Phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết để xây dựng, phát triển Thủ đô

Trần Long - Ảnh: Thanh Hải
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng yêu cầu, TP Hà Nội xác định rõ, sau 20 năm thực hiện Nghị quyết 23, tình hình mới đang tiếp tục đặt ra yêu cầu phải tăng cường, phát huy hơn nữa sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc để phát triển Thủ đô...

Chiều 16/11, Đoàn khảo sát của Ban Chỉ đạo T.Ư tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 12/3/2003 của Ban Chấp hành T.Ư Đảng (khoá IX) về “Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh” đã làm việc với Ban Thường vụ Thành uỷ Hà Nội.

Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng – Trưởng Ban Chỉ đạo T.Ư tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW và Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành uỷ Hà Nội Đinh Tiến Dũng chủ trì hội nghị.

Tham gia buổi làm việc, về phía đoàn khảo sát có Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Dân vận T.Ư Phạm Tất Thắng; Ủy viên dự khuyết T.Ư Đảng, Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh Bùi Quang Huy. Về phía TP Hà Nội có Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ Nguyễn Thị Tuyến; Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Ngọc Tuấn; Phó Bí thư Thành uỷ Nguyễn Văn Phong, cùng các Ủy viên ban Thường vụ Thành uỷ.

Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ Nguyễn Thị Tuyến trình bày báo cáo tại hội nghị.
Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ Nguyễn Thị Tuyến trình bày báo cáo tại hội nghị.

Mối quan hệ giữa đảng với Nhân dân được nâng lên

Trình bày báo cáo tại hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ Nguyễn Thị Tuyến cho biết, sau 20 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW và các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Thành ủy Hà Nội, có thể khẳng định những kết quả đạt được đã tạo bước chuyển biến tích cực về nhận thức của cán bộ, đảng viên và Nhân dân về việc phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong thực hiện các nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ an ninh quốc phòng, đảm bảo trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn TP.

Các cấp ủy đã tập trung lãnh đạo, triển khai thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, công tác dân tộc, công tác tôn giáo và góp phần quan trọng vào việc hoàn thành nhiệm vụ xây dựng Đảng, củng cố hệ thống chính trị các cấp; tăng cường mối quan hệ gắn bó máu thịt giữa Đảng với Nhân dân; sự đồng thuận của Nhân dân đối với đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước ngày càng cao.

Ngoài ra, kinh tế - xã hội của TP có sự phát triển nhanh, bền vững. Tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo giảm mạnh; đời sống tinh thần, vật chất của Nhân dân ngày càng được nâng cao; an sinh xã hội được đảm bảo; việc thực hiện dân chủ tại cơ sở ngày càng được quan tâm, các vấn đề xã hội, dân sinh bức xúc được giải quyết kịp thời ngay tại cơ sở. Tổ chức MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội các cấp từ TP đến cơ sở tiếp tục được củng cố, kiện toàn, chất lượng hoạt động được nâng lên. Vận động, tập hợp được đông đảo đoàn viên, hội viên tích cực tham gia phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội.

Cụ thể, giai đoạn 2011-2020, GRDP tăng 6,83%/năm (gấp 1,15 lần mức tăng chung của cả nước). Thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn tăng từ mức 120,3 triệu đồng/người năm 2019 lên 128,2 triệu đồng/người năm 2021 (gấp 1,4 lần so với bình quân cả nước và 1,2 lần so với bình quân vùng). Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều của Hà Nội giảm còn 0,16%. Tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn đạt 106,0% dự toán và có tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn là 12,2%/năm.

Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng phát biểu kết luận hội nghị.
Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng phát biểu kết luận hội nghị.

Ngoài ra, từ năm 2016-2021, các cơ quan, đơn vị của TP đã tiếp trên 243.240 lượt công dân, giải quyết trên 96.749 đơn các loại, chuyển cơ quan điều tra 28 vụ việc. Trong những năm gần đây, toàn TP đã tiếp nhận đăng ký, ủng hộ Quỹ “Vì người nghèo” với tổng số tiền trên 303 tỷ đồng. Từ nguồn Quỹ vận động được, đã hỗ trợ xây mới và sửa chữa 7.637 Nhà đại đoàn kết; hỗ trợ sinh kế cho 10.476 người nghèo. Vận động trên 132,5 tỷ đồng ủng hộ Nhân dân các tỉnh miền Trung khắc phục hậu quả mưa lũ; vận động trên 236 tỷ đồng ủng hộ Quỹ “Vì biển, đảo Việt Nam”…

Phát huy trách nhiệm của chính quyền các cấp trong quan hệ với dân

Kết luận buổi khảo sát, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng đánh giá cao Ban Thường vụ Thành ủy đã chỉ đạo phục vụ tốt các nội dung, yêu cầu của Đoàn khảo sát, báo cáo công phu, cụ thể, ý kiến thảo luận thẳng thắn, chân thành.

Theo Thường trực Ban Bí thư, trong 20 năm thực hiện Nghị quyết 23, với tinh thần gương mẫu, Đảng bộ Thủ đô đã thực hiện được nhiều nội dung, đạt nhiều kết quả nổi bật. Trong đó, chỉ sau 1 tháng Trung ương ban hành Nghị quyết, Thành ủy Hà Nội đã ban hành chương trình, đề án cụ thể hóa để thực hiện. Không chỉ nâng cao nhận thức, ngày càng sâu sắc hơn, vai trò của các thành phần hệ thống chính trị đều được thể hiện rõ; đã huy động được nguồn lực vật chất, tinh thần to lớn để xây dựng và phát triển Thủ đô đạt được những thành tựu quan trọng, toàn diện, có những dấu ấn nổi bật.

Hà Nội cũng đã cho thấy nhiều nhận thức mới, cơ chế, chính sách mới, phong trào mới. Trong đó có nhiều phong trào đi vào lòng dân, có sức lan toả lớn. Các phong trào như xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh, xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh, dân vận khéo có nhiều tiến bộ.

Lưu ý vẫn còn tồn tại những hạn chế, bất cập cần khắc phục, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng yêu cầu, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội xác định rõ, sau 20 năm thực hiện Nghị quyết 23, tình hình mới đang tiếp tục đặt ra yêu cầu phải tăng cường, phát huy hơn nữa sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc để xây dựng, phát triển Thủ đô và đất nước, nhất là trước những biến động trên thế giới vừa qua.

Bí thư Thành uỷ Đinh Tiến Dũng phát biểu tại hội nghị.
Bí thư Thành uỷ Đinh Tiến Dũng phát biểu tại hội nghị.

Theo Thường trực Ban Bí thư, việc tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết 23 và ban hành một nghị quyết mới là cần thiết và đây là thẩm quyền của Trung ương. Điều quan trọng trước mắt, để đạt mục tiêu đưa đất nước trở thành nước phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa vào năm 2045 thì quan trọng nhất là phải xây dựng được niềm tin trong dân về đường lối, hành động, sự trong sạch của đội ngũ cán bộ. Đây là điều rất quan trọng, bởi không có niềm tin thì không có động lực bước tới.

Thường trực Ban Bí thư nhấn mạnh, để xây dựng niềm tin, đòi hỏi phải chăm lo cho dân sao cho phù hợp với điều kiện, tình hình thực tiễn hiện nay. Đối với Hà Nội, phải nghiên cứu xem thiết kế đô thị thế nào để tăng thói quen tích cực như giúp cho người dân thích đi bộ, yêu đọc sách, có không gian để trau dồi văn hóa hơn.

Thành phố cũng phải tính toán để có chính sách huy động được các nguồn lực xã hội, nhằm giải quyết các vấn đề dân sinh, những bất cập còn tồn tại trong các lĩnh vực... Xây dựng các tổ chức chính trị xã hội, tổ chức quần chúng, các lực lượng xã hội; giữ vững đoàn kết từ trong nội bộ; phát huy vai trò, trách nhiệm của chính quyền các cấp trong quan hệ với dân.

Khẳng định qua khảo sát, Đoàn công tác đã thu hoạch được rất nhiều vấn đề để phục vụ tổng kết, tham mưu, Thường trực Ban Bí thư một lần nữa nhấn mạnh, vai trò, vị trí và thực tiễn sinh động của Thủ đô cũng như những kỳ vọng mà lãnh đạo Đảng, Nhà nước dành cho Hà Nội. Đồng thời đề nghị thành phố không những phải gương mẫu, đi đầu thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Trung ương mà còn phải góp phần hình thành và hoàn thiện các chủ trương, đường lối có sức lay động lòng người, có sức lan toả mạnh mẽ, mang lại những kết quả, chuyển biến rất rõ rệt trên từng lĩnh vực.

Quang cảnh hội nghị.
Quang cảnh hội nghị.

Thay mặt Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội, Bí thư Thành uỷ Đinh Tiến Dũng đã tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Thường trực Ban Bí thư, trên cơ sở đó tập trung hoàn thiện báo cáo; góp phần tổng kết và tham mưu để Trung ương sớm ban hành nghị quyết mới đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ phát triển đất nước trong thời gian tới.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần