Xây dựng cụm công nghiệp theo thiết kế
Ngày 30/5/2011, UBND TP Hà Nội ban hành Quyết định 2417/QĐ-UBND thành lập CCN làng nghề xã Văn Tự để di dời các cơ sở sản xuất tại địa phương vào khu sản xuất tập trung nhằm bảo vệ môi trường, PCCC trong khu dân cư và mở rộng quy mô phát triển nghề truyền thống của địa phương kết hợp với du lịch văn hóa làng nghề.
Qua đó, Công ty CP đầu tư phát triển hạ tầng & đô thị Hoàng Tín phối hợp với UBND huyện Thường Tín và các sở, ngành hoàn thiện hồ sơ pháp lý trình UBND TP xin chấp thuận cho phép thực hiện dự án xây dựng CCN làng nghề tại thôn Nguyên Hanh, xã Văn Tự để phục vụ sản xuất của người dân và doanh nghiệp.
Ngày 5/12/2014, UBND TP tiếp tục ban hành Quyết định 5347/QĐ-QHKT về việc phê duyệt quy hoạch chi tiết CCN xã Văn Tự, tỷ lệ 1/500 với đầy đủ các nội dung. Cụ thể gồm: Tổng diện tích đất thực hiện dự án 73.683m2, trong đó có đất sản xuất, đất hành chính, cây xanh, đất hạ tầng kỹ thuật, bãi đỗ xe, đường giao thông.
Theo thiết kế, diện tích đất sản xuất được chia ra làm 5 khu với các lô đất có diện tích theo hồ sơ thiết kế từ 300 - 500m2/lô và được bố trí làm nhà xưởng sản xuất, công trình phụ trợ, văn phòng điều hành kết hợp với cửa hàng giới thiệu sản phẩm và được phép xây cao 2 tầng.
Quy hoạch tổng thể toàn CCN hình thành hệ thống các khu chức năng hiện đại, tạo hiệu quả thẩm mỹ kiến trúc và liên kết không gian giữa các khu trung tâm, khu sản xuất, khu cây xanh và hạ tầng kỹ thuật…Cùng với đó, khu nhà điều hành, trưng bày giới thiệu sản phẩm truyền thống của CCN cũng được cấp phép xây dựng 5 tầng, 1 tum theo thiết kế.
Tiếp đó, ngày 13/6/2016, UBND TP ban hành Quyết định số 3051/QĐ-UBND về việc báo cáo đánh giá tác động môi trường dự án “CCN làng nghề xã Văn Tự”. Đây là một trong số các văn bản có giá trị pháp lý để Công ty CP đầu tư phát triển hạ tầng và đô thị Hoàng Tín bắt tay vào việc thi công CCN làng nghề thôn Nguyên Hanh 73.683m2.
Theo Giám đốc Công ty CP đầu tư phát triển hạ tầng & đô thị Hoàng Tín Tạ Văn Hướng: Sau khi phối hợp cùng UBND huyện và các sở, ngành hoàn thiện hồ sơ pháp lý dự án, đến năm 2017 công ty bắt đầu thi công các hạng mục của dự án theo hồ sơ thiết kế được phê duyệt. Qúa trình thi công được giám sát chặt chẽ.
Và sau khi hoàn thành đồng bộ các hạng mục công trình ngầm, như: Điện sản xuất, điện chiếu sáng, mạng viễn thông, nước thải, nước sạch đảm bảo an toàn khi đưa vào hoạt động. Cùng với đó, qua nghiệm thu PCCC, ngày 14/7/2021, Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH (Công an Hà Nội) ban hành văn bản 559/NT-PCCC chấp thuận kết quả nghiệm thu PCCC.
“Thường Tín có hơn 120 làng nghề, trong đó 48 làng được cấp bằng công nhận làng nghề truyền thống. Cùng với đó, toàn huyện hiện có 11 CCN đang hoạt động, có 5 CCN làng nghề truyền thống đã đi vào hoạt động được xây dựng hạ tầng đồng bộ, đạt tỷ lệ lấp đầy 100%, trong đó có CCN làng nghề xã Văn Tự” - Phó Chủ tịch UBND huyện Thường Tín Bùi Công Thản.
Đem lại lợi ích thiết thực
Cũng theo Giám đốc Công ty CP đầu tư phát triển hạ tầng & đô thị Hoàng Tín Tạ Văn Hướng: Quá trình vận hành hoạt động sản xuất CCN, thời gian qua công ty còn áp dụng công nghệ xử lý nước thải bằng vi sinh, đây là công nghệ tiên tiến của Châu Âu để xử lý nước thải trong CCN, đảm bảo không gây ô nhiễm môi trường.
Đi đôi với những việc làm nêu trên, hàng năm công ty còn thực hiện ký hợp đồng với Công ty môi trường Thăng Long triển khai thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải phát sinh nhằm đảm bảo vệ sinh môi trường trong CCN. Đây chính là yếu tố giúp cho các cơ sở, công ty, doanh nghiệp, người lao động yên tâm làm việc.
Nhằm hưởng ứng mục tiêu phát triển kinh tế gắn liền với môi trường xanh - sạch - đẹp kết hợp với sức khỏe cộng đồng, Công ty CP đầu tư phát triển hạ tầng & đô thị Hoàng Tín phối hợp với Liên đoàn lao động huyện xây dựng điểm sinh hoạt văn hóa công nhân với diện tích khoảng 3.500m2 trong CCN để phục vụ người lao động nâng cao thể chất, sức khỏe.
Chủ tịch UBND xã Văn Tự Phạm Phú Tuấn chia sẻ: Trước đây, công tác quản lý đất đai, trật tự xây dựng trên địa bàn xã gặp nhiều khó khăn do thường xuyên xảy ra vi phạm. Nhưng từ năm 2018 đến nay, khi CCN đi vào hoạt động đã giúp cho 86 cơ sở, doanh nghiệp trên địa bàn xã có mặt bằng sản xuất. Nhờ đó vi phạm đã thuyên giảm.
Chủ tịch UBND huyện Thường Tín Nguyễn Xuân Minh khẳng định: Tại Đại hội nhiệm kỳ 2020 - 2025, huyện Thường Tín ban hành nghị quyết đẩy nhanh quy hoạch, xây dựng các CCN làng nghề truyền thống trên địa bàn nhằm giữ gìn môi trường, PCCC, tạo mặt bằng sản xuất, góp phần phát triển kinh tế và bảo tồn các làng nghề truyền thống.
Nhờ vậy, trong số các CCN trên địa bàn có CCN làng nghề xã Văn Tự được chủ đầu tư xây dựng theo quy mô hiện đại, đáp ứng tiêu chuẩn do TP quy định, như PCCC, xử lý chất thải, khuôn viên cây xanh, điện sản xuất, điện chiếu sáng, sân tập luyện thể thao...Đây được coi là CCN làng nghề điển hình của Thường Tín.
Ông Nguyễn Văn Giang - chủ cơ sở sản xuất cơ khí Giang Hằng cho biết: CCN làng nghề Văn Tự hoàn thành thể hiện rõ một khu sản xuất tập trung quy mô hạ tầng kỹ thuật, dịch vụ, sản xuất đồng bộ, đáp ứng yêu cầu cũng như giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường. Thu hút các nhà đầu tư, góp phần đảm bảo ANTT, thúc đẩy phát triển nghề cơ khí, nghề mộc truyền thống, giải quyết việc làm cho lao động.
Đến nay CCN làng nghề xã Văn Tự có tỷ lệ lấp đầy đạt 100%, 86 cơ sản xuất, doanh nghiệp thuê mặt bằng xây dựng nhà xưởng sản xuất, kinh doanh một cách bền vững, lâu dài, góp phần tăng nguồn thu nhập, đồng thời thực hiện đúng mục tiêu di dời các cơ sở sản xuất làng nghề ra xa khu dân cư, đảm bảo về môi trường và an toàn PCCC.
Tuy nhiên, với diện tích hiện tại của CCN mới chỉ đáp ứng được 50% nhu cầu về mặt bằng của các cơ sơ sản xuất. Do vậy, đề nghị UBND xã Văn Tự, UBND huyện Thường Tín trình UBND TP tiến hành triển khai mở rộng CCN làng nghề Văn Tự để di dời các hộ sản xuất trong khu dân cư chưa đáp ứng được về mặt bằng, môi trường, PCCC về tập trung sản xuất trong cụm.