Trong suốt chiều dài lịch sử, vùng đất Mỹ Đức ngày nay đã có nhiều tên gọi và địa giới hành chính khác nhau. Cách đây 130 năm, vào mùa Hạ, tháng tư năm Đồng Khánh thứ ba (1888), triều đình nhà Nguyễn chia đạo Mỹ Đức thành 2 vùng: Vùng người Mường nhập vào tỉnh Phương Lâm (Hòa Bình), còn vùng người Kinh thì chia làm 2 huyện: huyện Chương Mỹ và huyện Yên Đức (Mỹ Đức). Đây là sự kiện quan trọng nhất đối với huyện Mỹ Đức, được lấy là ngày thành lập huyện hiện nay.
Quê hương cách mạngCùng dòng chảy lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc, lớp lớp thế hệ người Mỹ Đức luôn chung sức, dũng cảm chiến đấu góp phần giải phóng quê hương, giải phóng dân tộc. Năm 1945, thực hiện Chỉ thị của Xứ ủy Bắc Kỳ về "Khởi nghĩa ở những nơi nắm chắc thắng lợi", huyện Mỹ Đức và Ứng Hòa đã được Tỉnh ủy Hà Đông chọn làm điểm khởi nghĩa giành chính quyền trước tiên của tỉnh. Ngày 17/8/1945, từ sáng sớm, các Đội tự vệ cứu quốc với áo vải, quần nâu, nai nịt gọn gàng, vũ khí thô sơ từ các thôn làng đã đứng lên khởi nghĩa, trở thành một trong những huyện giành chính quyền sớm của tỉnh Hà Đông.Thực hiện Chỉ thị "Toàn quốc kháng chiến" của T.Ư và lời kêu gọi thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, cán bộ, đảng viên, lực lượng vũ trang và người dân Mỹ Đức đã nêu cao tinh thần anh dũng, kiên trì xây dựng cơ sở, phát triển lực lượng. Từ tháng 3/1947 đến đầu năm 1954, thực dân Pháp đã mở nhiều đợt càn quét quy mô lớn vào các xã trong huyện, trút xuống địa bàn huyện hàng ngàn tấm bom đạn. Trước sức tàn phá đó, hơn 100 làng xóm bị san bằng, hàng trăm nóc nhà bị đốt phá, hàng trăm tấn lương thực thực phẩm bị phá hủy, hàng vạn gia súc bị cướp và hàng ngàn người dân vô tội bị giết hại. Tuy gặp nhiều tổn thất, mất mát nhưng người dân và lực lượng vũ trang trong huyện vẫn kiên cường chiến đấu, kết hợp đấu tranh chính trị, binh vận, phối hợp chặt chẽ với bộ đội chủ lực chiến đấu 236 trận lớn nhỏ. Qua đó, đã tiêu diệt 5.757 tên địch, đồng thời bắt sống, chiêu hàng 1.260 tên và phá hủy 14 xe cơ giới, thu 1.234 vũ khí các loại, hàng vạn viên đạn. Những trận đánh tiêu biểu như trận phục kích ngày 17/10/1951 của du kích xã Đồng Tâm đã tiêu diệt gọn 1 đại đội lính Âu - Phi; trận đánh ngày 7/2/1952 tại khu vực đồi Đình - Tuy Lai tiêu diệt 60 tên địch, thu 45 súng các loại. Đặc biệt, trong trận chiến đấu ngày 13/10/1953, du kích xã Đốc Tín đã đánh lui 1 đại đội lính Âu - Phi, tiêu diệt 71 tên, thu 66 súng các loại. Trong trận này, đội viên du kích Nghiêm Xuân Cường đã dùng súng trường bắn rơi 1 máy bay B26 của giặc Pháp. Đây là chiến công đặc biệt và duy nhất của người dân và lực lượng vũ trang tỉnh Hà Đông (cũ) trong kháng chiến chống thực dân Pháp.Thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Đảng bộ cùng người dân huyện Mỹ Đức đã nêu cao tinh thần cách mạng với khẩu hiệu "Tất cả vì tiền tuyến, vì miền Nam ruột thịt". Đáp lời kêu gọi của Đảng, thanh niên Mỹ Đức đã hăng hái lên đường tòng quân giết giặc, với 38 lần giao quân, có 13.756 thanh niên vào bộ đội, vượt chỉ tiêu 7,2%. Ngoài ra, từ năm 1964 - 1975 huyện đã huy động 2.745 người thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến, phục vụ ở các chiến trường...
Đổi thay từng ngàySau hơn 30 năm thực hiện đường lối đổi mới, nhất là từ khi hợp nhất với Thủ đô Hà Nội theo Nghị quyết 15 của Quốc hội, phát huy truyền thống cách mạng, những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân huyện Mỹ Đức đã nỗ lực phấn đấu, xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội. Tuy còn gặp nhiều khó khăn, nhưng tổng giá trị sản xuất của huyện đến năm 2017 đạt 7.564,2 tỷ đồng, bình quân thu nhập đầu người đạt 34,1 triệu đồng/người/năm. Quốc phòng, an ninh không ngừng được củng cố, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo, đời sống vật chất và tinh thần của người dân không ngừng được cải thiện.Thực hiện Chương trình số 02-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về "Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới (NTM), từng bước nâng cao đời sống nông dân". Đến nay, toàn huyện đã có 9/21 xã đạt chuẩn NTM, 11 xã đạt từ 15 - 18 tiêu chí, 2 xã đạt từ 12 - 14 tiêu chí. Đặc biệt, huyện quan tâm đầu tư kinh phí để xây dựng giao thông, thủy lợi nội đồng, đưa cơ giới hóa vào sản xuất, góp phần tăng giá trị thu nhập trên đơn vị diện tích. Nhiều công trình điện, đường, trường trạm được hoàn thành, đưa vào sử dụng đáp ứng nhu cầu thiết yếu của người dân.Cùng với tập trung phát triển kinh tế, Huyện ủy, HĐND, UBND huyện luôn luôn coi trọng lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các chỉ tiêu về văn hóa - xã hội, nhất là lĩnh vực giáo dục - đào tạo, y tế, công tác xóa đói, giảm nghèo... 19/22 xã, thị trấn đạt chuẩn Quốc gia về y tế; 100% trạm y tế xã, thị trấn có bác sĩ; trang thiết bị máy móc được quan tâm đầu tư đáp ứng nhu cầu phục vụ khám chữa bệnh cho nhân dân. Bên cạnh đó, phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa", "Xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh" cũng đang ngày càng đi sâu vào cuộc sống. Việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội đã được các gia đình hưởng ứng tích cực.
Bảo tồn, phát huy giá trị di tíchDi tích lịch sử và danh lam thắng cảnh Quần thể Hương Sơn (Chùa Hương) gồm 21 ngôi chùa, động thờ Phật, ngôi đền thờ Thần theo tín ngưỡng nông nghiệp bản địa và gắn liền với Phật giáo Đạo tràng, nơi tu hành đắc đạo của Bồ Tát Quán Thế Âm. Quần thể Hương Sơn được xây dựng từ đời Lê Thánh Tông (1442 - 1497), đã trải qua 11 đời Tổ sư. Những năm 1947, 1948, 1950 khu vực Chùa Thiên Trù đã bị thực dân Pháp đốt phá và ném bom. Tuy nhiên, cùng với thời gian, quần thể Hương Sơn luôn được Nhà nước, Nhân dân địa phương và quý khách thập phương cùng nhà Chùa quan tâm tu bổ, sửa chữa. Nhờ đó, Chùa Hương vẫn giữ nguyên được giá trị về lịch sử và danh thắng, thu hút hàng triệu du khách trong và ngoài nước về chiêm bái và trẩy hội mỗi năm.Ngày 18/5/1958 Hồ Chủ tịch đã về thăm chùa Hương, người căn dặn: “Chùa Hương là nơi cảnh đẹp, ta phải biết quý trọng mà gìn giữ cho con cháu mình thưởng thức thêm yêu quê hương, đất nước…”. Làm theo lời Bác dạy, cán bộ, nhân dân xã Hương Sơn nói riêng và huyện Mỹ Đức nói chung luôn coi trọng giữ gìn, bảo tồn và phát huy giá trị khu di tích và danh thắng Hương Sơn. Ngày 26/12/2017 Thủ tướng Chính phủ đã Quyết định xếp hạng di tích Quốc gia đặc biệt đối với Di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh Quần thể Hương Sơn. Việc công nhận và tôn vinh giá trị di tích Quốc gia đặc biệt Quần thể Hương Sơn là nguồn cổ vũ, động viên Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân huyện Mỹ Đức tiếp tục phát huy những giá trị di sản lịch sử - văn hóa dân tộc trong thời kỳ hội nhập. Đây cũng là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là lĩnh vực du lịch của Mỹ Đức trong tương lai.
Tối mai (19/9), tại Đền Trình bên bờ suối Yến, Huyện ủy - HĐND - UBND - UBMTTQ huyện Mỹ Đức long trọng tổ chức Lễ đón nhận Bằng xếp hạng di tích Quốc gia đặc biệt Quần thể Hương Sơn (Chùa Hương); chào mừng 60 năm Bác Hồ về thăm Chùa Hương (1958 - 2018), 130 năm thành lập huyện Mỹ Đức (1888 - 2018) |