Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Phạt tới 50 triệu đồng nếu quảng cáo sai sự thật

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Theo dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện vừa được Bộ Thông tin và Truyền thông công bố, hành vi quảng cáo sai sự thật, sai chất lượng hàng hóa đã đăng ký có thể bị phạt tới 50 triệu đồng.

Cụ thể, Bộ Thông tin và Truyền thông đề xuất mức phạt từ 30 - 50 triệu đồng đối với hành vi: quảng cáo sai sự thật, sai chất lượng hàng hóa đã đăng ký; lợi dụng quảng cáo để xúc phạm danh dự, uy tín hoặc xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân; quảng cáo có nội dung nói xấu, so sánh làm giảm uy tín, chất lượng hàng hóa của tổ chức, cá nhân khác;...

Đồng thời, Bộ đề xuất khung phạt từ 10 - 20 triệu đồng đối với hành vi: quảng cáo dùng từ ngữ, hình ảnh, âm thanh không phù hợp thuần phong mỹ tục dân tộc Việt Nam; quảng cáo gây nhầm lẫn với hoạt động kinh doanh hàng hóa của tổ chức, cá nhân khác hoặc dùng danh nghĩa tổ chức, cá nhân khác để quảng cáo mà không được phép của tổ chức, cá nhân đó;…

Giả mạo thông tin để lừa đảo bán hàng qua mạng bị phạt đến 20 triệu đồng

Ngoài ra, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đề xuất mức phạt tiền từ 10 - 20 triệu đồng đối với hành vi giả mạo thông tin, cung cấp thông tin sai sự thật để lừa đảo bán hàng, mua hàng qua mạng; hoặc cung cấp thông tin sai sự thật về hàng hóa, dịch vụ, điều kiện giao dịch, thủ tục giải quyết tranh chấp và bồi thường thiệt hại hoặc phương thức thanh toán an toàn và tiện lợi trên trang thông tin điện tử bán hàng…

Nếu cung cấp không đầy đủ thông tin về hàng hóa, dịch vụ, điều kiện giao dịch, thủ tục giải quyết tranh chấp và bồi thường thiệt hại trên trang thông tin điện tử bán hàng; hoặc công bố không đầy đủ thông tin về các trường hợp người tiêu dùng có quyền hủy bỏ, sửa đổi thỏa thuận trên trang thông tin điện tử bán hàng;… dự thảo quy định phạt tiền từ 1 - 2 triệu đồng. Trường hợp không cung cấp các thông tin trên thì mức phạt là từ 2 - 5 triệu đồng.

Hiện dự thảo đang được Bộ Thông tin và Truyền thông công bố lấy ý kiến nhân dân.