Phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc

KT&ĐT
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Kể từ mốc son trong lịch sử dân tộc, chiến thắng 30/4/1975 vẫn mãi là nguồn động lực tinh thần to lớn về ý chí tự lực, tự cường và khát vọng giải phóng dân tộc, xây dựng, phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, hội nhập quốc tế, nâng cao vị thế Việt Nam.

Một góc TP Hà Nội nhìn từ hướng Tây. Ảnh: Công Hùng  
Một góc TP Hà Nội nhìn từ hướng Tây. Ảnh: Công Hùng  

Hôm nay, đất nước đã phải trải qua những ngày gian khó, hiểm nguy và cứ mỗi lần vượt qua thử thách chúng ta lại có thêm bài học lớn về tinh thần đoàn kết toàn dân tộc, nguyện chung ý chí kết đoàn để có những bước đi đầy đĩnh đạc hội nhập với thế giới, hút được những xung lực tích cực để giữ vững, bảo vệ chủ quyền Tổ quốc và phát triển kinh tế mang lại hạnh phúc cho Nhân dân.

Sau 47 năm thống nhất đất nước, 35 năm đổi mới, Việt Nam đã chuyển từ một nền kinh tế thiếu hụt lớn sang một nền kinh tế quan hệ cung - cầu, tăng trưởng kinh tế của nước ta luôn giữ ở mức rất cao, kể cả trong thời điểm chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19. Thứ hạng của Việt Nam trên nhiều bảng xếp hạng của thế giới về môi trường đầu tư kinh doanh, năng lực cạnh tranh, đổi mới sáng tạo... liên tục được cải thiện mạnh mẽ. Việt Nam hiện nay đã trở thành một bộ phận của nền kinh tế toàn cầu, thành viên chính thức của nhiều tổ chức quốc tế.

Những thành tựu của ngày hôm nay có được bởi nhiều yếu tố cộng hưởng nhưng trên hết là tinh thần đoàn kết, đồng lòng, luôn đặt Nhân dân là trung tâm, là chủ thể của công cuộc đổi mới; lấy hạnh phúc, ấm no của Nhân dân làm mục tiêu phấn đấu. Nhìn vào các chỉ số thu nhập bình quân đầu người tăng lên hàng năm, tỷ lệ nghèo đa chiều giảm dần qua từng thời điểm, hệ thống an sinh xã hội phát triển theo hướng toàn diện để “không ai bị bỏ lại phía sau”, quyền và lợi ích chính đáng của Nhân dân được bảo vệ.

Có thể thấy, đây là những minh chứng sinh động cho sự quan tâm của Đảng, Nhà nước. Chỉ số hạnh phúc còn được đo lường thông qua các tiêu chí hài lòng về cuộc sống, môi trường, chính sách an sinh, phúc lợi xã hội...
Cũng bằng sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân, niềm tin ấy, đất nước ta đang bước vào thời cơ, vận hội mới, phát huy mạnh mẽ mọi nguồn lực và sức sáng tạo, mở ra những cơ hội mới để tiến tới mục tiêu dân giàu nước mạnh.

Những mục tiêu phát triển đất nước đến năm 2030 là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại thuộc nhóm trên của các nước có thu nhập trung bình cao và đến năm 2045 trở thành nước công nghiệp hiện đại, có thu nhập cao đã thể hiện tầm nhìn xa, trông rộng của Đảng trong cụ thể hóa ý chí, khát vọng của dân tộc ta.

Như có ý kiến đã chỉ ra, “Việt Nam năm 2045 là bức tranh đẹp mà tất cả chúng ta và các thế hệ tương lai có cơ hội đặt nét vẽ của mình lên đó”. Tức là khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc không phải là một khẩu hiệu suông mà chính là mục tiêu, động lực để tất cả chúng ta cùng nhau nỗ lực, phấn đấu.

Những con số, giải pháp mang tính đột phá, khơi dậy động lực sáng tạo toàn dân được xây dựng dựa trên cơ sở khoa học của thành tựu đã có, đặc biệt coi trọng chỉ số hạnh phúc của người dân, nguồn lực hiện hữu, đang trở thành động lực thúc đẩy ý chí tự chủ, tự cường.