Phát huy nguồn lực

Trần Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Một Nghị quyết tổng thể về nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác, sử dụng và phát huy các nguồn lực của nền kinh tế vừa được Bộ Chính trị ban hành.

Không chỉ đưa ra những mục tiêu cần đạt đến, Nghị quyết còn chỉ rất rõ về thực trạng, về giải pháp, nhiệm vụ để phát huy hiệu quả nhất các nguồn lực về nhân lực, vật lực, tài lực. Có thể nói, đây chính là cơ sở rất quan trọng để khắc phục các tồn tại, yếu kém hiện nay, đặc biệt là trong khai thác, sử dụng nguồn lực quý là đất đai, tài nguyên, khoáng sản.

Đất đai, tài nguyên thiên nhiên là một trong những nguồn lực quan trọng để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nhưng không phải là vô hạn, nếu không quản lý và khai thác hiệu quả, có chiến lược sử dụng dài hạn nguồn lực này thì sẽ sớm bị mất đi. Đó là quan điểm đã được khẳng định rất nhiều lần. Chính Nghị quyết lần này cũng đã chỉ rõ những hạn chế trong quản lý nguồn lực này như diện tích đất sử dụng kém hiệu quả hoặc chưa sử dụng còn lớn; nhiều địa phương buông lỏng quản lý dẫn đến tình trạng đất bị hoang hóa, bị lấn chiếm, tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng gây thất thu ngân sách nhà nước. Rồi năng lực khai thác tài nguyên khoáng sản còn nhiều hạn chế, công nghệ chậm được đổi mới. Tình trạng khai thác tài nguyên khoáng sản, nguồn nước ngầm quá mức gây lãng phí và hủy hoại môi trường còn xảy ra ở nhiều nơi…

Nhìn từ thực tế cũng có thể thấy, việc sử dụng nguồn lực sẵn có này đang rất lãng phí khi công tác quy hoạch đất đai còn nhiều bất cập, thể hiện ở hàng loạt các dự án khu công nghiệp, khu chế xuất, không được lấp đầy, hàng loạt dự án treo chậm triển khai trong thời gian rất dài mà ở địa phương nào cũng có. Rồi những mảnh đất có vị trí ví như vàng, kim cương, nhưng dự án xây trên đó lại dở dang, hoặc xây rồi bỏ đó không sử dụng. Trong sử dụng đất rừng, đất nông nghiệp cũng liên tục xảy ra những “lùng bùng” vì vi phạm. Chưa kể đến tình trạng sai phạm trong quản lý, sử dụng đất trong và sau cổ phần hoá gây thất thoát lớn tài sản nhà nước. Những câu hỏi có hay không lợi ích nhóm trong cổ phần hóa, gây thất thoát nguồn lực, biến đất công trở thành đất tư… cũng liên tục được đặt ra. Với tài nguyên, khoáng sản, việc làm sao khai thác hợp lý, không để cạn kiệt, không để mất đi hoàn toàn vẫn luôn là những là những vấn đề gây “đau đầu” nhà quản lý.

Với Nghị quyết lần này, nhiều giải pháp, nhiệm vụ trong quản lý các nguồn lực nói chung và nguồn lực từ thiên nhiên này nói riêng đã được đưa ra. Từ xây dựng cơ chế, chính sách, giải pháp cụ thể hóa quan điểm kinh tế hóa tài nguyên khoáng sản, đến rà soát diện tích đất và tình hình đất đã giao cho các chủ sử dụng, nhất là các DN nhà nước, DN có vốn nhà nước quy mô lớn. Rồi xử lý triệt để bất cập trong quản lý, sử dụng đất của các công ty nông, lâm nghiệp, nhất là tình trạng lấn chiếm, chuyển nhượng, chuyển mục đích, cho thuê, cho mượn, giao khoán. Nghị quyết cũng đề cập đến việc áp dụng phương pháp tiên tiến trong quản trị tài nguyên khoáng sản. Tiến tới đấu thầu quyền khai thác mỏ, hoạt động khai thác và một số hoạt động phụ trợ khai thác mỏ; xử lý nghiêm việc khai thác tài nguyên không phép, trái phép…

Cùng với những quy định pháp luật đã có, những quan điểm chỉ đạo lần này sẽ thúc đẩy việc sử dụng, phát huy hiệu quả hơn nguồn lực dù là sẵn có. Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cũng mong muốn, phải triệt tiêu được cả những vụ tham nhũng, “lợi ích nhóm” đủ chiêu trò trong đầu tư công, quản lý đất đai, tài nguyên; sang nhượng, bán mua đất đai công sản mà dư luận lâu nay bất bình, để tránh thất thoát nguồn lực quý.