Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh chủ trì hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm 2013 của Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, sáng 18/7. Ảnh: VGP/Xuân Tuyến
Xác định rõ tầm quan trọng của cơ chế liên kết, từ đầu năm đến nay, Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ đã tích cực làm việc với Viện Lúa Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), Viện Cây ăn quả miền Nam, Trường Đại học Cần Thơ để thông qua đề án liên kết vùng phát triển sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm chủ lực lúa gạo, trái cây, thủy sản. Tích cực chuẩn bị tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch vùng ĐBSCL, chương trình trao quỹ an sinh xã hội năm 2013 và chuẩn bị các điều kiện cần thiết để tổ chức Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Đồng bằng sông Cửu Long MDEC-Vĩnh Long 2013.
Theo yêu cầu của Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, Bộ NNPTNT báo cáo về một số tình hình và giải pháp để tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của vùng là lúa gạo, trái cây, thủy sản.
Trong 6 tháng đầu năm, tốc độ tăng trưởng kinh tế của toàn vùng ước đạt 9% (cùng kỳ năm 2012 là 9,5%); tổng sản lượng thu hoạch lúa đến nay trên 13,1 triệu tấn (tăng 2,9% so cùng kỳ); sản lượng thủy sản toàn vùng chỉ đạt 1.420.120 tấn, giảm 10,17% so cùng kỳ; tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 4.764 triệu USD, tăng 10,6% so cùng kỳ… chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 8% so cùng kỳ (cả nước 5,2%), giá trị sản xuất công nghiệp đạt 90.620 tỷ đồng.
Một số địa phương có chỉ số sản xuất công nghiệp tăng cao như: Tiền Giang 14,5%, Kiên Giang 12,7%, Long An 12,6%, Vĩnh Long 12,1%. Toàn vùng có 46 cụm công nghiệp với tổng diện tích 2.116 ha, thu hút được 399 doanh nghiệp đầu tư vào cụm công nghiệp, tỷ lệ lắp đầy bình quân ở các cụm công nghiệp đạt 68%, góp phần tạo việc làm cho khoảng 70.000 lao động.
Trong 6 tháng cuối năm, nhiệm vụ ưu tiên của Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ là hoàn thành các đề án quan trọng để trình Bộ Chính trị, Ban Cán sự Đảng Chính phủ như: Đề án nâng cấp huyện đảo Phú Quốc trở thành thành phố thuộc tỉnh Kiên Giang và cơ chế, chính sách đặc thù đối với đơn vị hành chính, kinh tế Phú Quốc; đề án liên kết vùng ĐBSCL phát triển sản xuất, tiêu thụ lúa gạo, trái cây, thủy sản và đào tạo nghề nông dân.
Ở lĩnh vực yêu cầu liên kết rất chặt chẽ như ứng phó với biến đổi khí hậu, Ban Chỉ đạo cũng sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành Trung ương, địa phương, các viện, trường trong công tác nghiên cứu, đánh giá tác động của các dự án thủy điện trên dòng chính sông Mekong đối với khu vực ĐBSCL; khảo sát chương trình mục tiêu quốc gia nước sạch và vệ sinh nông thôn; xây dựng hệ thống đập ngăn mặn; hoàn chỉnh chương trình khoa học công nghệ trọng điểm quốc gia vùng Tây Nam Bộ…
Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ Nguyễn Phong Quang cho biết Ban Chỉ đạo sẽ phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ NNPTNT hoàn thiện Đề án khảo sát, đánh giá kết quả hoạt động mô hình kinh tế hợp tác và hợp tác xã, xây dựng mô hình hợp tác xã kiểu mới ở vùng ĐBSCL và tái cơ cấu lại ngành nông nghiệp phù hợp với quan hệ sản xuất mới nhất là mô hình "Cánh đồng mẫu lớn".
Trung tâm Thông tin ĐBSCL theo quy chế liên kết vùng để phục vụ cho công tác xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch… cũng sẽ được tích cực chuẩn bị các điều kiện để thành lập.
Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng kế hoạch khảo sát, nắm tình hình thực hiện các dự án, đề án thành lập các trường đại học, cao đẳng trong vùng. Từ đó, đề xuất việc điều chỉnh quy hoạch phát triển các cơ sở đào tạo trên địa bàn cho phù hợp với điều kiện thực tế và thúc đẩy nhanh các dự án thành lập trường đại học đủ điều kiện theo quy định...