Trong đó, phát triển đô thị hai bên trục đường Vành đai 4 để khai thác hiệu quả tối đa giá trị đất đai sau khi đầu tư xây dựng tuyến đường.
Không gian phát triển mới
Tại Hội nghị lần thứ bảy mới đây, Ban Chấp hành Đảng bộ TP Hà Nội (khóa XVII), Ban Cán sự Đảng UBND TP Hà Nội đã có tờ trình về đánh giá Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô, định hướng nghiên cứu điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô gắn với định hướng phát triển đô thị TP Hà Nội trong giai đoạn tới, trong đó đã đề xuất một số định hướng để Quy hoạch Thủ đô tầm nhìn đến năm 2050.
Đáng chú ý, TP Hà Nội sẽ nghiên cứu định hướng phát triển đô thị hai bên trục đường Vành đai 4 để khai thác hiệu quả giá trị đất đai sau khi đầu tư xây dựng tuyến đường, tạo nguồn lực phát triển các địa phương có đề án thành lập quận trước mắt cũng như lâu dài.
Theo quy hoạch tuyến đường Vành đai 4 xác định là tuyến đường vành đai liên vùng, kết nối giao thông giữa Hà Nội và các tỉnh trong Vùng Thủ đô. Việc đầu tư phát triển tuyến đường này không chỉ góp phần giải quyết nhu cầu giao thông trực tiếp cho khu vực đô thị trung tâm, đô thị vệ tinh, tăng khả năng kết nối giao thông liên vùng mà còn mở rộng không gian phát triển cho Hà Nội.
Mặt khác, dự án còn là cơ sở để triển khai lập và thực hiện quy hoạch chi tiết hai bên tuyến để phát triển quỹ đất, tạo nguồn lực đầu tư phát triển. Tiền đề để các TP và các tỉnh phát triển đô thị, công nghiệp, thương mại, dịch vụ góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, kinh tế đô thị và nông thôn khu vực Thủ đô và các tỉnh Vùng Thủ đô. Đối với Hà Nội, tạo điều kiện phát triển đô thị trung tâm hoàn chỉnh và chuỗi đô thị trong khu vực giữa Vành đai 3 và Vành đai 4, phát triển chuỗi 5 đô thị vệ tinh, kết nối chùm đô thị của Hà Nội với các khu vực đô thị, công nghiệp Vùng Thủ đô.
Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Vũ Văn Viện cho hay, Vành đai 4 nằm ở khu vực tiếp giáp giữa đô thị trung tâm và khu vực ngoại thành của Hà Nội. Chính vì vậy, dự án có tác dụng thúc đẩy phát triển đô thị và các khu công nghiệp, thương mại, dịch vụ dọc theo tuyến đường.
Các chuyên gia quy hoạch đô thị cho rằng, với quỹ đất rất lớn, đô thị hai bên Vành đai 4 sẽ là cơ sở để thực hiện hóa giấc mơ đô thị xanh, đô thị thông minh cho Vùng Thủ đô. Tuy nhiên, các bản quy hoạch cần được nghiên cứu để đưa ra giới hạn chỗ nào phát triển đô thị, chỗ nào phát triển sinh thái và đặc biệt cần khoanh vùng bảo vệ khu vực vành đai xanh hiện có.
Quy hoạch theo hướng đô thị nén
Giám đốc Sở QH-KT Hà Nội Nguyễn Trúc Anh cho biết, theo định hướng Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo Quyết định 1259/QĐ-TTG của Thủ tướng Chính phủ (gọi tắt QHC1259), khu vực chuỗi đô thị phía Đông Vành đai 4 có quy mô dân số đến năm 2030 khoảng 1,2 - 1,4 triệu dân và đến năm 2050 là 1,7 triệu người. Đây là khu vực có tính chất đô thị ở, dịch vụ và thương mại tài chính ngân hàng, vui chơi giải trí, không gian có các công trình văn hóa, lịch sử của quốc gia.
Quy hoạch cũng định hướng phát triển chuỗi khu đô thị phía Đông Vành đai 4 trở thành các trung tâm hành chính, thương mại - dịch vụ của quốc gia và TP, nhằm đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa, dịch chuyển dân cư từ đô thị trung tâm...
Tuy nhiên, theo lãnh đạo Sở QH - KT, qua rà soát quy hoạch cho thấy, quỹ đất khu vực này khá lớn nhưng khai thác không hiệu quả do phân bố dân cư chưa hợp lý, gây lãng phí đất đai, nguồn lực, chưa phù hợp với định hướng phát triển đô thị hiện đại, tiết kiệm.
Việc phát triển các công trình văn hóa, nghệ thuật, giải trí, trung tâm nghiên cứu và giao lưu văn hóa quốc gia và quốc tế trục Hồ Tây - Ba Vì chưa được quan tâm đầu tư. Việc thiết lập trung tâm đầu mối giao thông đường sắt quốc gia Ngọc Hồi còn chậm triển khai. Chưa tạo dựng không gian mở gắn với công trình công cộng, giải trí liền kề các khu vực mặt nước hiện hữu sông Nhuệ.
Tới đây, khi triển khai điều chỉnh tổng thể QHC1259, bên cạnh việc kế thừa định hướng phát triển không gian theo quy hoạch chung đã được duyệt, sẽ rà soát, phân bổ lại quy mô dân cư trên địa bàn theo hướng tăng dân số tại khu vực này. Việc này để phù hợp với định hướng dịch chuyển dân cư từ đô thị trung tâm tới các khu ở mới, “giảm áp lực” cho hạ tầng cơ sở đô thị nội đô lịch sử, đồng thời phù hợp với khả năng dung nạp của đất đai hiện có.
Định hướng không gian đô thị tại khu vực hai bên đường Vành đai 4 sẽ theo hướng đô thị nén, phát triển tập trung xung quanh khu vực ga đường sắt đô thị (TOD) và lan tỏa dần trong chuỗi đô thị, nâng hệ số sử dụng đất (hiện hệ số sử dụng đất tại khu vực này mới đạt khoảng 62% theo quy định). Khai thác không gian, đất đai hai bên tuyến đường để tăng hiệu quả đầu tư và giá trị quỹ đất. Phát triển hai bên đường Vành đại 4 là các tuyến giao thông chính đô thị, phát triển về phía Tây đến đê Tả Đáy, lựa chọn các khu vực có quỹ đất thuận lợi để phát triển, có tiềm năng thu hút nhà đầu tư.
Cùng đó, nghiên cứu hình thành các vùng đệm bảo vệ xung quanh những làng xóm hiện hữu, đặc biệt kiểm soát đô thị hóa và gia tăng mật độ tại khu vực này.
Nội dung ở đây