Ông Lưu Tiến Long - Giám đốc Sở Công Thương đã có cuộc trao đổi với Báo Kinh tế & Đô thị xung quanh vấn đề này.
- Với cương vị lãnh đạo một cơ quan quản lý Nhà nước về CN, theo ông, CNHT nước ta nói chung và Thủ đô nói riêng chưa phát triển được trước hết do đâu?
Tôi cho rằng, thực tế này trước hết do bản thân các DN chưa nâng cao được năng lực cạnh tranh, thiết bị công nghệ còn lạc hậu. Điều đó khiến họ chậm chân trong việc tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, mà chỉ có "chân" trong đó, DN mới mở ra được nhiều cơ hội.
Để CNHT phát triển, theo tôi DN cần nhận thức rằng thế giới hiện nay là một thế giới "phẳng" - tức là một sản phẩm để được tạo ra có thể đã qua quá trình sản xuất tại rất nhiều nước, mọi quốc gia đều có thể tham gia chuỗi giá trị toàn cầu. DN không thể cứ tư duy kiểu khép kín mà cần tìm xem mình có thế mạnh gì để chiếm lĩnh công đoạn nào trong chuỗi giá trị đó, từ đó huy động mọi nguồn lực để tự cải tiến. Đáng chú ý, nhiều DN Nhật Bản đang có xu hướng chuyển dịch nhà máy ra nước ngoài, quan tâm đến Đông Nam Á trong đó có VN. Nếu DN trong nước kịp thời cải tiến để đáp ứng nhu cầu của họ thì đây đúng là thời cơ lớn.
- Để nắm bắt cơ hội, theo ông, DN trong lĩnh vực CNHT của Hà Nội cần tháo gỡ vướng mắc gì?
DN của Thủ đô hiện nay có lẽ cần nhất là thủ tục hành chính nhanh gọn để có thời gian kịp thời nắm bắt cơ hội, chứ về vốn thì thường họ đều xác định phải tự xoay xở. Ngoài ra, họ cần tư vấn, hoạch định chính sách của TP để định ra dòng sản phẩm thế mạnh của riêng mình, được tạo điều kiện khai thác các đề tài khoa học mà Hà Nội là nơi tập trung, được hỗ trợ đào tạo nhân lực chất lượng cao.
- Vậy tới đây, Hà Nội quan tâm phát triển CNHT ở những lĩnh vực nào và sẽ có những hỗ trợ gì cho DN?
Thực tế, mọi sản phẩm, dây chuyền sản xuất đều liên quan đến CNHT, nên vấn đề đặt ra là phải chọn được cái gì là lợi thế của Thủ đô. Theo tôi, tới đây, DN Hà Nội nên hướng vào các lợi thế trong một số ngành như sản xuất cơ điện tử, phụ tùng ô tô xe máy, chế tạo khuôn mẫu sản xuất, phụ kiện dệt may... để tập trung đầu tư phát triển CNHT.
Hiện TP đã có động thái tích cực là đang xây dựng KCN hỗ trợ Nam Hà Nội, KCN đầu tiên cho lĩnh vực CNHT tại huyện Phú Xuyên với tổng diện tích 600ha, tổng vốn đầu tư 800 triệu USD, do Công ty N&G làm chủ đầu tư từ năm 2008. KCN này dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2013, hiện đã có hơn 20 DN đăng ký vào. Tôi cho rằng cơ sở hạ tầng ở đây rất tốt, và TP sẽ dành nhiều ưu đãi cho DN CNHT trong thủ tục, giá thuê đất...
Bên cạnh đó, Sở Công Thương luôn xác định cùng TP tạo môi trường thuận lợi cho DN phát triển tối ưu, tạo cơ chế tiếp cận hạ tầng máy móc hiện đại cũng như nhà đầu tư..., cùng các sở, ngành khác thường xuyên lắng nghe kịp thời tháo gỡ khó khăn cho DN. Tôi muốn nhắc lại, 3 nhiệm vụ quan trọng của Sở Công Thương trong chiến lược phát triển CN Thủ đô giai đoạn 2011 - 2015 là: Phát triển các sản phẩm CN chính và CNHT, thúc đẩy hiệu ứng domino trong các giai đoạn chế tạo, và thúc đẩy sản xuất các sản phẩm trung gian với giá trị cao để hỗ trợ trong hệ thống tiêu thụ và chế tạo.