Phát huy tiềm năng, lợi thế; đẩy mạnh hợp tác phát triển

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Hôm nay (17/11), tại Hà Nội đã diễn ra Hội nghị hợp tác phát triển giữa TP Hà Nội với 10 tỉnh, thành phố Vùng đồng bằng sông Hồng (ĐBSH), gồm: Bắc Ninh, Hà Nam, Hải Dương, Hưng Yên, Nam Định, Ninh Bình, Quảng Ninh, Thái Bình, Vĩnh Phúc và Hải Phòng.

 
 
Đây là Hội nghị lớn nhất từ trước đến nay, nhằm cụ thể hóa những định hướng lớn trong Nghị quyết số 11/NQ-TW ngày 6/1/2012 của Bộ Chính trị về phương hướng nhiệm vụ phát triển Thủ đô giai đoạn 2011 - 2020 và các Nghị quyết, Kết luận của Bộ Chính trị, Chương trình hành động của Chính phủ về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh Vùng ĐBSH.

Phát huy tiềm năng, lợi thế; đẩy mạnh hợp tác phát triển - Ảnh 1

Ký kết thỏa thuận hợp tác toàn diện giữa TP Hà Nội và 10 tỉnh, thành phố Vùng đồng bằng sông Hồng.Ảnh: Kim Toàn 

"Việc xây dựng cơ chế hoạt động là quan trọng nhất. Hà Nội và 10 tỉnh, thành phố Vùng ĐBSH là 11 đơn vị độc lập hành chính, nếu không có cơ quan cấp trên vùng để điều phối thì sẽ rất khó làm. Thủ đô tuy có vai trò đặc biệt trong vùng, nhưng khó có thể đặt ra cơ chế, chính sách cho cả vùng. Bộ KH&ĐT sẽ nỗ lực để tìm ra cơ chế hợp tác. Về mặt tổ chức cần phải hình thành tổ chức điều phối tạm thời giống như Ban chỉ đạo Tây Nguyên, Tây Bắc… Bộ KH&ĐT sẽ đề xuất dành 10.000 tỷ đồng để đầu tư nghiên cứu tiền khả thi các dự án PPP." - Bộ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư Bùi Quang Vinh

Phát biểu khai mạc, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị nhấn mạnh, ĐBSH là vùng kinh tế trọng điểm, có nhiều tiềm năng phát triển của đồng bằng Bắc Bộ, là một trong 5 vùng quan trọng nhất cả nước. Với tinh thần "Hà Nội vì cả nước, cả nước vì Hà Nội", thời gian gần đây, TP Hà Nội đã tổ chức nhiều đoàn đi thăm, làm việc, trao đổi kinh nghiệm hợp tác phát triển với 28 tỉnh, thành phố trong cả nước. 

Những hoạt động hợp tác, giao lưu đó đã đem lại những kết quả thiết thực, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của mỗi địa phương. Đồng chí Phạm Quang Nghị mong muốn, sau hội nghị, Hà Nội cùng các địa phương chung tay góp sức, chia sẻ khó khăn, cộng đồng trách nhiệm, hợp tác phát triển toàn diện, nhằm huy động tối đa sức mạnh tổng hợp, phát huy tiềm năng, lợi thế của từng địa phương, xây dựng và phát triển cùng ĐBSH đi đầu trong sự nghiệp CNH - HĐH.

Đánh giá kết quả hợp tác những năm qua, báo cáo của TP khẳng định, quan hệ hợp tác giữa Hà Nội và các địa phương đã góp phần đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế, mở rộng các hoạt động văn hóa - xã hội. Cụ thể, Hà Nội và các tỉnh đã chủ động hợp tác thiết kế QH các dự án khu đô thị mới, khu công nghiệp tập trung tại các tỉnh Hà Nam, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Nam Định, Hưng Yên, trong đó có thị trấn Ba Sao, sân vận động, nhà văn hóa Hà Nam. Nhiều DN Hà Nội đầu tư các dự án khu đô thị mới, khu công nghiệp, trường đại học, như: Khu đô thị Nam Trần Hưng Đạo, Đồng Văn - Duy Tiên; Khu công nghiệp Đồng Văn III, trường Đại học Công nghiệp.

Trong lĩnh vực GTVT, TP Hà Nội và Bộ GTVT đã xây dựng một số tuyến đường trong vùng, như: khu vực giáp ranh Hà Nội - Lào Cai; Hà Nội - Quảng Ninh; Hà Nội - Hải Phòng; Hà Nội - Thái Nguyên; Hà Nội - Hòa Bình; xây dựng Vành đai 3 đến Hưng Yên qua đô thị Văn Giang; đường 23 từ Hà Nội đi Thanh Tước; QL2 từ Nội Bài đi Vĩnh Yên; đường cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ - Ninh Bình… Phối hợp với các tỉnh Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hải Dương, Hải Phòng triển khai dự án: "Phát triển GTVT khu vực đồng bằng Bắc bộ"; Dự án W6 (sử dụng vốn ODA), được Bộ GTVT phê duyệt…

Phát huy tiềm năng, lợi thế; đẩy mạnh hợp tác phát triển - Ảnh 2

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo trao đổi với lãnh đạo các bộ, ngành và các tỉnh TP vùng ĐBSH.

Hiện có 450 dự án của DN Hà Nội đầu tư vào các tỉnh, thành phố với tổng số vốn trên 30.550 tỷ đồng, sử dụng khoảng 30.000 lao động và trên 2.000ha mặt bằng sản xuất - kinh doanh. Hà Nội đã phối hợp các địa phương di chuyển 35 DN của Hà Nội sang đầu tư, mở rộng sản xuất. 

Trong lĩnh vực nông nghiệp, Hà Nội và Bắc Ninh đã hợp tác quản lý, điều hành có hiệu quả hệ thống thủy lợi (Long Tửu - Ngũ Nguyên Khê)… và nhiều công trình thủy lợi khác. Hà Nội còn phối hợp với các địa phương quảng bá, giới thiệu sản phẩm rau, củ quả; các chế phẩm sinh học trong nông nghiệp đến người tiêu dùng, các nhà sản xuất tại Hà Nội; cung cấp giống vật nuôi cây trồng có năng suất, giá trị cao, như hoa, cây ăn quả, thủy sản cho các tỉnh, thành phố; phối hợp chặt chẽ trong việc kiểm tra an toàn thực phẩm, kiểm soát dịch bệnh động, thực vật… góp phần quan trọng ngăn chặn dịch bệnh và cúm gia cầm tại Hà Nội và các địa phương.

Nổi bật trong lĩnh vực hợp tác văn hóa - xã hội là việc Hà Nội cùng với các tỉnh Bắc Ninh, Hải Phòng, Ninh Bình, Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Nam Định ký kết hợp tác, tổ chức tour du lịch tâm linh, sinh thái...; Triển khai xây dựng các mô hình làng văn hóa, tổ chức lễ hội, giúp các tỉnh đào tạo vận động viên thành tích cao… Về y tế, Hà Nội đã giúp các tỉnh Hưng Yên, Nam Định, Hà Nam, Hải Phòng đào tạo cán bộ, chuyển giao công nghệ chuyên khoa ngoại, phẫu thuật tim và chỉnh hình…; phẫu thuật từ thiện, trao đổi công tác phòng chống dịch bệnh... Phối hợp với các tỉnh, thành phố đào tạo bồi dưỡng học sinh giỏi, hàng năm dành 45 chỉ tiêu cho các tỉnh, thành phố Vùng ĐBSH học tại trường THPT Chu Văn An, là trường trọng điểm quốc gia; hiện có tới 22.500 học sinh các tỉnh, thành phố đang học các trường trung cấp chuyên nghiệp của Hà Nội. 

Tuy nhiên, theo đánh giá, kết quả trên vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của mỗi địa phương, hoạt động hợp tác chủ yếu ở một số lĩnh vực kinh tế, trao đổi thông tin, kinh nghiệm… Việc phối hợp triển khai một số công trình ở địa bàn giáp ranh còn chậm… 

Tại Hội nghị, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo cùng lãnh đạo 10 địa phương đã ký Thỏa thuận hợp tác phát triển giữa TP Hà Nội với các tỉnh, thành phố Vùng ĐBSH  giai đoạn 2012 - 2020 với 6 nội dung về phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo khẳng định, sau hội nghị này, TP Hà Nội cùng các địa phương trong Vùng ĐBSH sẽ cụ thể hóa các nội dung được ký kết thành các chương trình, hành động nhằm đẩy mạnh hợp tác toàn diện để thúc đẩy nhanh phát triển  kinh tế - xã hội. Theo đó, lãnh đạo các tỉnh, thành phố chỉ đạo các sở, ngành, đơn vị liên quan của địa phương, tổ chức triển khai trong quý I/2013. Thống nhất mỗi địa phương có một Phó Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực tiếp chỉ đạo và thực hiện các nội dung hợp tác, trong đó, Sở KH&ĐT là cơ quan đầu mối, đánh giá tổng hợp kết quả hợp tác. Định kỳ hàng năm, các tỉnh, TP Vùng ĐBSH sẽ họp cùng nhau, đánh giá kết quả các nội dung hợp tác, định hướng nhiệm vụ của năm tiếp theo, bảo đảm hiệu quả thiết thực, phù hợp với thực tiễn từng năm.

Vùng ĐBSH gồm 11 tỉnh, thành phố, có diện tích 21.000km2, chiếm 6,3% cả nước, dân số hơn 20 triệu người; năm 2011, nộp ngân sách 250.653 tỷ đồng, bằng 36,4% thu ngân sách toàn quốc. Kinh tế 9 tháng 2012: dự báo tăng trưởng ước 8,5 - 9%; thu ngân sách ước đạt 167.353 tỷ đồng, dự kiến cả năm ước  265.641 tỷ đồng, bằng 96% kế hoạch. Tổng vốn đầu tư xã hội ước đạt 286.646 tỷ đồng, bằng 70% kế hoạch, trong đó vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước chiếm 32,3%; vốn khu vực đầu tư nước ngoài (FDI) chiếm 41%...