Thực trạng đáng báo động
Dịp cuối năm, nhu cầu đi lại, giao nhận hàng hoá tăng cao khiến nhiều tài xế xe công nghệ cố tình vi phạm luật giao thông. Trước thực trạng này, Phòng Cảnh sát Giao thông (CSGT) Hà Nội đã triển khai nhiều biện pháp quyết liệt nhằm kiểm soát, xử lý các vi phạm. Các tổ công tác được bố trí tại những điểm nóng giao thông để phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.
Ngày 26/12, ghi nhận Tổ công tác thuộc Đội CSGT đường bộ số 6 bố trí lực lượng tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm TTATGT trên tuyến Phạm Hùng, khu vực Bến xe Mỹ Đình (quận Nam Từ Liêm). Sau hơn 1 giờ kiểm soát, CSGT đã phát hiện, xử lý nhiều tài xế xe ôm mặc trang phục các hãng xe công nghệ như Bee, Grab... vi phạm TTATGT.
Trường hợp tài xế N.A.D. (tài xế xe ôm công nghệ thuộc hãng Grab) vi phạm lỗi: Đi ngược chiều; chở người ngồi sau không đội mũ bảo hiểm. Tài xế N.A.D. cho biết, vì tiện đường nên bản thân đi ngược chiều đường Phạm Hùng cho nhanh.
Tổ CSGT đã lập biên bản xử phạt với tài xế N.A.D., riêng lỗi đi ngược chiều đường sẽ bị xử phạt 1,5 triệu đồng và tước giấy phép lái xe 2 tháng.
Chị Linh (hành khách đi xe của tài xế N.A.D.) cho biết, khi thấy tài xế đi ngược chiều, chị đã nhắc đi đúng đường và dừng lại để chị đội mũ bảo hiểm nhưng anh D. phớt lờ.
Tương tự, tài xế xe ôm công nghệ L.H.H. cũng vi phạm lỗi đi ngược chiều. Nam tài xế trình bày với CSGT, do vội chở khách nên mới vi phạm.
Ngoài những vi phạm phổ biến như vừa điều khiển xe vừa sử dụng điện thoại di động, vượt đèn đỏ, chở hàng hóa quá giới hạn quy định..., một số tài xế còn liều lĩnh đi vào các tuyến đường cấm như Vành đai 3 trên cao, Đại lộ Thăng Long, gây nguy hiểm cho bản thân và những người xung quanh.
Chuyển biến chậm
Chỉ riêng đối với xe ôm công nghệ, từ 15/11/2024 đến nay, qua công tác TTKS, Đội CSGT đường bộ số 6 đã phát hiện, xử lý 35 trường hợp vi phạm TTATGT, phạt tiền ước tính 17.500.000 đồng, tạm giữ 5 phương tiện, 30 bộ giấy tờ.
Xét thấy, không dừng lại ở việc xử phạt, các doanh nghiệp xe ôm công nghệ cần phải có trách nhiệm trong việc quản lý, hướng dẫn đội ngũ tài xế trong việc chấp hành pháp luật giao thông, triển khai cơ chế giám sát hành vi của tài xế thông qua hệ thống ứng dụng, từ đó phát hiện kịp thời các vi phạm. Đối với những trường hợp tái phạm nhiều lần, các hãng nên có biện pháp mạnh tay như tạm ngưng hợp tác hoặc chấm dứt hợp đồng.
Các đơn vị chủ quản cần phối hợp chặt chẽ với lực lượng CSGT để nâng cao ý thức của đội ngũ tài xế. Việc tổ chức tập huấn kiến thức pháp luật giao thông và xây dựng cơ chế giám sát chặt chẽ sẽ giúp hạn chế vi phạm, đồng thời nâng cao văn hóa giao thông trong cộng đồng. Việc kết hợp quản lý hiệu quả từ các đơn vị chủ quản cùng sự vào cuộc quyết liệt của lực lượng chức năng không chỉ góp phần giảm thiểu tình trạng vi phạm mà còn xây dựng môi trường giao thông an toàn, văn minh.
Thiếu tá Hoàng Văn Bình - Phó Đội trưởng Đội CSGT đường bộ số 6 cho biết, thời gian qua, đơn vị đã xử lý hàng chục trường hợp tài xế xe ôm công nghệ, người giao hàng... vi phạm giao thông.
"Không chỉ xử phạt tài xế, đơn vị còn xác minh đơn vị chủ quản để lập danh sách, gửi thông báo yêu cầu các công ty này khóa ứng dụng với tài xế vi phạm. Chúng tôi còn đề xuất khóa tài khoản vĩnh viễn với các tài xế vi phạm nhiều lần" - Thiếu tá Hoàng Văn Bình nói.
Vị Phó Đội trưởng Đội CSGT đường bộ số 6 cho biết thêm, dù đơn vị đã làm việc với đại diện một số hãng xe ôm công nghệ nhưng phản hồi chậm và chuyển biến còn chậm. Các đơn vị này cần nêu cao tinh thần trách nhiệm, quản lý chặt chẽ tài xế.