên gia Liên đoàn Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước miền Bắc vừa phát hiện tầng nước ngầm mới tại Hà Nội. Với trữ lượng cực lớn và chất lượng đảm bảo, nguồn nước ngầm này sẽ “giải khát” cho các khu đô thị mới đang bức xúc vì thiếu nước sạch sinh hoạt.

Ô nhiễm, suy kiệt

Theo Sở TN-MT Hà Nội, hiện nay, tổng mức khai thác nước ngầm của toàn thành phố khoảng 700.000m3/ngày đêm. Dự báo, tới năm 2020, mức khai thác sẽ tăng gấp đôi, lên tới mức 1,4 triệu m3/ngày đêm. Theo thống kê chưa đầy đủ, trên địa bàn thành phố hiện có hơn 170.000 giếng khai thác nước ngầm, chủ yếu tập trung ở khu vực phía Nam thành phố. Trong đó, tổng số giếng tư nhân (thuộc các hộ gia đình) lên tới trên 100.000 chiếc.

Hàng trăm nghìn chiếc “vòi bạch tuộc” này không chỉ hút cạn nước ngầm ở cả 2 tầng Holocen và Pleistocen mà còn gây ô nhiễm nghiêm trọng cho các tầng này. Điển hình là khu vực Hà Đông. Kết quả quan trắc mực nước tại hai công trình quan trắc bố trí vào khu vực khai thác nước dưới đất khối lượng lớn (Nhà máy nước Hà Đông) cho thấy, mực nước có xu thế giảm với biên độ khoảng 0,47m/năm.
 
 
Phát hiện nguồn nước ngầm siêu sạch tại Hà Nội - Ảnh 1
 
Tầng chứa nước Neogen là lối thoát cho các khu vực nước ngầm đang bị suy thoái hoặc nhiễm bẩn

Đáng chú ý, các kết quả quan trắc nguồn nước dưới đất ở Hà Nội vài năm gần đây cho thấy, nguồn nước dưới đất có dấu hiệu gia tăng ô nhiễm. Kết quả phân tích thành phần hóa học chỉ ra, trong cả hai tầng chứa nước, có một số chỉ tiêu cao hơn giới hạn cho phép, trong đó chủ yếu là hàm lượng amoni, asen và hàm lượng hữu cơ. Các yếu tố này đang có xu thế tăng theo thời gian cả về hàm lượng, diện tích phân bố và tập trung chủ yếu tại những khu vực có các nguồn có khả năng gây ô nhiễm cao như các bãi rác thải, khu công nghiệp, ở những vùng mực nước hạ thấp sâu, nơi tập trung chứa lượng nước thải lớn như Thanh Xuân, Thanh Trì, Hoàng Mai, Từ Liêm, Gia Lâm và Long Biên, Đan Phượng, Hoài Đức, Thanh Oai, Hà Đông. Ngoài ra, tại các huyện Phú Xuyên, Thường Tín, nước có độ khoáng hóa lớn hơn 1g/l.

Đặc biệt, tại các khu vực đông dân cư ở phía Nam thành phố, tầng chứa nước Halocen bắt đầu nhiễm amoni, vi sinh vật và các vi nguyên tố khác. Ở cả 2 tầng chứa nước mà thành phố đang khai thác, hàm lượng sắt, măng-gan, các hợp chất nitơ đều vượt quá giới hạn cho phép. Đặc biệt, ở tầng thứ nhất, các chất bẩn đã bắt đầu xuất hiện do nước thải, chất thải và phân bón xâm nhập qua các lỗ khoan. Từ vài năm trở lại đây, các hộ dân sử dụng nước ngầm ở khu vực phía Nam thành phố như Thanh Trì, Hoàng Mai, Hai Bà Trưng... đều phải sử dụng hệ thống lọc mới có thể sử dụng trong sinh hoạt bởi nước ngầm thường có mùi tanh rất khó chịu.

Nguồn hy vọng mới

Ông Tống Ngọc Thanh, Liên đoàn trưởng Liên đoàn Quy hoạch & Điều tra tài nguyên nước miền Bắc (LĐQH&ĐTTNN) cho biết, khoảng 10 năm gần đây, các nhà địa chất thủy văn đã quan tâm tới nguồn nước dưới đất tầng Neogen vùng TP Hà Nội.

Vừa qua, LĐQH&ĐTTNN đã hoàn thành Đề án “Điều tra, nguồn nước dưới đất tầng Neogen vùng thành phố Hà Nội” với vùng nghiên cứu có diện tích 872km2. Đề án đã làm rõ sự phân bố theo diện và chiều sâu của các trầm tích Neogen trong khu vực, có độ sâu từ mặt đất xuống khoảng 60-110m. Các trầm tích của hệ tầng Vĩnh Bảo phân bố đến độ sâu 197- 447m. Lỗ khoan TD9 ở Bình Minh, Khoái Châu sâu 600m vẫn chưa khoan hết hệ tầng Tiên Hưng. Nhiều lỗ khoan đã gặp nước, có lưu lượng khá tốt. Về cơ bản, nước trong tầng Neogen có chất lượng tốt đáp ứng nhu cầu sử dụng cho sinh hoạt và sản xuất. Thậm chí, ở một số địa điểm đã đưa vào khai thác, phục vụ cấp nước cho ăn uống sinh hoạt như Linh Đàm, Định Công, Pháp Vân (quận Hoàng Mai).

Theo kết quả điều tra, tầng chứa nước Neogen phía Nam Hà Nội nhiều vùng giàu nước. Quan trọng hơn, chất lượng nước tốt, hàm lượng sắt ít, các yếu tố vi sinh, vi lượng đều dưới mức cho phép. Đề án đã xác định được các vùng có triển vọng khai thác nước lớn trong tầng chứa nước hệ tầng Vĩnh Bảo và đánh giá được trữ lượng tiềm năng nước dưới đất của các trầm tích hệ tầng Vĩnh Bảo lên tới 1.642.925m3/ngày.

Đặc biệt, có nơi phát hiện nguồn nước có lưu lượng lớn ở nhiệt độ 36 độ C, thuộc loại nước khoáng ấm. Ông Tống Ngọc Thanh nói: “Kết quả điều tra tầng chứa nước Neogen vùng thành phố Hà Nội cho thấy triển vọng nguồn nước mới có chất lượng rất tốt, có thể khai thác để sử dụng cho ăn uống sinh hoạt hoặc ngành sản xuất công nghiệp (dệt may, điện tử) cần nguồn nước có chất lượng tốt… Ngoài ra, nguồn nước khoáng ấm có thể khai thác để phát triển du lịch”. Đương nhiên, vì ở độ sâu lớn hơn các tầng nước ngầm hiện đang khai thác, chi phí đầu tư ban đầu có thể lớn hơn. Song, theo các chuyên gia, lợi ích về lâu dài là rất rõ bởi ưu thế về chất lượng và trữ lượng của nguồn nước này.

 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần