Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Phát huy quyền làm chủ của Nhân dân để tạo bước phát triển vượt bậc

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 18/1, tại Hà Nội, Bộ Tư pháp phối hợp với Văn phòng Chính phủ đã tổ chức “Hội nghị triển khai công tác pháp chế các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ năm 2014”.

Theo báo cáo của Bộ Tư pháp, năm 2013, công tác xây dựng pháp luật được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, ưu tiên hàng đầu trong công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ được các Bộ, cơ quan, đơn vị triển khai quyết liệt và đạt được những kết quả tích cực thể hiện ở một số điểm nổi bật như: Tổ chức lấy ý kiến nhân dân về dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, công tác xây dựng, thẩm định văn bản quy phạm pháp luật, công tác đàm phán, ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế và thỏa thuận quốc tế, công tác kiểm soát thủ tục hành chính, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, công tác quản lý về xử lý vi phạm hành chính, công tác theo dõi thi hành pháp luật, công tác bồi thường của Nhà nước, kiện toàn tổ chức và tăng cường đội ngũ làm công tác pháp chế, về lãnh đạo, chỉ đạo công tác pháp chế.

 
 Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các đại biểu tham dự hội nghị.
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các đại biểu tham dự hội nghị.
Nhiệm vụ chủ yếu của năm 2014 là tập trung tuyên truyền, phổ biến, quán triệt nội dung Hiến pháp năm 2013 bảo đảm hiệu quả, nâng cao nhận thức, hiểu biết về ý nghĩa, vai trò của Hiến pháp; tổ chức quán triệt Nghị quyết của Quốc hội, triển khai thực hiện kế hoạch của Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ về tổ chức thi hành Hiến pháp năm 2013.

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc biểu dương và đánh giá cao những nỗ lực và kết quả công tác pháp chế mà các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ đã làm được trong thời gian qua.

Phó Thủ tướng cũng thẳng thắn chỉ ra những mặt hạn chế của công tác pháp chế: “Ngoài những mặt tích cực, công tác pháp chế vẫn chưa được quan tâm đúng mức, chưa thể hiện đúng vai trò trong quản lý Nhà nước, quản lý xã hội trong một Nhà nước pháp quyền dẫn đến tác dụng, hiệu quả chưa rõ rệt, đậm nét. Công tác pháp chế chưa đi vào thực chất, vẫn còn mang tính hình thức, chưa phục vụ đắc lực cho hoạt động quản lý, điều hành cho việc giải quyết các vấn đề của Nhà nước và xã hội. Còn tồn tại tình trạng tổ chức pháp chế thì có nhưng chưa thể hiện đúng vị trí, vai trò dẫn đến thực tế là đã có nhiều vụ việc, tranh chấp phát sinh, gây hậu quả nghiêm trọng. Đây là lúc phải nghiêm túc nhìn nhận, đánh giá đúng thực chất để quyết tâm khắc phục hạn chế, tồn tại để đổi mới, nâng cao chất lượng công tác pháp chế”.

Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu, trong năm 2014, với những phương hướng và nhiệm vụ trọng tâm, các giải pháp chủ yếu đã được xác định tại các Nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội của Quốc hội, Chính phủ, từ tầm quan trọng của công tác pháp chế, đề nghị các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ cần có các giải pháp, kế hoạch cụ thể, phù hợp để khắc phục những tồn tại, hạn chế trong thời gian qua để quan tâm thực hiện tốt các mặt công tác, trong đó cần đặc biệt chú trọng đến công tác cải cách thủ tục hành chính, góp phần tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.

“Thông điệp năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ là hoàn thiện thể chế, phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, tạo nền tảng phát triển nhanh và bền vững, tạo ra những bước phát triển vượt bậc của đất nước”, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.