Phát triển chuỗi liên kết trong nông nghiệp Thủ đô: Lấy doanh nghiệp làm đầu tàu

Ánh Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 29/12, Sở NN&PTNT tổ chức hội nghị tổng kết Dự án chuỗi giai đoạn 2016 - 2020 và Kế hoạch phát triển nông nghiệp Hà Nội giai đoạn 2019 - 2020. Dự và chỉ đạo hội nghị có Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Mạnh Quyền.

Lan tỏa nhiều mô hình hiệu quả
Trong những năm qua, TP Hà Nội đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ, đầu tư để phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa, tập trung, quy mô lớn, chất lượng cao. Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết, giai đoạn 2016 - 2020, Sở đã nỗ lực hoàn thành mục tiêu tái cơ cấu ngành nông nghiệp thông qua việc thực hiện các kế hoạch, dự án phát triển nông nghiệp đã được TP phê duyệt. Nổi bật phải kể đến, sản xuất lúa Japonica cho giá trị kinh tế đạt 30 triệu đồng/ha/vụ, cao hơn so với sản lượng lúa thường 20 triệu đồng/ha/vụ. Từ những mô hình điểm đến nay đã lan tỏa thành các vùng sản xuất lúa Japonica tại nhiều huyện trên địa bàn TP với diện tích hơn 9.300ha.
 Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền thăm gian trưng bày sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu. Ảnh: Ánh Ngọc
Thực hiện Kế hoạch phát triển sản xuất giống bưởi đỏ Tân Lạc và một số giống bưởi đặc sản Hà Nội, đến nay, toàn TP có 7.700ha bưởi, năng suất đạt 25 tạ quả/ha, sản lượng đạt trên 45.000, cho giá trị kinh tế đạt gần 600 triệu đồng/ha. Bên cạnh đó, các vùng chăn nuôi của Hà Nội đã cung cấp cho thị trường trên 3.000 tấn thịt bò chất lượng cao; tạo ra 5.500 con bê lai với giá trị gia tăng ước đạt 27,5 tỷ đồng.

Đáng chú ý, triển khai Dự án chuỗi sản xuất, cung cấp sản phẩm chăn nuôi, Hà Nội hoàn thiện 11 mô hình chuỗi sản xuất và cung cấp sản phẩm chăn nuôi đảm bảo an toàn thực phẩm. Hiện, trung bình mỗi ngày các chuỗi này đang cung cấp cho thị trường 14 tấn thịt lợn, 6,5 tấn thịt gia cầm, 105.000 quả trứng, 105 tấn sữa tươi và 1 tấn thịt bò. Nhiều chuỗi đã thiết lập được hệ thống các phân phối, cửa hàng tiện tích, bếp ăn tập thể để tiêu thụ ổn định sản phẩm chăn nuôi với giá trị gia tăng từ 10 - 15%.

Cũng theo ông Chu Phú Mỹ, thông qua việc thực hiện các kế hoạch, dự án phát triển nông nghiệp không chỉ nâng cao đời sống cho nông dân mà còn nâng cao nhận thức của nông dân về hiệu quả sử dụng đất đai, giảm sử dụng phân bón hóa học… Đây cũng được coi là tiền đề quan trọng để Hà Nội tiếp tục hướng tới những mục tiêu cao hơn trong thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025.

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao

Nhằm thực hiện thắng lợi Nghị quyết của Đại hội Đảng bộ TP Hà Nội lần thứ XVII, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Mạnh Quyền đề nghị Sở NN&PTNT, các sở, ngành, địa phương chú trọng phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp hiện đại, ứng dụng công nghệ cao. Khuyến khích và phát triển liên kết theo chuỗi giá trị từ sản xuất đến chế biến, tiêu thụ. Phó Chủ tịch UBND TP cũng lưu ý, phát triển nông nghiệp phải gắn với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Theo đó, cần rà soát điều kiện các vùng, xã trọng điểm chuyên canh gắn với chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm. Trong đó, lấy DN là đầu tàu, xây dựng và phát triển các nhãn hiệu, thương hiệu sản phẩm.

Phó Chủ tịch UBND TP cũng lưu ý triển khai đồng bộ các giải pháp tái cơ cấu ngành nông nghiệp phù hợp với định hướng của Bộ NN&PTNT, bám sát quy hoạch phát triển của TP. Đồng thời các sở, ngành tiếp tục rà soát, điều chỉnh một số cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp của TP đã ban hành nhằm đảm bảo đáp ứng thực tế sản xuất. Tham mưu xây dựng các cơ chế, chính sách phát triển sản xuất nông nghiệp trong thời gian tới, tạo điều kiện, thu hút các DN đầu tư vào nông nghiệp. Ngoài ra, cần phối hợp chặt chẽ với các tỉnh, thành trong cả nước liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp cũng như đẩy mạnh tuyên truyền quảng bá những mô hình, sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu của Thủ đô.

"Trong giai đoạn 2016 - 2020, Hà Nội đã thực hiện tốt việc xây dựng và phát triển dự án chuỗi, trở thành điểm sáng và xứng đáng là đầu tàu của cả nước. Với những kết quả đó, Hà Nội cần nâng cao nhận thức của người sản xuất và người tiêu dùng, tạo niềm tin, sức lan tỏa hơn nữa để nhân rộng mô hình trên toàn địa bàn TP." - Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến