Huy động được sự tham gia của người dân
Như các nhà nghiên cứu đã chỉ ra, để học và làm theo tư tưởng của Bác, trước hết, cần thực hiện đúng và tốt các quy định của “tin dân, hiểu dân, gần dân”, đồng thời cần nhất quán phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra và dân được thụ hưởng”. Cán bộ phải tìm hiểu xem người dân đang mong muốn điều gì; cuộc sống của người dân ra sao. Muốn hiểu dân thì phải gần dân, không quan liêu, ngồi bàn giấy dự thảo các chỉ thị, nghị quyết. Cần phải xuống cơ sở, hòa mình với người dân, lắng nghe ý kiến của dân, chống xa dân.
Từ quan điểm ấy, trong thời gian qua, học tập và làm theo gương Bác, hệ thống chính trị các cấp tại TP Hà Nội đã cụ thể hóa phương châm "Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” trên nhiều lĩnh vực, để phát huy sức vai trò, sức sáng tạo của Nhân dân. Trong đó, mỗi năm, MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội các cấp đã phối hợp tổ chức hàng chục nghìn cuộc giám sát và phản biện xã hội, tập hợp, huy động sự tham gia của toàn dân trong việc góp ý để các văn bản, chính sách khả thi hơn khi đi vào cuộc sống.
Như con số thống kê từ năm 2013 đến nay, cấp TP đã tổ chức 2.514 cuộc giám sát, 144 hội nghị phản biện xã hội; cấp quận, huyện, thị xã đã tổ chức 21.100 cuộc giám sát, 1.499 hội nghị phản biện xã hội; cấp xã, phường, thị trấn tổ chức 68.463 cuộc giám sát, 11.742 hội nghị phản biện xã hội. Qua đó cũng góp phần nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý, điều hành của chính quyền các cấp; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của các người dân.
Bên cạnh đó, đúng với quan điểm, dựa vào dân để xây dựng Đảng, chính quyền, trong những năm qua, với hình thức góp ý thường xuyên, MTTQ các cấp của TP, đã tham gia góp ý với tổ chức đảng 22.831 ý kiến thông qua hòm thư góp ý tại trụ sở làm việc, tại nhà văn hóa thôn, tổ dân phố và bằng văn bản góp ý với dự thảo kế hoạch chương trình công tác năm của cấp ủy cùng cấp gửi đầu nhiệm kỳ và hằng năm. Với hình thức góp ý đột xuất, đã góp ý 11.317 ý kiến đối với dự thảo văn bản chỉ đạo của cấp ủy các cấp trước khi được ban hành...
Đa số kiến nghị, đề xuất, góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền đã được cấp ủy, chính quyền tiếp thu và xử lý từ cơ sở, hạn chế được bức xúc, khiếu kiện đông người, vượt cấp... Cùng với đó, việc tiếp thu ý kiến góp ý của Nhân dân góp phần phát huy dân chủ, củng cố mối quan hệ gắn bó mật thiết giữa Đảng, chính quyền với Nhân dân Thủ đô; đặc biệt, đã giúp nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo, rèn luyện cán bộ lãnh đạo, quản lý toàn diện về kiến thức, kỹ năng, tác phong, bản lĩnh…
Gần dân, sát dân
Có thể nói rằng, đúng như lời dạy của Bác về việc gần dân, lắng nghe dân để hiểu dân, tại nhiều địa bàn như huyện Mê Linh, Quốc Oai, quận Ba Đình… đã có cách làm hay, sáng tạo khi sử dụng phiếu xin ý kiến rộng rãi đến các đại biểu đại diện Nhân dân trước khi tiếp xúc, đối thoại; mời các chuyên gia, nhà khoa học tham gia đối thoại; lãnh đạo huyện về tận xã; các ủy viên thường vụ, phụ trách địa bàn trực tiếp hướng dẫn, chỉ đạo và theo dõi việc thực hiện kết luận hội nghị đối thoại liên quan đến địa bàn phụ trách...
Nhiều cấp ủy có sáng kiến giao cho cán bộ hằng tháng về dự họp chi bộ địa bàn dân cư, tham gia giao ban dư luận xã hội để kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, kiến nghị của Nhân dân để kịp thời giải quyết các vấn đề phát sinh ngay tại cơ sở.
Từ thực tiễn hiện nay cho thấy, bắt đầu từ những việc vì lợi ích của Nhân dân rất cụ thể và thiết thực hàng ngày, làm cho người dân có ý thức trách nhiệm trong tham gia đóng góp và thụ hưởng những kết quả đó, đã tạo nên một sức mạnh đoàn kết lớn lao trong thực hiện những nhiệm vụ.
Như tại huyện Thường Tín, với tinh thần “Nhà nước và Nhân dân cùng làm”, sau khi UBND huyện xây dựng, triển khai Đề án về bê tông hóa các đường ngõ, xóm, Nhân dân trực tiếp tham gia xây dựng phương án làm đường, kiểm tra, giám sát thi công; huyện và xã hỗ trợ kinh phí làm mặt đường, người dân đóng góp ngày công, hiến đất và kinh phí để làm nền và hệ thống thoát nước.
Nhờ thấy được lợi ích từ việc đường làng, ngõ xóm khang trang, sạch đẹp, lại được trực tiếp tham gia vào quá trình thi công, bảo đảm dân chủ, công khai nên Nhân dân rất ủng hộ. Đề án đã đi vào cuộc sống, 100% đường ngõ, xóm trên địa bàn huyện Thường Tín đã được bê tông hóa, nguồn lực huy động từ Nhân dân là rất lớn. Huyện đang tiếp tục thúc đẩy sự tham gia trực tiếp của người dân vào thực hiện những mục tiêu cao hơn để nâng chất lượng sống của chính người dân.
Có thể thấy, chính việc thực hiện chặt chẽ, nghiêm túc dân chủ ở cơ sở, Nhân dân ngày càng tích cực phát huy vai trò của mình trong xây dựng và củng cố chính quyền các cấp trên địa bàn TP Hà Nội. Đồng thời, người dân tham gia bàn bạc những công việc của địa phương, góp ý kiến xây dựng chính sách, pháp luật, xây dựng Đảng, chính quyền và giám sát hoạt động của cán bộ, công chức, đảng viên khu dân cư. Từ đó, niềm tin của Nhân dân ngày càng được củng cố, sự đồng thuận trong xã hội được nâng lên.