Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh Đào Hồng Lan

Phát huy vai trò của tỉnh Bắc Ninh trong Vùng Thủ đô Hà Nội

Nam Thành
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bắc Ninh đã tận dụng được vị trí địa lý gần Hà Nội, phát huy lợi thế so sánh riêng có để đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa vươn lên nằm trong nhóm các tỉnh dẫn đầu cả nước về nhiều chỉ số kinh tế - xã hội...

Hà Nội đã phát triển toàn diện trên tất cả lĩnh vực

Ngày 22/6, Thường trực Ban Bí thư T.Ư Đảng tổ chức Hội nghị quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết số 15- NQ/TW ngày 5/5/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Tại hội nghị, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ Bắc Ninh Đào Hồng Lan tham luận về “Phát huy vai trò của tỉnh Bắc Ninh trong Vùng Thủ đô Hà Nội trong thực hiện mục tiêu phát triển Thủ đô Hà Nội theo Nghị quyết số 15 của Bộ Chính trị”.

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh Đào Hồng Lan phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh Đào Hồng Lan phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN

Nhất trí cao đối với những nội dung báo cáo, kế hoạch triển khai và tham luận trình bày tại Hội nghị, Bí thư Tỉnh uỷ Bắc Ninh khẳng định, trong những năm qua, với tình cảm, trách nhiệm của cả nước vì Hà Nội và với sự đoàn kết, thống nhất, sự lãnh đạo, chỉ đạo tập trung cao của Thành ủy - HĐND - UBND TP, Hà Nội đã phát triển toàn diện trên tất cả lĩnh vực, trong đó có nhiều điểm nhấn quan trọng, với nhiều chỉ tiêu dẫn đầu cả nước, thể hiện rõ vai trò là đầu tàu, liên kết và phát triển kinh tế trong vùng đồng bằng Sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước.

''Các tỉnh trong vùng Thủ đô, trong đó có Bắc Ninh có được phát triển như hôm nay cũng nhờ vào ảnh hưởng lan tỏa đó. Bắc Ninh đã tận dụng được vị trí địa lý gần Hà Nội, phát huy lợi thế so sánh riêng có để đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa vươn lên nằm trong nhóm các tỉnh dẫn đầu cả nước về nhiều chỉ số kinh tế - xã hội", Bí thư Tỉnh uỷ Đào Hồng Lan nhấn mạnh.

Với quan điểm của Nghị quyết 15 về ''xây dựng Thủ đô Hà Nội trở thành đô thị thông minh, hiện đại, xanh, sạch, đẹp, an ninh, an toàn; phát triển nhanh, bền vững, có sức lan toả để thúc đẩy vùng đồng bằng Sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước cùng phát triển'', tỉnh Bắc Ninh thấy được trách nhiệm với tư cách là tỉnh có vai trò là cực tăng trưởng trong Quy hoạch vùng Thủ đô và đang phát huy vai trò lớn hơn, dần trở thành động lực của vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ. Mặt khác, Bắc Ninh tham gia vào đảm bảo chuỗi liên kết các sản phẩm, không gian đô thị, đảm bảo với vai trò dẫn dắt của Thủ đô. Đây là quan điểm xuyên suốt trong phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bắc Ninh, nhằm thực hiện mục tiêu rất quan trọng mà Nghị quyết 15 đã đề ra.

Bí thư Tỉnh uỷ Bắc Ninh đánh giá, quan hệ giữa Thủ đô Hà Nội và các tỉnh trong vùng Thủ đô có thêm động lực mới từ vai trò “đầu tầu” và mối quan hệ trong tổ chức không gian kinh tế và đô thị, nâng cao hiệu quả cho chương trình phát triển đô thị các địa phương theo Nghị quyết số 06 ngày 24/01/2022 của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045.

"Và tới đây, Bộ Chính trị tiếp tục ban hành các Nghị quyết về đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, Nghị quyết về phát triển vùng đồng bằng sông Hồng. Chúng tôi nhận thấy tính đồng bộ và thống nhất, khoa học trong việc triển khai các Nghị quyết của Bộ Chính trị liên quan đến các lĩnh vực và vùng kinh tế", bà Đào Hồng Lan nói.

Dự án đường vành đai 4 - Vùng Thủ đô đi qua 14 quận, huyện, thành phố của Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên, kỳ vọng tăng cường khả năng kết nối, tạo động lực, tác động lan tỏa liên vùng
Dự án đường vành đai 4 - Vùng Thủ đô đi qua 14 quận, huyện, thành phố của Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên, kỳ vọng tăng cường khả năng kết nối, tạo động lực, tác động lan tỏa liên vùng

5 vấn đề ưu tiên quan tâm

Ngày 25/5/2019, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội và Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bắc Ninh đã phối hợp tổ chức hội nghị kết nối, hợp tác và phát triển (Thông báo kết luận số 2061 ngày 03/7/2019 của Thành ủy Hà Nội); từ đó mở ra nhiều cơ hội hợp tác, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an sinh xã hội, quốc phòng an ninh, mở rộng đối ngoại và công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị của mỗi địa phương.

Nhằm triển khai có hiệu quả Nghị quyết số 15 của Bộ Chính trị, với tinh thần “Cả nước vì Hà Nội, Hà Nội vì cả nước” và Bắc Ninh trở thành đô thị động lực của vùng Thủ đô, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh đề nghị các vấn đề ưu tiên quan tâm, về nâng cao năng lực lãnh đạo thực hiện Nghị quyết, phát triển hạ tầng và kinh tế - xã hội theo quy hoạch vùng Thủ đô, gia tăng ảnh hưởng lan tỏa của Hà Nội, và mỗi tỉnh tham gia vào chức năng góp phần phát triển Thủ đô bền vững:

Thứ nhất, Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; tiếp tục đổi mới hiệu quả phương thức lãnh đạo của Đảng; xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp có năng lực, trình độ cao, chuyên nghiệp, có bản lĩnh, phẩm chất đạo đức tốt, gương mẫu, năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm…

Thứ hai, tiếp tục trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm giữa các ban xây dựng Đảng, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội của các địa phương trong vùng; phối hợp chặt chẽ trong công tác quy hoạch để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ giữa các quy hoạch: Kết nối hệ thống giao thông; hạ tầng thông tin và truyền thông; hệ thống cung cấp nước sạch và sử dụng nguồn nước; quản lý chất lượng môi trường không khí; khu du lịch; phát triển nguồn nhân lực; phát triển các cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp; cơ sở nghiên cứu khoa học; các bệnh viện và xử lý ô nhiễm môi trường.

Diện mạo của Thủ đô ngày càng đẹp hơn, khang trang hơn. Ảnh: Giang Huy
Diện mạo của Thủ đô ngày càng đẹp hơn, khang trang hơn. Ảnh: Giang Huy

Thứ ba, quy hoạch phát triển không gian ngầm đô thị, không gian xanh và không gian công cộng, đẩy mạnh phát triển hệ thống giao thông đồng bộ, hiện đại, hoàn thành xây dựng các tuyến đường quốc lộ, đường cao tốc, đường vành đai, hệ thống đường kết nối vùng và liên vùng, đẩy nhanh tiến độ các dự án đường sắt đô thị, đầu tư xây dựng thêm các cầu qua sông Hồng, sông Đuống. Tăng cường công tác phối hợp, đẩy nhanh quá trình triển khai các dự án liên kết cấp vùng, đặc biệt là dự án đường vành đai 4 (phấn đấu hoàn thành trước năm 2027 theo tiến độ Nghị quyết 15 đã đề ra).

Thứ tư, kết nối xây dựng và phát triển các sản phẩm du lịch gắn với di sản phi vật thể Dân ca Quan họ Bắc Ninh và di tích lịch sử văn hóa và du lịch sinh thái, du lịch tại các điểm tổ chức lễ hội dân gian đặc sắc; Thực hiện có hiệu quả công tác quảng bá, giới thiệu về văn hóa - du lịch Bắc Ninh tại Hà Nội; Lựa chọn, đầu tư các tuyến, điểm du lịch kết nối (Bắc Ninh có 1589 di tích lịch sử - văn hoá; trong đó có 14 nhóm hiện vật là bảo vật quốc gia; 4 di tích quốc gia đặc biệt).

Thứ năm, tăng cường hoạt động thanh tra, kiểm tra và kiểm soát ô nhiễm, xử lý vi phạm đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ gây ô nhiễm môi trường lưu vực sông Hồng và các địa bàn giáp ranh giữa hai địa phương; triển khai các chương trình, đề án, kế hoạch về bảo vệ môi trường, xử lý chất thải, cải thiện môi trường làng nghề, ứng phó với biến đổi khí hậu; phối hợp quy hoạch hành lang sông Đuống để phát triển an toàn nguồn nước ngọt và phát triển du lịch. Triển khai có hiệu quả công tác phối hợp nhằm bảo đảm an ninh trật tự, an sinh xã hội giữa 2 địa phương; Liên kết đào tạo nghề, giới thiệu việc làm cho người lao động và tạo điều kiện ăn, ở cho người lao động 2 địa phương làm việc tại các doanh nghiệp, khu công nghiệp.

Kiến nghị, đề xuất tại tham luận, Bí thư Tỉnh uỷ Đào Hồng Lan Ninh đề nghị Thủ đô Hà Nội triển khai giải pháp, lộ trình chuyển đổi các chức năng trong quy hoạch Vùng thủ đô đã phân khai cho các địa phương, từng bước thực hiện quy hoạch. Quan tâm nâng cấp, mở rộng các tuyến đường giao thông (phía Hà Nội đi Bắc Ninh hiện nay đã xuống cấp, như: Đường 295B - Cầu Đuống; QL 17 - Gia Lâm - Thuận Thành), phục vụ nhu cầu đi lại, giao thương hàng hóa giữa các địa phương, tạo ra những động lực phát triển mới khi nâng cấp Quận Gia Lâm và phía Nam sông Đuống tỉnh Bắc Ninh và các tỉnh khác. Đề xuất nghiên cứu triển khai việc quy hoạch, xây dựng, kết nối tuyến đường sắt đô thị giữa Hà Nội-Bắc Ninh.

Theo Quyết định số 241, ngày 24/02/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch phân loại đô thị toàn quốc giai đoạn 2021-2030, trong đó định hướng xây dựng tỉnh Bắc Ninh là thành phố trực thuộc trung ương; trong quá trình xây dựng và hoàn thiện Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh Bắc Ninh xác định rất rõ mục tiêu phải xây dựng phương án quy hoạch nhằm đảm bảo khả năng kết nối đồng bộ, tổng thể trong tỉnh và vùng Thủ đô Hà Nội, Vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ, vùng đồng bằng sông Hồng và với cả nước.

''Chúng tôi mong muốn nhận được sự giúp đỡ của Trung ương Bộ, ngành TW và TP Hà Nội phối hợp để phát triển các lĩnh vực ứng dụng y học công nghệ cao; đô thị văn hóa và nghệ thuật, huấn luyện thế thao, khu vui chơi giải trí, trung tâm nghiên cứu phát triển (R&D) cấp quốc tế..; khu công nghệ thông tin, hình thành đô thị sáng tạo…", Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh nhấn mạnh.