Đời sống âm nhạc Thăng Long - Hà Nội
Nhắc đến đời sống âm nhạc của Thăng Long - Hà Nội, không thể không kể đến hát xẩm - loại hình nghệ thuật đã tồn tại và lưu truyền qua nhiều thế hệ. Trong dòng chảy văn hóa nghìn năm của mảnh đất kinh kỳ, hát xẩm không chỉ là một loại hình nghệ thuật mà còn là phần hồn gắn bó với đời sống của người dân.
Hà Nội là nơi hội tụ của nhiều nền văn hóa, tôn giáo và những lối sống khác nhau. Trong không gian văn hóa sống động đó, hát xẩm đã sinh sôi, phát triển và trở thành một phương tiện phản ánh đời sống sinh hoạt, những sự kiện lịch sử và biến động xã hội. Thấm đẫm trong từng làn điệu là tâm tình của người dân Thăng Long - Hà Nội qua biết bao thăng trầm lịch sử.
Theo đạo diễn sân khấu, NSND Thanh Ngoan, Hà Nội xưa với phố phường nhộn nhịp, đông đúc, đã tạo ra một môi trường lý tưởng để hát xẩm phát triển. Những con phố như Hàng Bạc, Hàng Gai, Hàng Đào là nơi các nghệ sĩ hát xẩm thường xuyên lui tới để biểu diễn, vừa để kiếm sống, vừa để giao lưu văn hóa.
Với lời ca mộc mạc, giai điệu trầm bổng, hát xẩm đã phản chiếu sinh động những biến chuyển của xã hội và lịch sử. Đặc biệt, trong những năm tháng đất nước còn gian khó, hát xẩm trở thành nguồn động viên tinh thần lớn lao cho Nhân dân. Những bài xẩm nổi tiếng như “Dạo chơi Long Thành”, “Chợ Đồng Xuân”... không chỉ là lời ca, tiếng hát đơn thuần mà còn mang theo thông điệp lạc quan, yêu đời, thể hiện niềm tin vào tương lai tươi sáng.
Không chỉ dừng lại ở giá trị nghệ thuật, hát xẩm còn được xem như “cuốn biên niên sử” bằng âm nhạc của người dân Thăng Long - Hà Nội. Những nghệ sĩ hát xẩm là những “người kể chuyện” tài hoa, khắc họa chân thực các sự kiện lịch sử, câu chuyện dân gian hay nét đẹp phong tục truyền thống.
Ngoài ra, trong thời kỳ chiến tranh, hát xẩm còn trở thành vũ khí tuyên truyền hiệu quả, kêu gọi tinh thần đoàn kết, lòng yêu nước và khơi dậy niềm tin chiến thắng trong Nhân dân. Tác phẩm “Bắc tỉnh ca” là một minh chứng rõ nét cho sức mạnh lan tỏa của nghệ thuật xẩm trong những thời khắc cam go của đất nước.
“Nghệ thuật xẩm đã góp phần làm phong phú đời sống tinh thần của người dân Hà Nội qua nhiều thế hệ. Hát xẩm không chỉ là tiếng hát của những nghệ sĩ dân gian mà còn là sự kết nối giữa quá khứ và hiện tại, giữa con người và văn hóa, giữa tình yêu quê hương đất nước và niềm tự hào dân tộc” - NSND Thanh Ngoan chia sẻ.
Ngày nay, trong nhịp sống hiện đại, hát xẩm vẫn giữ một vị trí quan trọng trong đời sống văn hóa của Hà Nội. Nhiều chương trình biểu diễn hát xẩm được tổ chức thường xuyên tại các địa phương, trong khi các câu lạc bộ, hội nhóm đang nỗ lực không ngừng để bảo tồn và phát huy giá trị của loại hình nghệ thuật độc đáo này.
Những câu lạc bộ hát xẩm mang đậm dấu ấn Hà Nội như Xẩm Hà Thành, Xẩm Tầu Điện, Thăng Long Xẩm, Xẩm 36 phố phường hay Xẩm Hà Nội... chính là minh chứng rõ nét cho mối liên kết bền chặt giữa hát xẩm và mảnh đất kinh kỳ. Hát xẩm không chỉ vượt qua thử thách của thời gian mà còn là dấu ấn đậm nét, góp phần làm rạng rỡ thêm bản sắc văn hóa Thăng Long - Hà Nội nghìn năm văn hiến.
Góp phần xây dựng hệ giá trị văn hóa
Âm nhạc từ lâu đã đóng vai trò quan trọng trong đời sống văn hóa, góp phần giáo dục nhân cách, định hình các giá trị đạo đức và nâng cao nhận thức về các mối quan hệ xã hội. Với khả năng khơi dậy cảm xúc và nuôi dưỡng tâm hồn, âm nhạc trở thành sức mạnh tinh thần, giúp con người hướng tới những giá trị chân - thiện - mỹ.
Thiếu tướng, nhạc sĩ Nguyễn Đức Trịnh - Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam khẳng định, âm nhạc Hà Nội không chỉ phản ánh lịch sử mà còn góp phần xây dựng hệ giá trị văn hóa riêng biệt của Thủ đô nghìn năm văn hiến.
Cách mạng tháng Tám 1945 không chỉ mở ra kỷ nguyên độc lập, tự do cho dân tộc mà còn đánh dấu một bước ngoặt trong nền âm nhạc Thủ đô. Trong không khí hào hùng của thời kỳ này, các nhạc sĩ Hà Nội đã sáng tạo nên những tác phẩm bất hủ, mở ra một nền âm nhạc mang đậm hơi thở dân tộc bất chấp điều kiện khắc nghiệt của chiến tranh, khắc họa hình ảnh Thủ đô kiên cường qua các ca khúc nổi tiếng như “Người Hà Nội” của Nguyễn Đình Thi hay “Bài ca Hà Nội” của Vũ Thanh.
Sau đại thắng mùa Xuân năm 1975, hai miền Nam - Bắc sum họp trong niềm hân hoan xây dựng đất nước, âm nhạc Hà Nội lại bước vào giai đoạn mới với gam màu tươi sáng, ca ngợi tinh thần phấn khởi, hăng say lao động, sản xuất của quân và dân ta.
Những tác phẩm như “Nhớ mùa Thu Hà Nội” của Trịnh Công Sơn, “Hà Nội mùa Thu” của Vũ Thanh, “Một thoáng Tây Hồ” của Phó Đức Phương... đã miêu tả nét đẹp thanh lịch, trữ tình của Hà Nội qua từng góc phố, hàng cây và cốt cách hào hoa của con người nơi đây.
Kể từ năm 1986, khi đất nước bước vào thời kỳ đổi mới và chuyển từ nền kinh tế tập trung bao cấp sang kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, nhiều bài hát về Hà Nội ra đời thúc giục con người hăng hái tăng gia lao động sản xuất, phản ánh vẻ đẹp của thiên nhiên và con người Hà Nội. Những tác phẩm này vẽ nên một bức tranh đa sắc về Hà Nội, phản ánh quá trình đổi mới qua những thăng trầm và sự vươn lên mạnh mẽ, tươi mới của mảnh đất anh hùng.
Với bề dày lịch sử và giá trị văn hóa đặc sắc, Hà Nội không chỉ nổi bật bởi vẻ đẹp thanh lịch, con người trang nhã mà còn là cái nôi ươm mầm và nuôi dưỡng nhiều thế hệ nghệ sĩ, nhạc sĩ tài năng. Theo đó, các cuộc thi sáng tác âm nhạc và chương trình biểu diễn âm nhạc về Hà Nội ngày càng phong phú, là động lực thúc đẩy các nhạc sĩ, nghệ sĩ sáng tạo những tác phẩm có giá trị cao, đáp ứng nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của quần chúng Nhân dân trong thời kỳ mới.
So với các loại hình nghệ thuật khác trong việc đưa cái đẹp vào tâm hồn con người, nâng cao trình độ thẩm mỹ, âm nhạc có ưu thế trong việc tiếp cận với mọi tầng lớp Nhân dân, mọi lứa tuổi, mọi địa bàn... Do vậy, để tiếp tục phát huy sức mạnh của âm nhạc trong việc xây dựng chuẩn mực con người Hà Nội thanh lịch, văn minh, Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam Nguyễn Đức Trịnh cho biết, cần gắn âm nhạc với những giá trị cốt lõi như yêu nước, đoàn kết, tự cường, nghĩa tình, trung thực, trách nhiệm, kỷ cương và sáng tạo.
“Việc này đòi hỏi sự phối hợp đồng bộ, bền bỉ và lâu dài giữa các nhà sáng tác, nhà lý luận, nghệ sĩ biểu diễn và đội ngũ giáo viên âm nhạc nhằm lan tỏa giá trị nghệ thuật đến công chúng ở mọi lứa tuổi” – nhạc sĩ Đức Trịnh nhấn mạnh.