Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Kỷ niệm 55 năm thành lập huyện Ba Vì (26/7/1968 – 26/7/2023)

Phát huy truyền thống trong giai đoạn phát triển mới

Khuất Duyên - Ngọc Tú
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Ngày này cách đây 55 năm, ngày 26/7/1968, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 120 – QĐ/CP có tính chiến lược hợp nhất 3 huyện Tùng Thiện, Quảng Oai, Bất Bạt thành huyện Ba Vì.

Toàn huyện hiện có 20 vạn dân, 3 dân tộc Kinh, Mường, Dao cùng sinh sống, đất đai rộng lớn, nhiều phong cảnh đẹp, nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú.

Lịch sử hào hùng

Ngay khi mới thành lập, giữa lúc cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta đang trong giai đoạn quyết liệt nhất, Đảng bộ và Nhân dân các dân tộc huyện Ba Vì tiếp tục cùng cả nước thực hiện 2 nhiệm vụ chiến lược: xây dựng Chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Để hoàn thành tốt nhiệm vụ, Đảng bộ huyện đã lãnh đạo quân và dân trong huyện vừa sản xuất vừa chiến đấu, tích cực xây dựng hậu phương vững mạnh, chi viện cho tiền tuyến với tinh thần "Tất cả hướng về miền Nam ruột thịt". Trong giai đoạn này, quân và dân Ba Vì luôn nêu cao khẩu hiệu: “Giỏi tay cày, chắc tay súng”, phong trào “Thanh niên ba sẵn sàng”, “Phụ nữ ba đảm đang” diễn ra sôi nổi khắp các địa phương trong huyện. Đặc biệt, hình ảnh “Cô gái Suối Hai” luôn được nhắc tới như biểu tượng về lòng dũng cảm của người phụ nữ Ba Vì một thời máu lửa.

Phát huy truyền thống trong giai đoạn phát triển mới - Ảnh 1

Huyện Ba Vì còn vinh dự là địa phương nhiều lần được đón Bác Hồ về thăm. Trong đó, sáng ngày mùng Một Tết Kỷ Dậu (tức ngày 16/2/1969) Bác Hồ đã về thăm Đảng bộ và Nhân dân các dân tộc huyện Ba Vì và trồng cây đa cuối cùng trước lúc người đi xa tại đồi Đồng Váng – xã Vật Lại.

Trong lịch sử kháng chiến chống Mỹ, huyện Ba Vì có 19.457 thanh niên lên đường nhập ngũ bảo vệ Tổ quốc, cùng hàng trăm thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến. Trong số này có 4.662 liệt sĩ, 3.450 thương binh, đóng góp hơn 45.000 tấn lương thực. Toàn huyện có 492 Bà mẹ được phong tặng danh hiệu Mẹ Việt Nam anh hùng, hiện nay 11 mẹ còn sống.

Kỷ niệm 55 năm thành lập huyện (26/7/1968 – 26/7/2023), với 23 kỳ Đại hội, lịch sử Đảng bộ huyện thực sự là những trang sử vàng trong truyền thống cách mạng anh hùng của quê hương. Thực tiễn sinh động và những bài học kinh nghiệm trong lãnh đạo của Đảng bộ luôn là hành trang, là tài sản tinh thần vô giá để Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc huyện Ba Vì tiếp tục chọn lọc, nâng cao, phát huy trong giai đoạn cách mạng mới.

Thực hiện tốt nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ Công nghiệp hóa, Hiện đại hóa đất nước, phấn đấu cùng Nhân dân Thủ đô và cả nước thực hiện thắng lợi mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

 

Huyện Ba Vì là huyện lớn nhất của Thủ đô Hà Nội, nằm ở phía Tây Bắc với diện tích tự nhiên 424km2, phía Đông giáp thị xã Sơn Tây, phía Nam giáp tỉnh Hòa Bình, phía Tây giáp Phú Thọ và phía Bắc giáp Vĩnh Phúc. Toàn huyện có 31 xã và thị trấn, trong đó có bảy xã miền núi, một xã giữa sông Hồng, là nơi sinh sống của ba dân tộc Kinh, Mường và Dao, dân số hiện nay có trên 31 vạn người.

“Trong suốt quá trình phấn đấu, xây dựng quê hương, với phương châm xây dựng Đảng là then chốt, phát triển kinh tế là nhiệm vụ trọng tâm, công tác xây dựng Đảng được Đảng bộ huyện Ba Vì chú trọng phát triển toàn diện trên cả các mặt chính trị, tư tưởng, tổ chức và cán bộ, hệ thống chính trị không ngừng được kiện toàn củng cố, vững mạnh. Hiện nay, Đảng bộ có 100 tổ chức cơ sở Đảng với gần 17.000 đảng viên” – Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Đỗ Mạnh Hưng cho biết.

Cột mốc 15 năm mở rộng địa giới hành chính

Ngày 1/8/2008, thực hiện Nghị quyết số 15/2008/NQ-QH12 của Quốc hội về mở rộng địa giới hành chính, Ba Vì về với Thủ đô Hà Nội. Từ đây, nhiều chương trình kinh tế - xã hội trọng tâm, tiếp tục mở ra hướng phát triển mới của huyện. Nhận được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và của Thành phố đầu tư nhiều chương trình dự án, diện mạo của Ba Vì từng bước được đổi thay. Tốc độ phát triển kinh tế bình quân hằng năm giai đoạn 2021 - 2023 đạt 9,4%.

Phát huy truyền thống trong giai đoạn phát triển mới - Ảnh 2

Theo Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Đỗ Mạnh Hưng, năm 2022, tổng giá trị sản xuất của huyện đạt 31.520 tỷ đồng. Trong đó, nhóm ngành nông – lâm nghiệp – thủy sản đạt 12.745 tỷ đồng, bằng 100,3% kế hoạch, tăng 5,3% so với năm 2021; dịch vụ du lịch đạt 11.562 tỷ đồng, bằng 104,9% kế hoạch, tăng 15,4% so với năm 2021; công nghiệp xây dựng đạt 7.213 tỷ đồng, bằng 100,9% kế hoạch năm, tăng 11% so với năm 2021.

Cùng với đó, thu nhập bình quân đầu người 6 tháng đầu năm 2023 đạt 62,6 triệu đồng/người/năm; Tốc độ tăng năng suất lao động ước đạt 6%; thu ngân sách Nhà nước hằng năm đều đạt và vượt chỉ tiêu Thành phố giao. Từ năm 2021 đến tháng 6/2023 đạt 1.113 tỷ đồng.

Ngoài ra, sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản được đầu tư theo hướng sản xuất hàng hóa gắn với tích cực chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi, nâng cao giá trị kinh tế. Triển khai có hiệu quả chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP, hiện toàn huyện có 138 sản phẩm được công nhận đạt từ 3 sao trở lên. “Huyện phấn đấu đưa du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn. Năm 2022 Ba Vì đón hơn 2 triệu lượt khách. 6 tháng đầu năm 2023 đón khoảng 1,5 triệu lượt khách.

Doanh thu từ du lịch hằng năm đều tăng, 6 tháng đầu năm 2023 đạt trên 200 tỷ đồng. Công tác quy hoạch du lịch được thực hiện có hiệu quả, đồng bộ. Đa dạng hóa sản phẩm, loại hình du lịch. Các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch, lưu trú phát triển mạnh mẽ, hiện nay trên địa bàn huyện có 4 khu du lịch cấp Thành phố; 9 khu du lịch nhỏ lẻ; 161 cơ sở kinh doanh lưu trú nhà vườn, Homestay, nhà nghỉ” – ông Đỗ Mạnh Hưng nhấn mạnh.

Ngoài việc phát triển kinh tế - xã hội, huyện Ba Vì cũng tập trung thực hiện Chương trình xây dựng Nông thôn mới (NTM). Đến nay, 100% số xã đã đạt chuẩn NTM, trong đó 4 xã đạt chuẩn NTM nâng cao chiếm 13,3%. Thị trấn Tây Đằng đạt chuẩn đô thị văn minh, huyện Ba Vì đạt chuẩn NTM.

Cũng theo ông Đỗ Mạnh Hưng, sự nghiệp văn hóa xã hội, giáo dục, y tế của Ba Vì đã có nhiều tiến bộ. Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng Gia đình văn hóa, làng văn hóa được triển khai hiệu quả. Nhiều dự án trùng tu, tôn tạo di tích lịch sử văn hóa, nhà văn hóa thôn, sân thể thao, khu vui chơi sinh hoạt cộng đồng được đầu tư xây dựng đã cơ bản đáp ứng được nhu cầu tín ngưỡng, thụ hưởng văn hóa, nâng cao đời sống tinh thần cho Nhân dân.

Công tác giáo dục và đào tạo đạt được nhiều kết quả tích cực. Huyện Ba Vì được công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3 và đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2, năm 2021 - 2022 được xếp thứ hạng 17/31 quận, huyện; 89/110 trường đạt chuẩn quốc gia. Công tác quốc phòng, quân sự địa phương được thực hiện tốt, hằng năm hoàn thành 100% chỉ tiêu giao quân, bảo đảm chất lượng, đúng quy định; giữ vững ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn huyện, tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của huyện trong thời gian qua.

Công tác thi đua khen thưởng được thực hiện có hiệu quả, đặc biệt thi đua chào mừng kỷ niệm 55 năm thành lập huyện Ba Vì (26/7/1968 - 26/7/2023), từ tháng 5 năm 2022, huyện đã phát động phong trào thi đua và tổ chức cuộc thi “Xây dựng và giữ gìn thôn, xóm, ngõ sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn”. Qua đó, đã tuyên truyền, vận động các nguồn lực xã hội cho phong trào và cuộc thi với tổng giá trị bằng tiền là hơn 70,8 tỷ đồng (bao gồm 38,2 tỷ đồng tiền mặt và vật chất khác là 28,5 tỷ đồng).

 

Với những thành tích xuất sắc trong chiến đấu, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Đảng bộ và Nhân dân huyện Ba Vì được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước; Huân chương Lao động hạng Nhất thời kỳ đổi mới; Huân chương Độc lập hạng Ba ( năm 2012). Riêng năm 2021 - 2022, Nhân dân và cán bộ, các ngành, cơ quan, đơn vị của huyện đã được các cấp khen thưởng cờ thi đua, bằng khen của Chính phủ, Thành phố…