Phát triển đảng viên trẻ: Lan tỏa tinh thần cống hiến

Thủy Tiên - Trần Long thực hiện
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hiện nay, phát triển đảng viên trong học sinh THPT đang là một trong những mối quan tâm hàng đầu của Thành ủy Hà Nội, tuy nhiên, số lượng đảng viên là học sinh, sinh viên vẫn còn rất ít.

>>> Bài 1: Bước ngoặt lớn trong cuộc đời

>>> Bài 2: Động lực nuôi dưỡng ý chí

>>> Bài 3: Vẫn là việc khó

Bài cuối: Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến: Tạo bước đột phá trong công tác phát triển đảng viên là học sinh THPT

Từ thực tế công tác phát triển Đảng tại các trường học trên địa bàn TP, phóng viên báo Kinh tế & Đô thị đã có cuộc trao đổi với Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến xung quanh vấn đề này.

Sức mạnh của Đảng phụ thuộc vào chất lượng đảng viên

Thưa Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, việc tạo nguồn, kết nạp đảng viên mới, đặc biệt là đối tượng đảng viên trẻ đóng vai trò như thế nào đối với công tác xây dựng và phát triển Đảng?

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến.

- Từ khi thành lập đến nay, Đảng ta luôn quan tâm đến công tác kết nạp đảng viên mới và xác định đây là nhiệm vụ quan trọng trong công tác xây dựng Đảng, có ý nghĩa đặc biệt, quyết định sự tồn tại, phát triển của Đảng. Quan điểm chỉ đạo tại Hội nghị lần thứ ba, Ban Chấp hành T.Ư Đảng (khóa VII) nêu rõ: “Công tác phát triển đảng viên làm tăng thêm sinh lực cho Đảng, trẻ hóa đội ngũ, bảo đảm sự kế thừa và phát triển của Đảng. Làm tốt công tác tạo nguồn để lựa chọn, bồi dưỡng những người ưu tú, đủ tiêu chuẩn trong đoàn viên thanh niên, công nhân, nông dân, trí thức… Coi trọng chất lượng, không chạy theo số lượng, bảo đảm chặt chẽ về nguyên tắc, không định kiến, hẹp hòi”. Cũng tại Nghị quyết số 21-NQ/TW của BCH T.Ư (khóa XIII) xác định: “Đội ngũ đảng viên là nhân tố quyết định năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng”.

Kế thừa tinh thần đó, Đảng bộ TP luôn coi công tác kết nạp Đảng là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên, liên tục của các cấp ủy, tổ chức đảng, đảng viên. Trong đó, đặc biệt chú trọng đến việc kết nạp thế hệ trẻ, lực lượng tri thức. Thành ủy đã ban hành Chương trình số 01-CT/TU, trong đó xác định, phải xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên ở Đảng bộ TP Hà Nội thực sự gương mẫu, tiêu biểu về chính trị, tư tưởng, phẩm chất, năng lực và uy tín chuẩn hóa về lý luận chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ ngang tầm yêu cầu nhiệm vụ được giao; là tấm gương sáng về đạo đức, phong cách và nét đẹp văn hóa ứng xử của công dân Thủ đô.

Để thực hiện được mục tiêu này, cần đẩy mạnh và nâng cao chất lượng công tác kết nạp đảng viên, đặc biệt là phát triển đảng viên trong đội ngũ trí thức, học sinh, sinh viên. Đây sẽ là nguồn lực quan trọng đóng góp cho sự nghiệp phát triển của Thủ đô và đất nước.

Vậy thưa đồng chí, công tác phát triển đảng viên mới, đặc biệt là đảng viên trẻ trong các trường THPT tại Đảng bộ TP Hà Nội thời gian qua đã được quan tâm chỉ đạo và thực hiện như thế nào?

- Hà Nội có vị thế đặc biệt quan trọng, là đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm văn hóa, giáo dục, khoa học, kinh tế và giao dịch quốc tế. Đảng bộ TP Hà Nội là Đảng bộ lớn nhất cả nước, với 50 Đảng bộ trực thuộc, hơn 46 vạn đảng viên, chiếm khoảng 9% đảng viên so với cả nước.

Nhận thức sâu sắc tầm quan trọng của công tác kết nạp đảng viên, trong nhiều năm qua, Thành ủy Hà Nội và các cấp ủy trực thuộc luôn đặc biệt quan tâm đến công tác phát triển đảng viên, xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của cấp ủy, tổ chức đảng các cấp, là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị. Thành ủy đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, chú trọng đến lực lượng trí thức, giáo viên, học sinh, sinh viên. Qua đó, góp phần quan trọng trong việc nâng cao nhận thức của cấp ủy các cấp về ý nghĩa, vai trò của công tác phát triển đảng viên mới, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong từng giai đoạn.

Từ chỉ đạo của Thành ủy, công tác kết nạp đảng viên, nhất là trong lực lượng giáo viên, học sinh, sinh viên đạt được nhiều kết quả tích cực, số lượng đảng viên không ngừng lớn mạnh; cơ cấu đảng viên có sự chuyển biến theo hướng tích cực; chất lượng đảng viên được nâng lên đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong từng giai đoạn; tiêu chuẩn, điều kiện, quy trình, thủ tục, điều kiện kết nạp đảng viên cơ bản được tuân thủ nghiêm túc. Năm 2022, Đảng bộ Thủ đô có 4 học sinh khối THPT được vinh dự kết nạp Đảng.

Tuy nhiên, thẳng thắn nhìn nhận, số lượng đảng viên mới kết nạp trong lực lượng trí thức, giáo viên, học sinh, sinh viên của Đảng bộ TP thời gian qua chưa tương xứng với vị thế của Thủ đô. Tỷ lệ đảng viên trẻ đang có xu hướng giảm, dẫn đến tuổi trung bình của đảng viên mới kết nạp ngày một cao (năm 2016 là 30,25 tuổi, năm 2020 là 30,79 tuổi); tỷ lệ đảng viên mới kết nạp hàng năm trong các trường học, ở các cấp học thấp, chưa tương xứng với số lượng giáo viên, học sinh, sinh viên trong các trường THPT, đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp. Bên cạnh đó, xuất phát từ thực tiễn, yêu cầu đặt ra trong công tác phát triển đảng viên là không chỉ đảm bảo về số lượng mà chất lượng mới là yếu tố quyết định quan trọng.

Học sinh đầu tiên của trường THPT Hà Nội - Amsterdam được kết nạp Đảng
Học sinh đầu tiên của trường THPT Hà Nội - Amsterdam được kết nạp Đảng

Không vì số lượng mà hạ thấp tiêu chuẩn

Theo đồng chí, vì sao số lượng đảng viên là học sinh THPT trên địa bàn TP Hà Nội chưa phát triển đúng theo kỳ vọng?

- Trước hết, chúng ta phải thấy rằng, việc tạo nguồn và kết nạp vào Đảng không hề dễ, phải tiến hành công phu, trong thời gian dài và liên tục. Từ khi học sinh bước vào lớp 10, các nhà trường đã cần phải chú trọng đến công tác tạo nguồn, bồi dưỡng giáo dục lý tưởng cách mạng, nhận thức về Đảng, đạo đức, lối sống cho các em. Đồng thời phát hiện và định hướng cho những học sinh có tố chất tốt để các em xác định được mục tiêu phấn đấu trong suốt quá trình học tập, rèn luyện. Các học sinh ở giai đoạn này còn chưa thực sự chín chắn, dễ bị dao động tư tưởng, lôi kéo. Nếu theo dõi nguồn không tốt, sẽ không thể tìm được những đảng viên trẻ chất lượng. Vì vậy, việc lựa chọn nguồn cần được tiến hành chặt chẽ, đặc biệt là đối với học sinh, phải tiến hành liên tục.

Song, nhìn chung, nguyên nhân căn bản dẫn đến tình trạng số lượng đảng viên trong học sinh bị hạn chế là do trở ngại trong nhận thức, thiếu sự chủ động, tích cực trong hành động của cấp ủy, Đoàn thanh niên một số nhà trường và bản thân những đối tượng học sinh được xem xét kết nạp Đảng. Việc xây dựng kế hoạch tạo nguồn kết nạp đảng viên chưa tập trung vào nhóm đối tượng là học sinh THPT. Một số cấp ủy, tổ chức đảng có biểu hiện “dễ làm, khó bỏ”, chỉ tập trung phát triển Đảng ở những nơi có nguồn sẵn.

Vậy từ thực tiễn tại Hà Nội, đâu là những yếu tố quyết định thành công trong công tác phát triển đảng viên trong học sinh, thưa bà?

- Từ thực tế trong phát triển đảng viên ở trường THPT trên địa bàn TP Hà Nội cho thấy, điều quan trọng nhất là cần thống nhất về nhận thức, việc phát triển Đảng trong đội ngũ giáo viên, học sinh THPT và sinh viên là nhiệm vụ vừa cấp bách, vừa là chiến lược lâu dài và phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của ngành giáo dục và đào tạo là giáo dục toàn diện. Trong đó, có giáo dục về ý thức, trách nhiệm công dân và chính trị.

Cả hệ thống chính trị phải cùng vào cuộc, quan tâm, thực hiện công tác phát triển Đảng trong trường học, không chỉ ngành giáo dục và đào tạo, các nhà trường, mà cả cấp ủy các cấp, Thành đoàn phải thực sự sâu sát, đề ra chỉ tiêu, kế hoạch cụ thể tạo nguồn đoàn viên ưu tú để phát triển được đảng viên là học sinh. Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng các trường phải có trách nhiệm cao hơn nữa trong công tác này.

Những vướng mắc về độ tuổi theo quy định của Điều lệ Đảng có thể sẽ được nghiên cứu để điều chỉnh một cách linh hoạt, nhưng các nhà trường không nên chờ đến khi đó mới triển khai, mà cần phải luôn tích cực tìm kiếm, bồi dưỡng phát triển Đảng đối với các đối tượng đảng viên trẻ lấy nguồn từ đoàn ưu tú. Đồng thời, chủ động đề xuất khi cần có hướng dẫn bổ sung, điều chỉnh trong quá trình phát triển đảng viên trẻ trong trường học.

Thời gian tới, Thành ủy Hà Nội cũng đề nghị các quận, huyện, thị ủy quan tâm tiếp tục đẩy mạnh việc lãnh đạo Đảng bộ các trường THPT để nhà trường làm tốt hơn nữa công tác xây dựng Đảng, qua đó góp phần xây dựng đội ngũ đảng viên trẻ có tri thức, trình độ, bản lĩnh chính trị vững vàng.

Để quá trình phát triển Đảng trong học sinh đạt được kết quả tốt hơn, trong quá trình triển khai, cần đảm bảo mục tiêu về số lượng và chất lượng, tạo nguồn cho giai đoạn tiếp theo. Kiên quyết không chạy theo thành tích, coi nhẹ tiêu chuẩn; song cũng cần tránh tuyệt đối hóa tiêu chuẩn, cần linh hoạt để tạo cơ hội cho những học sinh có điều kiện và mong muốn được đứng trong hàng ngũ của Đảng.

Xây dựng hệ thống giải pháp nhằm tạo những đột phá

Thời gian tới, TP Hà Nội sẽ có cơ chế, giải pháp như thế nào để gỡ những điểm vướng cho các tổ chức cơ sở đảng, giúp việc phát triển Đảng trong khối học sinh đạt được những kết quả tốt hơn, thưa bà?

- Quán triệt, thực hiện Chỉ thị số 28-CT/TW ngày 21/01/2019 của Ban Bí thư T.Ư Đảng về nâng cao chất lượng kết nạp đảng viên và rà soát, sàng lọc, đưa những đảng viên không còn đủ tư cách ra khỏi Đảng, TP vừa qua đã xây dựng một loạt cơ chế, giải pháp nhằm nâng cao chất lượng kết nạp đảng viên ở Đảng bộ TP trong giai đoạn hiện nay, đáp ứng yêu cầu cả về chất và lượng. Trong đó, Thành ủy Hà Nội đã ban hành Đề án số 20-ĐA/TU, ngày 24/10/2022 về “Nâng cao chất lượng kết nạp đảng viên ở Đảng bộ TP Hà Nội trong giai đoạn mới” và đặt mục tiêu đến năm 2025, kết nạp đảng viên là học sinh THPT phấn đấu mỗi năm là 200 đảng viên, giai đoạn 2025 – 2030 phấn đấu mỗi năm kết nạp 300 đảng viên. Bên cạnh đó, TP phấn đấu đến năm 2025, tuổi bình quân đảng viên mới kết nạp giảm 0,2 tuổi so với nhiệm kỳ 2015 - 2020.

Đồng thời, trước yêu cầu từ thực tiễn đặt ra, Thành ủy đã giao Ban Tuyên giáo Thành ủy chủ trì cùng Ban Tổ chức Thành ủy, Trường đào tạo cán bộ Lê Hồng Phong và các Trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện nghiên cứu bổ sung, hoàn thiện nội dung chương trình, tài liệu bồi dưỡng đối tượng kết nạp đảng và đảng viên mới bảo đảm thiết thực, hiệu quả, thời lượng hợp lý; nghiên cứu mở các lớp bồi dưỡng riêng cho đối tượng là học sinh và theo yêu cầu của các trường THPT.

Bên cạnh đó, các trường cũng cần chủ động xây dựng kế hoạch cụ thể nhằm tăng cường tuyên truyền, giáo dục chính trị cho học sinh bằng những hình thức mới, hấp dẫn, từ đó, tạo sự thu hút đến với học sinh khi nắm bắt các thông tin liên quan đến Đảng.

Thời gian tới, nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng đảng viên, đặc biệt là đối với đảng viên trẻ, thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP lần thứ XVII và Chương trình số 01-CTr/TU về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, Ban Tổ chức Thành ủy đã chủ động đề xuất và được Thường trực Thành ủy đồng ý triển khai nghiên cứu Đề tài khoa học “Xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên Đảng bộ TP Hà Nội - Thực trạng, nhiệm vụ và giải pháp đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới”. Trong đó, có chỉ ra cần xây dựng chỉ tiêu ra từng giai đoạn, từng năm, nhất là chỉ tiêu về kết nạp đảng viên là học sinh, sinh viên.

TP sẽ tiếp tục nâng cao nhận thức của cấp ủy, tổ chức đảng, đảng viên về vị trí, vai trò của công tác kết nạp đảng viên và sự cần thiết phải nâng cao chất lượng công tác kết nạp đảng viên. Quán triệt và xác định rõ phương châm, phương hướng nâng cao chất lượng kết nạp đảng viên, không chạy theo số lượng bỏ qua chất lượng. Các tổ chức đảng trong khối giáo dục tiếp tục thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 12-CT/TU, ngày 9/10/2012 của Thành ủy về “đẩy mạnh công tác phát triển đảng viên trong đội ngũ trí thức và học sinh, sinh viên thuộc Đảng bộ TP”. Quan tâm đến những học sinh là quần chúng có thành tích cao trong lao động, học tập, tích cực tham gia các phong trào hoạt động của nhà trường, ưu tiên những học sinh có thành tích hoặc là thủ lĩnh trong các lĩnh vực học tập, phong trào thi đua, đưa vào kế hoạch kết nạp Đảng.

Tôi tin rằng, những giải pháp cụ thể trên sẽ tạo bước đột phá mới trong công tác phát triển đảng viên là học sinh THPT.

- Xin trân trọng cảm ơn bà!