Vậy sức mạnh nội sinh của văn hóa là gì, làm thế nào để phát huy trong thời kỳ mới là câu hỏi được đặt ra đối với đội ngũ trí thức làm công tác văn hóa văn nghệ sau Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021.Bài 1: Du lịch văn hóa “made in Vietnam”Trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát, giai đoạn 2015 - 2019, du lịch Việt Nam đã đạt được những dấu mốc ấn tượng với mức tăng trưởng bình quân về lượt khách đạt 22,7%/năm và về doanh thu đạt 20,7%/năm; riêng năm 2019, tổng thu từ du lịch đạt 755.000 tỷ đồng, đóng góp 9,2% vào GDP của cả nước. Trong đó, du lịch văn hóa đã khẳng định vai trò quyết định tạo nên kết quả ấn tượng này.
Điểm đến văn hóa hàng đầu châu ÁViệt Nam là đất nước có nguồn tài nguyên du lịch văn hóa phong phú và đa dạng. Dân tộc Việt Nam trải qua hàng ngàn năm lịch sử với 54 dân tộc mang đậm đà bản sắc văn hóa. Hiện nay, Việt Nam có 8 di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh được UNESCO công nhận là Di sản thế giới, trong đó có 5 di sản văn hóa, 2 di sản thiên nhiên và 1 di sản hỗn hợp thiên nhiên - văn hóa, 12 di sản văn hóa phi vật thể và 4 di sản tư liệu. Các Di sản thế giới được UNESCO công nhận đã tạo thay đổi diện mạo ngành du lịch của địa phương và nâng tầm vị thế cho du lịch di sản của Việt Nam trên bản đồ du lịch của thế giới.
Bên cạnh các di sản văn hóa được công nhận ở cấp độ toàn cầu, Việt Nam cũng sở hữu một hệ thống đồ sộ các di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh ở cấp độ quốc gia hoặc địa phương, trải dài khắp đất nước. Hệ thống các lễ hội, làng nghề truyền thống; văn hóa ẩm thực đặc sắc của các vùng miền, của các dân tộc; các di sản văn hóa - nghệ thuật, văn nghệ dân gian, các bảo tàng lưu giữ các chứng minh giá trị di di sản văn hóa dân tộc… Đây là những tài nguyên du lịch hết sức đặc sắc, mang tính đặc trưng văn hóa của Việt Nam, là nguồn lực quan trọng, tạo thế mạnh và sự khác biệt của du lịch Việt Nam.Trong ba năm liên tiếp, 2019 - 2021, Việt Nam được tổ chức Giải thưởng Du lịch thế giới (WTA) bình chọn là “Điểm đến văn hóa hàng đầu châu Á”. Điều đó cho thấy, giá trị di sản văn hóa của Việt Nam luôn có sức hấp dẫn, thu hút khách du lịch quốc tế. Trong giai đoạn 2015 - 2019 trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát, du lịch Việt Nam đã đạt được những dấu mốc ấn tượng với mức tăng trưởng trung bình về lượt khách đạt 22,7%/năm và về doanh thu đạt 20,7%/năm. Riêng năm 2019, lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam đạt 18 triệu lượt, tăng 16% so với năm 2018. Lượng khách du lịch nội địa đạt 85 triệu lượt khách. Tổng thu từ khách du lịch đạt 755.000 tỷ đồng, đóng góp 9,2% vào GDP của cả nước.Văn hóa tạo nên sự khác biệtPGS.TS Dương Văn Sáu - Trưởng khoa Du lịch, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội: “Du lịch lấy văn hóa làm nền tảng, còn văn hóa lấy du lịch làm động lực. Trong kinh tế du lịch, văn hóa là một trong những tài nguyên, nguồn lực quan trọng nhất; là một loại “nguyên liệu” để tạo ra những sản phẩm du lịch mang tính đặc thù”.Các sản phẩm du lịch văn hóa nổi bật và hấp dẫn du khách trong thời gian qua như du lịch tham quan di sản, nghiên cứu văn hóa lịch sử thông qua di sản, các bảo tàng sống và các bảo tàng trưng bày, tìm hiểu và trải nghiệm văn hóa truyền thống, đời sống văn hóa cộng đồng du lịch lễ hội, du lịch văn hóa ẩm thực, du lịch tâm linh… Nhiều sản phẩm như tham quan di sản văn hóa thế giới Cố đô Huế, phố cổ Hội An, di tích Thánh địa Mỹ Sơn, danh thắng Tràng An, tham gia các lễ hội truyền thống và đương đại như lễ hội Chùa Hương, lễ hội Yên Tử, lễ hội Bà Chúa Xứ, Festival Huế… đã nhận được sự quan tâm lớn của du khách và trở thành những sản phẩm du lịch có thương hiệu, hấp dẫn.“Có thể khẳng định, sản phẩm du lịch văn hóa chính là yếu tố tạo nên nét khác biệt cho hệ thống sản phẩm du lịch Việt Nam, kết nối và đa dạng hóa các tour, tuyến du lịch” - ông Nguyễn Trùng Khánh Tổng Cục trưởng Tổng Cục Du lịch Việt Nam cho hay. Ông Khánh nói thêm kết quả một cuộc điều tra cho thấy, hoạt động thăm quan di sản văn hóa tại Việt Nam là hoạt động được khách du lịch quốc tế ưa thích thứ 2, chỉ sau nghỉ dưỡng tắm biển. Các di sản khi đưa vào khai thác phục vụ phát triển du lịch thường tạo hiệu ứng tăng nhanh về số lượng khách du lịch. Lượng khách du lịch không chỉ bao gồm khách đến với khu vực có di sản mà bao gồm cả lượng khách quốc tế đến với Việt Nam và cùng đồng thời với việc tăng lượng khách du lịch là tăng tổng thu từ khách du lịch, tăng hiệu ứng lan tỏa tác động phát triển các ngành kinh tế khách, tăng thêm việc làm được tạo ra cho người dân.Với mục tiêu đến năm 2030, du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước, Việt Nam sẽ là quốc gia du lịch, nằm trong danh sách các nước có ngành du lịch phát triển trong khu vực. Đặc biệt, ngay trong thời gian tới, để phục hồi và phát triển du lịch vượt qua khủng hoảng nặng nề, nghiêm trọng của đại dịch Covid-19, ngành du lịch và văn hóa Việt Nam sẽ có nhiều việc, nhiều giải pháp cần làm.“Nhưng có thể chắc chắn một điều phát huy giá trị di sản văn hóa trong phát triển du lịch sẽ có vai trò to lớn, tạo ra chiều sâu chất lượng và sự hồi phục, bứt phá cho du lịch Việt Nam” - ông Nguyễn Trùng Khánh khẳng định.
"Khai thác, phát huy giá trị của văn hóa tức là làm tăng giá trị văn hóa, tạo cho văn hóa có đầu ra là các sản phẩm du lịch. Ví dụ, đưa một đoàn khách du lịch đi xem một vở chèo truyền thống, thì vở chèo là di sản nhưng đã trở thành một “hàng hóa văn hóa” với tư cách là sản phẩm du lịch. Các sản phẩm hàng hóa này được sản xuất và tiêu dùng ngay trong các không gian văn hóa. Những sản phẩm này ngoài giá trị kinh tế còn để lại ấn tượng, trải nghiệm tốt cho du khách. Chúng ta nên tiến hành đồng thời "kinh tế hóa văn hóa" để khai thác các giá trị văn hóa và "văn hóa kinh tế" để nâng cao hàm lượng văn hóa trong kinh doanh du lịch. Việc này ra tạo sự phát triển bền vững của kinh tế du lịch, đồng thời góp phần quan trọng vào việc xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, nâng văn hóa dân tộc lên những tầm cao mới, với những vị thế phù hợp trong thời đại mới." - Trưởng khoa Du lịch, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội - PGS.TS Dương Văn Sáu "Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cũng nhấn mạnh quan điểm “phát triển du lịch văn hóa, gắn phát triển du lịch với bảo tồn, phát huy giá trị di sản và bản sắc văn hóa dân tộc”, đồng thời “chú trọng phát triển sản phẩm du lịch văn hóa, gắn với bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa, lịch sử, truyền thống của dân tộc; tập trung khai thác thế mạnh ẩm thực đa dạng, đặc sắc của các vùng, miền để hình thành sản phẩm du lịch độc đáo, khác biệt, có lợi thế cạnh tranh, góp phần tạo dựng thương hiệu nổi bật của du lịch Việt Nam”. Di sản văn hóa vừa tạo động lực cho du lịch, vừa là nguồn lực cơ bản để phát triển du lịch và cũng là yếu tố xây dựng năng lực cạnh tranh của điểm đến. Với du lịch, di sản văn hóa cùng với thiên nhiên đã trở thành hai nguồn tài nguyên cơ bản nhất để khai thác và phát triển. Chính vì thế, dựa vào “trụ cột” di sản văn hóa sẽ là nguồn lực không bao giờ cạn kiệt để phát triển du lịch." - Tổng Cục trưởng Tổng Cục Du lịch Việt Nam Nguyễn Trùng Khánh |