Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Phát hiện xử lý 4.949 vụ kinh doanh khẩu trang, nước sát khuẩn không nguồn gốc

Lê Nam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 22/2 Tổng cục Quản lý thị trường thông tin hiện nhu cầu về trang thiết bị phòng dịch, đặc biệt là khẩu trang y tế, nước sát khuẩn tăng cao.

Theo báo cáo của lực lượng Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các cơ sở kinh doanh cơ bản đã chấp hành nghiêm việc niêm yết giá và bán theo giá niêm yết. Tuy nhiên, do nguồn hàng cung cấp còn hạn chế dẫn đến tình trạng khan hiếm hàng hóa phục vụ phòng, chống dịch bệnh, đặc biệt là mặt hàng khẩu trang y tế.
Trong ngày 22/2 các Cục Quản lý thị trường cả nước qua kiểm tra đã phát hiện xử lý 17 vụ vi phạm kinh doanh khẩu trang, nước sát khuẩn, xử phạt 16,8 triệu đồng; tạm giữ 110.485 chiếc khẩu trang. Tính chung từ ngày 31/1 đến ngày 22/2, lực lượng quản lý thị trường cả nước đã kiểm tra, xử lý 4.949 vụ vi phạm.
Ngày 21/2, Đội Quản lý thị trường 4 (Cục Quản lý thị trường Hà Nội) phối hợp với Công an quận Đống Đa khám xe ô tô mang biển kiểm soát 30F-944.62. Tại thời điểm khám, đã phát hiện xe ô tô đang vận chuyển 1.016 chiếc khẩu trang 3M không rõ nguồn gốc xuất xứ. Lực lượng chức năng  đã lập biên bản tạm giữ toàn bộ số hàng trên để tiếp tục xác minh, làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật.
 QLTT kiểm tra cửa hàng tân dược kinh doanh khẩu trang

Tại TP Hồ Chí Minh ngày 21/2, Đội Quản lý thị trường số 10 kiểm tra cửa hàng dụng cụ y khoa, trang thiết bị y tế, địa chỉ: 68 đường Thành Thái, Phường 12, Quận 10. Tại thời điểm kiểm tra Đội phát hiện cơ sở đang kinh doanh 747 khẩu trang và 9.427 dao mổ, kim lấy máu, đai bụng,… không rõ nguồn gốc xuất xứ. Đội lập biên bản tạm giữ toàn bộ số hàng trên để tiếp tục xác minh, xử lý theo quy định. Ngày 2/2,  Đội Quản lý thị trường số 12 tiến hành khám xe ô tô mang biển kiểm soát 78C-056.69 đang đỗ trước địa chỉ nhà số D14 đường D2 Hoa Trà khu đô thị Hiệp Thành City, phường Hiệp Thành, Quận 12. Tại thời điểm khám, trên xe đang vận chuyển 104.650 khẩu trang nhãn hiệu LeHaCo, VP PROMAX, 4Umask, VPMASK, USA PRO. Chủ hàng là bà Hà Hoàng Trúc Anh cho biết đã mua gom từ nhiều nguồn để xuất bán sang Campuchia. Đội lập biên bản tạm giữ toàn bộ số khẩu trang có dấu hiệu mua gom hàng khi thị trường có biến động về cung cầu để tiếp tục xác minh, xử lý theo quy định.
Trước đó, ngày 20/2, tại tình Bình Dương, đoàn kiểm tra liên ngành gồm Đội Quản lý thị trường số 5 và Đội Cảnh sát kinh tế Công an Thị xã Dĩ An kiểm tra cơ sở sản xuất khẩu trang do ông Cao Hoàng Mai làm chủ, tại địa chỉ: số 199 đường Phú Châu, khu phố Bình Đường 3, phường An Bình, thị xã Dĩ An. Tại thời điểm kiểm tra, Đoàn kiểm tra phát hiện cơ sở đang sản xuất 2 loại khẩu trang nhãn hiệu Ngô Trung và Famima nhưng không đăng ký kinh doanh, không công bố chất lượng sản phẩm theo quy định. Đoàn kiểm tra tạm giữ 15.000 khẩu trang thành phẩm và giao Đội Cảnh sát kinh tế tiếp tục điều tra, xác minh để xử lý theo quy định.