70 năm giải phóng Thủ đô

Phát huy tốt vai trò quy ước trong xây dựng đời sống văn hóa

Nguyên Bảo
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 8/11, Quận ủy Đống Đa tổ chức Tọa đàm về “Xây dựng và thực hiện Quy ước tổ dân phố trên địa bàn quận Đống Đa”.

Theo báo cáo đề dẫn tại toạ đàm, sau khi thực hiện Đề án 06-ĐA/TU ngày 24/9/2013 của Ban Thường vụ Thành ủy về “Kiện toàn, sắp xếp tổ chức Đảng và các tổ chức trong hệ thống chính trị trên địa bàn dân cư, tổ dân phố, thôn, xóm ở xã, phường, thị trấn thuộc thành phố Hà Nội” và Đề án 21-ĐA/TU ngày 16/9/2019 của Ban Thường vụ Thành ủy về “Sắp xếp, bố trí, kiêm nhiệm các chức danh người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã và ở thôn, tổ dân phố trên địa bàn thành phố Hà Nội”, tính đến thời điểm hiện nay, toàn quận Đống Đa có 380 tổ dân phố, tương ứng với 264 chi bộ.

Quang cảnh buổi toạ đàm.
Quang cảnh buổi toạ đàm.

Trong đó, có 339 tổ dân phố mới, 26 tổ dân phố đổi tên và 15 tổ dân phố giữ nguyên không đổi tên. Đến nay, số lượng tổ dân phố đã xây dựng quy ước là 288/380 tổ dân phố (đạt tỷ lệ 76%). Tỷ lệ đạt gia đình văn hóa hàng năm trên 90%; tỷ lệ tổ dân phố đạt tổ dân phố văn hóa trên 80%. Số lượng Quy ước tổ dân phố đã được UBND phường phê duyệt 207/288 (đạt tỷ lệ 71,8%); số lượng quy ước tổ dân phố chưa được UBND phường phê duyệt 81/288 (đạt tỷ lệ 28,2%); số lượng quy ước tổ dân phố đã được UBND quận ban hành Quyết định công nhận 23/207 (đạt tỷ lệ 11%).

Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, công tác xây dựng, thực hiện Quy ước tổ dân phố trong những năm vừa qua cũng bộc lộ nhiều hạn chế: Nhiều quy ước còn sơ sài về nội dung, lặp lại pháp luật và chủ trương, chính sách của Nhà nước, thiếu nét đặc trưng văn hóa, xã hội, phong tục tập quán; thuần phong mỹ tục của từng địa bàn khu dân cư; công tác quản lý, kiểm soát việc xây dựng thực hiện quy ước còn chưa sâu sát, nhiều tổ dân phố đã xây dựng quy ước nhưng chưa được cấp trên phê duyệt, nhiều nơi thực hiện còn hình thức, mang tính phong trào; công tác phối hợp, phân công trách nhiệm, nhiệm vụ trong triển khai quản lý quy ước còn chưa cao; công tác đánh giá còn chưa thường xuyên...

Tại tọa đàm, các đại biểu tập trung trao đổi những kinh nghiệm thực tiễn trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp đối với việc triển khai xây dựng, thực hiện Quy ước tổ dân phố. Đồng thời nêu lên những thuận lợi, khó khăn, kết quả, hạn chế và nguyên nhân.

Các đại biểu nêu ý kiến tại toạ đàm.
Các đại biểu nêu ý kiến tại toạ đàm.

Bên cạnh đó, các đại biểu cũng nêu các giải pháp đẩy mạnh, nâng cao chất lượng và hiệu quả việc xây dựng thực hiện Quy ước tổ dân phố trong thời gian tới như: Phát huy vai trò tự quản tại công đồng dân cư, bảo vệ, giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống, phong tục tập quán tốt đẹp; triển khai phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang; thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở; trao đổi những cách làm hay, những mô hình tốt trong việc lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp.

Ngoài ra, các đại biểu cũng đề xuất các nhóm giải pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả của chính quyền các cấp đối với xây dựng và thực hiện Quy ước tổ dân phố; xây dựng những mô hình quy ước có nội dung cụ thể, phù hợp với từng địa bàn dân cư, với những đặc điểm kinh tế, xã hội khác nhau nhằm phát huy tốt vai trò của quy ước trong xây dựng đời sống văn hóa và tăng cường tính tự quản cộng đồng...