Phát triển đô thị xanh: Lấy cộng đồng làm trọng tâm

Thành Luân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trước việc ô nhiễm không khí, thiếu nơi vui chơi... nhiều người chuyển tới những nơi có không gian sống trong lành, gần gũi với thiên nhiên.

Người dân đạp xe đạp tại công viên Long Biên.
Người dân đạp xe đạp tại công viên Long Biên.

Dịch chuyển để “sống xanh”

Chị Tuyết Nga (27 tuổi) quyết định cho thuê căn nhà của 2 vợ chồng ở quận Ba Đình để chuyển sang Long Biên sống. Hơn một năm sinh sống tại vùng ven Hà Nội, nếp sống của cô thay đổi tích cực, không còn "ngủ nướng" mà dậy tập thể dục đều đặn mỗi sáng.

Khu gia đình chị Nga ở có nhiều cây xanh, công viên Ngọc Thụy mới xây dựng rất khang trang, không chỉ là một không gian thiên nhiên tươi đẹp, mà còn được trang bị nhiều tiện ích và cơ sở hạ tầng hiện đại. Xung quanh nhà cũng có đầy đủ tiện ích từ siêu thị, trường học các cấp, rạp chiếu phim, trung tâm thương mại, phố vui chơi giải trí.

"Từ ngày về đây, các con của tôi có không gian lớn để vui chơi ngoài trời, không còn bị gò bó trong nhà và cũng gần như ít sử dụng các thiết bị công nghệ như tivi, điện thoại hay máy tính bảng..." - chị Nga cho hay.

Trong khi đó với ông Trần Đức Chính, ở Khu đô thị Ecopark, trước đây sống ở phố Nguyễn Hoàng (quận Nam Từ Liêm) cũng đã quyết định chuyển nhà về khu đô thị cách trung tâm TP 15km để có không gian rộng rãi cũng như để gần gũi với thiên nhiên.

"Trước đây nơi tôi sống thường xuyên bị mất ngủ khi vẫn văng vẳng tiếng còi xe, ồn ào từ nhà hàng xóm... Khi chuyển tới đây rất yên tĩnh, chỉ có tiếng lá, gió xào xạc. Xung quanh cũng có nhiều công viên, tôi đi dạo nhiều người khỏe hẳn, đỡ cả đau nhức xương khớp" - ông Chính chia sẻ.

Theo Cục Hạ tầng kỹ thuật, Bộ Xây dựng, tỷ lệ cây xanh trên mỗi người dân tại các đô thị của Việt Nam ở mức thấp, chỉ từ 2 - 3m2/người, trong khi chỉ tiêu xanh tối thiểu của Liên hợp quốc là 10m2 và chỉ tiêu của những thành phố hiện đại trên thế giới từ 20 - 25m2/người. Qua đó cho thấy, tỷ lệ cây xanh đô thị của Việt Nam chỉ bằng 1/5 - 1/10 của thế giới.

Tác động thấy rõ là đô thị ở Việt Nam đã và đang gặp phải những thách thức rất lớn về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu; đặc biệt là thiếu các công viên cây xanh để nâng cao chất lượng môi trường sống, điều hòa không khí và tạo không gian cảnh quan.

Điều này khiến người dân ngày càng “khát” không gian xanh, đặc biệt là thế hệ trẻ với điều kiện sống và có ý thức hơn về giá bị bền vững. Nhưng với tốc độ đô thị hóa hiện nay, những không gian xanh, mặt nước đang ngày càng thu hẹp và vắng bóng trong môi trường đô thị.

Chú trọng không gian xanh trong đô thị

Có thể thấy, nhận thức và tiêu chí lựa chọn nơi "an cư" đã thay đổi khi người dân chấp nhận rời trung tâm đi về vùng rìa thành phố, để có được một không gian đáng sống với không gian phong phú để nâng cao chất lượng cuộc sống và quan trọng là họ tránh được mọi ồn ào nơi đô thị.

 

Theo thống kê của Bộ Xây dựng, đến tháng 10/2023, cả nước có 902 đô thị, trong đó có hai đô thị loại đặc biệt, 22 đô thị loại I, 35 đô thị loại II, 46 đô thị loại III, 94 đô thị. Mỗi năm, ước tính các đô thị Việt Nam có thêm từ 1 - 1,3 triệu dân.

Theo Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam Nguyễn Văn Đính, yếu tố khoảng cách và giá cả đã dần không còn là tiêu chí hàng đầu khi lựa chọn thuê, mua nhà. Người mua nhà hiện nay chú trọng hơn vào phong cách sống, môi trường sống và hệ thống tiện ích nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống. Họ sẵn sàng trả thêm tiền và đi xa hơn để được đáp ứng nhu cầu. Và từ nhu cầu trên, nhiều chủ đầu tư đã tiên phong phát triển bất động sản xanh là các khu đô thị đáng sống bậc nhất.

Tuy nhiên, ông cho rằng số lượng dự án xây dựng thời gian qua vẫn khiêm tốn. Bởi nhiều chủ đầu tư muốn làm công trình xanh nhưng chưa có kinh nghiệm, hoặc lo ngại việc xây dựng và phát triển công trình xanh sẽ khiến chi phí đầu tư tăng 20 - 30%, thậm chí cao hơn. Trong khi thực tế, nhiều nghiên cứu trên thế giới chỉ ra công trình xanh đòi hỏi tăng vốn đầu tư 3 - 8% so với đầu tư thông thường, nhưng sẽ tiết kiệm từ 15 - 30% năng lượng sử dụng, giảm 30 - 35% lượng khí thải carbon, tiết kiệm từ 30 - 50% lượng nước sử dụng, 50 - 70% chi phí xử lý chất thải.

Do đó, để hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng kinh tế xanh của Việt Nam, trước hết, cơ quan quản lý Nhà nước xây dựng và triển khai thực hiện quy trình đánh giá, chứng nhận, cấp chứng chỉ cho vật liệu, thiết bị, công trình xanh bằng con số, định lượng cụ thể; có cơ chế ưu đãi đối với công trình xanh sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả nhằm thu hút doanh nghiệp tham gia xây dựng. Ngược lại về phía doanh nghiệp cần kịp thời định vị lại sản phẩm phát triển để được hưởng lợi từ những ưu đãi và nhu cầu sống xanh ngày càng tăng....