Đa dạng hình thức “dân bàn, dân giám sát”
Như các nhà nghiên cứu đã chỉ ra, để học và làm theo tư tưởng của Bác, trước hết, cần thực hiện đúng và tốt các quy định của “tin dân, hiểu dân, gần dân” và muốn hiểu dân thì phải gần dân, lắng nghe ý kiến của dân, chống xa dân.
Từ quan điểm ấy, trong thời gian qua, học tập và làm theo gương Bác, hệ thống chính trị các cấp tại TP Hà Nội đã cụ thể hóa phương châm "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” trên nhiều lĩnh vực, để phát huy vai trò giám sát, sức sáng tạo của Nhân dân.
Trong đó, các cuộc giám sát và phản biện xã hội đã tập hợp, huy động sự tham gia của toàn dân trong việc góp ý để các văn bản, chính sách khả thi hơn khi đi vào cuộc sống.
Như con số thống kê, trong năm 2024, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp TP đã tổ chức 614 hội nghị phản biện xã hội, trong đó, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP tổ chức 12 hội nghị phản biện xã hội… Hoạt động của các Ban Thanh tra Nhân dân (TTND) và Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng (Ban Giám sát) chính là những mô hình phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, đặc biệt trong thời điểm Hà Nội đang triển khai xây dựng hàng loạt công trình hạ tầng, các chính sách phát triển kinh tế - xã hội, quản lý trật tự đô thị..., thông qua Ban TTND, Ban Giám sát, Nhân dân được trực tiếp tham gia vào kiểm tra, giám sát, qua đó, nhiều sự việc được phát hiện sớm để khắc phục thiếu sót, hạn chế.
Theo đó, trong năm vừa qua, 579 Ban TTND trên địa bàn TP đã giám sát được 4.386 cuộc; phát hiện, kiến nghị 426 vụ việc, được cơ quan có thẩm quyền giải quyết 376 vụ việc.
Các Ban TTND cũng phối hợp với chính quyền giám sát 1.798 vụ việc về quản lý trật tự xây dựng; 737 vụ việc về quản lý đất đai. Hoạt động giám sát của các Ban TTND đã giúp cấp ủy, chính quyền kịp thời điều chỉnh những thiếu sót trong quá trình chỉ đạo, điều hành và triển khai thực hiện các nhiệm vụ chính trị ở cơ sở.
Đối với hoạt động của Ban Giám sát, tính đến cuối năm 2024, TP đã có 2.636 Ban Giám sát với 12.995 thành viên, nhiều người có trình độ, kinh nghiệm trong lĩnh vực xây dựng, tâm huyết và nhiệt tình nên hoạt động giám sát rất hiệu quả. Các Ban Giám sát đã giám sát 2.976 công trình, dự án, phát hiện 271 vụ vi phạm, kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền xử lý kịp thời 250 vụ, đạt 92,25%.
Đặc biệt, việc giám sát cá nhân người đứng đầu, cán bộ chủ chốt, cán bộ, đảng viên về thực hiện quy định nêu gương đã có tác dụng ngăn chặn vi phạm trong đội ngũ đảng viên; thu hút người dân quan tâm theo dõi, phản ánh những biểu hiện không lành mạnh trong đạo đức lối sống, thực hiện chức trách, nhiệm vụ của đảng viên... có tác dụng tốt trong phòng ngừa vi phạm; giúp cho lãnh đạo, cán bộ, đảng viên “tự thấy, tự sửa”.
Tăng sự kết nối, tương tác
Có thể thấy, chính việc thực hiện chặt chẽ, nghiêm túc dân chủ ở cơ sở, Nhân dân ngày càng tích cực phát huy vai trò của mình trong xây dựng và củng cố chính quyền các cấp trên địa bàn TP Hà Nội. Đồng thời, người dân tham gia bàn bạc những công việc của địa phương, góp ý kiến xây dựng chính sách, pháp luật, xây dựng Đảng, chính quyền và giám sát hoạt động của cán bộ, công chức, đảng viên khu dân cư. Từ đó, niềm tin của Nhân dân ngày càng được củng cố, sự đồng thuận trong xã hội được nâng lên.
Để tạo điều kiện, phát huy vai trò giám sát của người dân, phòng ngừa các vi phạm, tại nhiều quận, huyện, mọi hoạt động quản lý hành chính, nhất là trong công tác thực hiện đầu tư; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đều được công khai... Thực hiện nghiêm túc việc đối thoại, trách nhiệm giải trình, xin lỗi đối với người dân, DN khi cán bộ, công chức cơ quan, đơn vị mình vi phạm quy trình xử lý hồ sơ hoặc giải quyết thủ tục hành chính, dịch vụ công quá hạn mà không có lý do chính đáng; trả lời phản ánh, kiến nghị phải kịp thời, đúng quy định, chấm dứt tình trạng không trả lời hoặc trả lời chung chung, không cụ thể, rõ ràng, né tránh, đùn đẩy trách nhiệm...
Bên cạnh đó, đúng với quan điểm, dựa vào dân để xây dựng Đảng, chính quyền, trong những năm qua, với hình thức góp ý thường xuyên, MTTQ các cấp của TP đã tham gia góp ý với tổ chức đảng thông qua hòm thư góp ý tại trụ sở làm việc, tại nhà văn hóa thôn, tổ dân phố và bằng văn bản góp ý với dự thảo kế hoạch chương trình công tác năm của cấp ủy cùng cấp gửi đầu nhiệm kỳ và hàng năm.
Đa số kiến nghị, đề xuất, góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền đã được cấp ủy, chính quyền tiếp thu và xử lý từ cơ sở, hạn chế được bức xúc, khiếu kiện đông người, vượt cấp... Cùng với đó, việc tiếp thu ý kiến góp ý của Nhân dân góp phần phát huy dân chủ, củng cố mối quan hệ gắn bó mật thiết giữa Đảng, chính quyền với Nhân dân Thủ đô; đặc biệt, đã giúp nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo, rèn luyện cán bộ lãnh đạo, quản lý toàn diện về kiến thức, kỹ năng, tác phong, bản lĩnh…
Từ thực tiễn hiện nay cho thấy, bắt đầu từ những việc vì lợi ích của Nhân dân rất cụ thể và thiết thực hàng ngày, tiếp tục thúc đẩy sự tham gia trực tiếp của người dân trong tham gia giám sát, phát huy sức sáng tạo đóng góp vào công việc địa phương và thụ hưởng những kết quả đó, đã tạo nên một sức mạnh đoàn kết lớn lao trong thực hiện những nhiệm vụ.
Cùng với đó, tiếp tục tăng sự kết nối, tương tác giữa người dân và chính quyền, nhiều quận, huyện, đã xây dựng trang "Chính quyền điện tử" trên các ứng dụng zalo; bổ sung các tính năng như hỗ trợ trực tuyến đường dây nóng, thăm dò ý kiến khảo sát đối với người dân, tổ chức trên địa bàn… trên các trang thông tin của địa phương, qua đó, giúp việc giám sát, huy động trí tuệ của người dân thêm hiệu quả cao hơn như lời Bác dạy.