Phạt nặng các khu công nghiệp xả thải gây ô nhiễm

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - PGS. TS Bùi Duy Cam - nguyên Hiệu trưởng Đại học Khoa học Tự nhiên, Chủ nhiệm dự án hỗ trợ phát triển và thẩm tra việc thực hành quản lý nước thải tổng hợp (AKIZ) đề xuất, cần phạt nặng đối với các chủ đầu tư vi phạm.

Tại hội thảo "Thực trạng về nước thải công nghiệp tại Việt Nam và các kỹ thuật giám sát nước thải bằng trạm phân tích di động" do Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội) tổ chức ngày 18/11, PGS. TS Bùi Duy Cam - nguyên Hiệu trưởng Đại học Khoa học Tự nhiên, Chủ nhiệm dự án hỗ trợ phát triển và thẩm tra việc thực hành quản lý nước thải tổng hợp (AKIZ) đề xuất, cần phạt nặng đối với các chủ đầu tư vi phạm. Tâm huyết với vấn đề này trong nhiều năm, PGS. TS Bùi Duy Cam đã có những chia sẻ với báo giới xung quanh việc xử lý nước thải công nghiệp.

 
Phạt nặng các khu công nghiệp xả thải gây ô nhiễm - Ảnh 1
Với cương vị chủ nhiệm dự án  AKIZ do Đức hỗ trợ công nghệ, ông đánh giá thế nào về hiện trạng nước thải tại các khu công nghiệp ở nước ta. Và tại sao đến nay, chúng ta vẫn chưa xử lý dứt điểm được vấn đề này? 

- Để phát triển nền kinh tế xanh, bền vững, góp phần bảo vệ môi trường, Quốc hội đã thông qua Luật Bảo vệ môi trường 2014, với các điều khoản quy định rất chặt chẽ. Tuy nhiên, trong thực tế, vấn đề bảo vệ môi trường, nhất là việc xả thải tại các khu công nghiệp vẫn chưa được quản lý chặt. Một trong những nguyên nhân chính dẫn tới thực trạng trên là do ý thức của các nhà quản lý khu công nghiệp, trong khi chính quyền địa phương còn chưa thật sát sao, quan tâm đến việc chấp hành Luật Bảo vệ môi trường ở các khu công nghiệp. Vì vậy, nếu Ban Quản lý các khu công nghiệp không có ý thức chấp hành bảo vệ môi trường, phát triển nền kinh tế xanh thì trong tương lai, chúng ta còn gặp những thách thức lớn hơn, và quá trình phát triển sẽ bị tụt hậu, dẫn đến việc phải bỏ ra một khoản kinh phí rất lớn để khắc phục hậu quả.  

Vậy ai sẽ phải chịu trách nhiệm trong việc xả thải gây ô nhiễm ở các khu công nghiệp, thưa ông? 

- Luật Bảo vệ môi trường 2014 quy định rất rõ trách nhiệm ngay từ khi chúng ta xây dựng các khu công nghiệp thì Đề án phải có báo cáo đánh giá tác động môi trường. Trong phần bảo vệ môi trường, nhất là quy trình xử lý nước thải, Luật cũng nêu rõ trách nhiệm của UBND cấp tỉnh và Bộ TN&MT phải có trách nhiệm hướng dẫn và kiểm soát các nguồn nước thải dẫn vào các khu vực ruộng đồng, sông, suối. Thế nhưng, cơ sở hạ tầng và kỹ thuật đánh giá tác động môi trường, mức độ ô nhiễm nguồn nước thải tại các khu công nghiệp hiện vẫn chưa được đầu tư thích đáng. 

Thêm vào đó, trong quá trình hoạt động, nhiều khu công nghiệp thay đổi quy hoạch ngành nghề so với quyết định phê duyệt đầu tư, nên thiết kế hệ thống xử lý nước thải tập trung ban đầu chưa đáp ứng được yêu cầu. Số liệu thống kê cho thấy, cả nước hiện có khoảng 80% khu công nghiệp đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung, 20% số khu công nghiệp còn lại chưa hoặc đang đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung.  

 
Hệ thống xử lý nước thải tại Nhà máy xử lý nước thải Yên Sở, quận Hoàng Mai.
Hệ thống xử lý nước thải tại Nhà máy xử lý nước thải Yên Sở, quận Hoàng Mai.
 
Trước thực trạng đó, ông có đề xuất giải pháp gì để hạn chế việc xả thải gây ô nhiễm tại các khu công nghiệp? 

- Tôi cho rằng, để kiểm soát và ngăn chặn được việc xả thải tại các khu công nghiệp thì các cơ quan quản lý, các nhà khoa học phải có trách nhiệm giúp các DN áp dụng được tiến bộ của khoa học kỹ thuật trong việc xử lý nguồn nước thải phù hợp với từng khu vực. Đồng thời, các DN phải đầu tư kinh phí từ nguồn lợi nhuận thu được cho việc nâng cấp cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, đặc biệt là hệ thống xử lý nước thải tập trung. 

Bên cạnh đó, với những khu công nghiệp có vi phạm, theo tôi, cần phải xử phạt nghiêm khắc các chủ đầu tư, đồng thời yêu cầu khắc phục hậu quả. Cơ quan chức năng có thể vừa xử phạt về tài chính đối với DN, vừa xử phạt cả lãnh đạo các DN khu công nghiệp xả thải gây ô nhiễm. Có như vậy, mới nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, hướng tới phát triển nền kinh tế xanh.

Xin cảm ơn ông!
 
Theo thống kê của Bộ TN&MT, tính đến tháng 10/2014, trên cả nước có hơn 200 khu công nghiệp đi vào hoạt động, tuy nhiên, việc kiểm soát xả thải tại nhiều nơi chưa chặt chẽ đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của người dân.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần